So sánh mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Không ít những gia đình Việt Nam đều có quan niệm: “Của chồng chính là của vợ”. Thế nhưng điều này hoàn toàn trái ngược ở các gia đình Nhật Bản, với họ: “Của chồng chưa chắc là của vợ”. Tại sao lại có quan niệm như vậy? Liệu có sự khác biệt nào trong mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản?

    Việt Nam: “Cha mẹ làm tất cả đều vì con”

    Có một vài bậc phụ huynh Việt Nam sẽ nói với con cái họ rằng: “Hằng ngày ba mẹ cực khổ làm việc như thế tất cả đều là vì con.” Khi những đứa trẻ non nớt nghe được những lời này chúng sẽ mặc định trong đầu rằng tất cả những gì ba mẹ chúng đều là của chúng cả. Và thế là chúng ta lại xem được “những thước phim” vô cùng quen thuộc: cha mẹ lo toan từng miếng ăn giấc ngủ từ khi mới lọt lòng, đến tuổi cắp sách đến trường thì bắt đầu lo lắng việc học hành, mong muốn con mình phải vào trường điểm, trường tốt, nom nớp lo sợ không biết con mình có đậu đại học không? Rồi khi con bắt đầu bước vào xã hội các bậc phụ huynh lại nhọc nhằn thay con tìm việc, tìm người yêu, mua nhà thậm chí đến việc thay con cái chăm sóc và giáo dục cháu như thế nào cũng đã được lên kế hoạch rõ ràng.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Cả đời ba mẹ luôn sống vì con, luôn suy nghĩ cho con những điều tốt đẹp nhất. Khi con đến tuổi bước vào đời – độ tuổi cần chăm chỉ phấn đấu nhất thì con đã có một cuộc sống sung túc, nắm trong tay nào là nhà là xe. Thế nhưng tất cả những thứ này không phải do chính con làm ra mà hoàn toàn là mồ hôi công sức cả đời của cha mẹ.

    Đây có thể được gọi là mối quan hệ gia đình kiểu "sự phụ thuộc lẫn nhau". Cha mẹ phụ thuộc vào con cái về mặt tình cảm, còn con cái hoàn toàn phụ thuộc cha mẹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau này khiến cho mối quan hệ gia đình ở Việt Nam rất khắng khít, ngoài quan hệ máu mủ ruột rà, nó còn chứa đựng cả yếu tố lợi ích tài chính.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Nhật Bản: “Quan tâm con nhưng con cũng phải tự cố gắng”

    Mối quan hệ gia đình của người Nhật lại theo mô típ “sống cùng nhau”. Ở Nhật, việc nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của cha mẹ chứ không phải là trách nhiệm của cả dòng họ. Vì vậy, giới văn phòng Nhật Bản sau khi kết hôn thường không sinh con ngay, một khi đã sinh con thì người vợ sẽ nghỉ việc ở nhà trở thành một bà nội trợ chính hiệu.

    Người Nhật cũng mong muốn con cái mình công thành danh toại, nhưng họ sẽ không ép con cái phải trở thành người giỏi nhất. Giáo dục Nhật Bản không có tính cạnh tranh, bạn sẽ không tìm thấy bất kì một “bông hoa điểm 10” nào tại trường mẫu giáo cũng như chẳng có bảng xếp hạng tại các trường cấp một cấp hai.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Ở một vài thành phố lớn như Tokyo, ngoại trừ con cái của các gia đình giàu có hoặc con cái của các ngôi sao thì đa số những đứa trẻ sẽ học tập tại các trường công lập gần nhà. Nhật Bản cũng có chế độ thi cử toàn quốc như kì thi đại học của Việt Nam nhưng vào ngày này, có rất ít phụ huynh đứng chờ con trước cửa trường thi mà đa số các em học sinh sẽ tự ngồi xe điện hoặc đạp xe đi thi. Sau khi tốt nghiệp đại học, con cái sẽ tự tìm việc làm phù hợp với bản thân. Tại các cuộc tuyển dụng ở Nhật Bản nếu phát hiện có gian lận hoặc lo lót thì đó sẽ trở thành một vụ bê bối của cả xã hội.

