Nỗ lực bảo vệ trẻ em Nhật khỏi nạn bắt cóc và xâm hại

    Khi nhìn hình ảnh những học sinh tiểu học tự mình đi bộ đến trường không cần cha mẹ đưa đón, không ít người nghĩ rằng "Nước Nhật thật an toàn, nước Nhật chắc không có bắt cóc đâu nhỉ!". Nhưng trong thực tế thì nước Nhật vẫn phải đối mặt với nạn bắt cóc và xâm hại trẻ em. Vào những năm 1990, tội phạm bắt cóc trẻ em ở Nhật tăng cao khiến các bậc cha mẹ cũng như chính quyền phải tìm mọi phương cách bảo vệ con em mình. "Kodomo 110 ban no ie" là một phương cách độc đáo và hiệu quả mà người Nhật đã xây dựng để hạn chế nguy cơ trẻ em bị kẻ xấu tấn công hay dụ dỗ, đặc biệt là trên đường đi học về.

    Bé gái lớp 3 tự bảo vệ mình trước kẻ xấu 

    Người Nhật có một câu nói, ngụ ý rằng khi mùa xuân ấm áp đến cũng là lúc những kẻ khả nghi bắt đầu xuất hiện và đi dụ dỗ trẻ con. Gần đây, câu chuyện về một học sinh tiểu học ứng phó bình tĩnh và thông minh trước kẻ lạ mặt đang lan truyền trên mạng xã hội Nhật với rất nhiều lời khen ngợi.

    bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt cóc
    (Ảnh minh họa: funny/PIXTA) 

    Chuyện xảy ra vào ngày 14/4 ở tỉnh Kagoshima, bé gái đang trên đường đi học về thì thấy một chiếc xe ô tô tấp vô lề đường, người đàn ông lạ mặt bước ra khỏi xe và cất giọng hớt hải:
    “Cháu ơi, mẹ cháu vừa bị tai nạn đấy”.

    Ngay lập tức cô bé bình tĩnh trả lời:
    “Chắc chú nhầm rồi”.

    Người đàn ông kia hơi giật mình trước thái độ của cô bé, nhưng không từ bỏ mà vẫn bám theo. Lúc này cô bé liền dừng lại trước cổng một ngôi nhà bên đường và nói:
    “Đây là nhà cháu rồi”.

    Người đàn ông đáng ngờ liền cho xe chạy mất.

    Thực tế thì đây không phải là nhà của bé mà là một trong những “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em” - "Kodomo 110 ban no ie". Điều đáng khen là cha mẹ cô bé đã hướng dẫn con cách sử dụng “Kodomo 110 ban no ie” cũng như dạy con cách bảo vệ mình trước sự tấn công hay dụ dỗ của những kẻ lạ mặt, nhờ đó mà cô bé đã ứng dụng nó rất linh hoạt trong trường hợp này.

    Cả xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ em 

    xã hội chung tay bảo vệ trẻ em
    (Ảnh minh họa: KAORU/PIXTA) 

    Vào tháng 3 năm 1996, tỉnh Gifu là nơi đầu tiên phát động phong trào bảo vệ trẻ khỏi kẻ lạ mặt trong phạm vi khu phố và khu dân cư nơi trẻ đi học về. Sở cảnh sát cùng chính quyền địa phương kết hợp với nhà trường và hội phụ huynh học sinh đã kêu gọi sự hợp tác từ mọi gia đình, mọi cửa hàng, siêu thị, mọi cơ sở công cộng như nhà ga, bưu điện, và cả xe taxi, với mục tiêu biến các địa điểm trên thành nơi bảo vệ cho trẻ em khỏi sự đe dọa từ những kẻ bắt cóc hay nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng.

    Trẻ em có thể nhận biết những địa điểm an toàn dựa vào dấu hiệu “こども110 番の家 - Kodomo 110 ban no ie” cũng có nghĩa là “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”. Ở Nhật, số 110 chính là số điện thoại nóng để gọi cảnh sát trong trường hợp nguy cấp. Vì thế cụm từ “Kodomo 110 ban no ie” là cách nói ẩn dụ chỉ những địa điểm an toàn cho trẻ. Bất cứ khi nào cảm thấy bất an và có nguy hiểm, trẻ có thể tiếp cận những “ngôi nhà” này để được bảo vệ.

    Sau đó, phong trào lan rộng khắp nước Nhật. Giờ đây, bạn có thể nhìn thấy dòng chữ “こども110 番の家” dán ở rất nhiều ngôi nhà trên các tuyến đường đến trường học, cửa hàng tiện ích, siêu thị, quán ăn, nhà hàng, nhà ga, bưu điện, và cả hệ thống xe taxi ở đất nước mặt trời mọc. Có thể thấy, ẩn sau “Kodomo 110 ban ie” là hình ảnh cả xã hội Nhật chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy hiểm.

    Dạy trẻ nhận biết "Ngôi nhà bảo vệ trẻ em"

    ngôi nhà bảo vệ trẻ em
    Một "Ngôi nhà bảo vệ trẻ em" (Ảnh: Tranpan23/Flickr)

    Ở các trường học Nhật Bản, học sinh được huấn luyện các kỹ năng phòng tránh nguy hiểm rất kỹ càng. Ngoài việc dạy các em cảnh giác kẻ khả nghi, nhà trường, hội phụ huynh PTA, đoàn thể tình nguyện, cảnh sát khu vực còn phối hợp triển khai nhiều hoạt động tỉ mỉ để giúp các em xác nhận đâu là “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”:

    ◆ Giáo viên đưa học sinh đến tận nơi để xác nhận từng địa điểm “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em” nằm trên đường đi học của trẻ. Học sinh cũng có thể tự mình đi xác nhận lại và trao cờ cho địa điểm đó để treo ở nơi dễ nhận biết nhất.

    ◆ Tổ chức các buổi huấn luyện thực tế với sự tham gia của học sinh và những nơi đăng kí “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”.

    ◆ Triển khai các lộ trình cho trẻ đi dựa theo các địa điểm đăng kí “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em”.

    Làm thế nào để trở thành một "Ngôi nhà bảo vệ trẻ em"

    Đây là một phong trào xã hội dựa trên tinh thần thiện nguyện nên yêu cầu thường không quá khắt khe. Điểm đầu tiên và quan trọng nhất chính là ngôi nhà hay địa điểm phải luôn có người thường trực để ứng phó bất cứ lúc nào trẻ cần. Vì thế các quán ăn, cửa hàng, bưu điện, nhà ga hay gia đình có phụ nữ nội trợ đều được khuyến khích tham gia. Ngoài ra, hội phụ huynh, nhà trường cùng đoàn thể địa phương sẽ tìm kiếm, khảo sát những địa điểm thích hợp và chủ động đề nghị hợp tác. Ở nhiều địa phương, việc đăng kí “Ngôi nhà bảo vệ trẻ em” thường có thời hạn 1 năm, năm sau có thể hủy hoặc đăng ký lại.

    Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

    27/07/2016

    Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: Nguyễn Thị Thu, PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!