    Các bậc làm cha làm mẹ ở Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc kết hôn của con cái thế nhưng những buổi xem mắt tại Nhật đều do thanh niên Nhật Bản tự tổ chức, hoàn toàn không có việc cha mẹ xem mắt thay con. Tại Nhật, con cái khi lập gia đình cũng không cần cha mẹ mua nhà. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Đời sống sinh viên Đại học Tokyo cho thấy những người trẻ ở độ tuổi 20 - 30 khi kết hôn sẽ có 85% thuê nhà, 10% cùng nhau sống tại kí túc xá của công ty hoặc ở cùng với cha mẹ, chỉ có 5% mua nhà mới. Khi con cái kết hôn hai bên gia đình cũng không phải đau đầu về vấn đề nhà cửa, thông thường các cặp đôi sẽ cân nhắc thu nhập của bản thân để chọn nơi ở thích hợp.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Vì vậy, mối quan hệ gia đình ở Nhật Bản có hai điều rõ ràng sau: thứ nhất là rõ ràng về mặt tiền bạc, thứ hai là rõ ràng về mặt thời gian. Tài sản của cha mẹ là của cha mẹ, tài sản của con cái chính là của con. Minh chứng của việc rõ ràng thời gian ở Nhật là con cái sẽ không chiếm quá nhiều thời gian của cha mẹ, cha mẹ sẽ có quỹ thời gian riêng cho bản thân. Ví dụ như tại Nhật, rất hiếm khi ông bà đưa rước con cháu đi học mà thường là các bà mẹ sẽ làm việc này.

    Sự rõ ràng trong gia đình Nhật Bản thoạt nhìn sẽ khiến chúng ta cảm thấy quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên có phần khách sáo, không được thân mật như trong các gia đình Việt Nam, tuy nhiên sự khách sáo này không hề ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, cũng không khiến mối quan hệ này trở nên lạnh nhạt.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Tóm lại, trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ đều cần phải có bóng dáng và sự quan tâm của cha mẹ, thậm chí người mẹ phải hy sinh công việc để có thể toàn tâm toàn ý lo cho con. Tuy nhiên, đến khi con cái cứng cáp rồi thì cha mẹ tại Nhật sẽ buông tay cho con tự lập. Những người đàn ông trưởng thành vẫn sống cùng cha mẹ, đôi khi sẽ bị hàng xóm dị nghị.

    Những người con đi làm xa thường một năm sẽ về thăm nhà 2 lần: một lần vào dịp năm mới và một lần nữa vào lễ Obon ở giữa tháng 8. Ngoài ra còn có một kỳ nghỉ kéo dài một tuần để con cái quay về đoàn viên cùng gia đình. Nhật Bản còn có bốn ngày lễ lớn để con cháu thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ là: Ngày của Mẹ (Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5), Ngày của Cha (Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6), Tết Trung Thu và một ngày trong tháng 12. Vào bốn ngày lễ này, con cái thường tặng quà cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính, còn cha mẹ sẽ gửi cho con mình những món ăn quen thuộc của quê nhà. Các công ty vận chuyển ở Nhật rất phát triển vì cha mẹ thường sẽ tự tay chuẩn bị những món con thích sau đó sẽ thông qua công ty vận chuyển gửi đến tận nơi cho những đứa con đang học tập và làm việc ở xa.

    Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản

    Thật khó để xác định rằng mô hình quan hệ gia đình Việt Nam tốt hay mô hình quan hệ gia đình Nhật Bản tốt. Mối quan hệ gia đình ở mỗi quốc gia có lịch sử xã hội và nền tảng văn hóa riêng, và thậm chí nó còn chịu ảnh hưởng của môi trường địa lý, cả hai mối quan hệ này đều có tính hợp lý của riêng chúng.

    Tuy nhiên, đa số người Nhật Bản cho rằng: khi còn trẻ chúng ta không nên cứ núp mãi dưới bóng cây của cha mẹ. Để có được hạnh phúc chúng ta cần phải học cách vượt qua áp lực cuộc sống, phải biết vươn lên và làm việc chăm chỉ. Chỉ có cách này, bạn mới nhận ra rằng tất cả những gì bạn đạt được hôm nay đều do bạn cực khổ đổ mồ hôi công sức mà có được. 

    kilala.vn

    25/03/2020

    Bài: Alexx
    Tham khảo: China Women News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!