Những mẹo giúp trẻ quản lí thời gian hiệu quả
Bạn có biết không, để trẻ có thể hình thành và phát huy khả năng tự quản lý thời gian cũng cần phải có mẹo. Với những chia sẻ sau đây từ tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu, việc tập cho trẻ tính tự giác trong giờ giấc sẽ không còn là vấn đề quá xa lạ nữa.
Có lẽ rất nhiều bố mẹ có con ở độ tuổi từ 4 - 9 tuổi gặp khó khăn trong việc nhắc nhở trẻ những việc cần làm nhưng mãi mà trẻ không làm. Đã đến giờ đi tắm, đến giờ ăn cơm, đến giờ học bài nhưng bố mẹ nhắc nhở nhiều lần, ngày này qua ngày khác trẻ vẫn không tự giác. Thậm chí nếu bố mẹ càng quát, càng giục “nhanh lên” thì trẻ lại càng chây ỳ và thiếu tính tự giác. Ngay từ khi Bon ở giai đoạn tiền tiểu học 4 - 5 tuổi cho đến bây giờ khi đang học lớp Một, tôi đã kiên trì thực hiện theo hai cách đã tham khảo được từ nhà giáo dục nổi tiếng người Nhật Oyano Chikara giới thiệu, đó là “Thị giác hoá những việc cần làm” và “Sử dụng đồng hồ giả để tính thời gian”. Nhờ hai phương pháp này nên Bon đã có nhịp sinh hoạt nhịp nhàng và nề nếp, ý thức tự giác tốt hơn, kỹ năng quản lí thời gian tiến bộ hơn, đặc biệt mẹ cũng đỡ phải thúc giục, la mắng con hơn.
Thị giác hoá những việc cần làm
Trẻ con nhất là ở độ tuổi mầm non rất cần có hình ảnh trực quan để nhắc nhở trẻ nhớ đến những việc cần làm. Ví dụ như Bon rất lười hợp tác trong việc đánh răng thì ở nhà tắm tôi sẽ dán một hình ảnh trực quan đánh răng, rửa mặt để nhắc nhở con đó là công việc cần làm vào buổi sáng và buổi tối. Để rèn thói quen tự cất đồ khi đi học về và tự chuẩn bị đồ đi học cho ngày hôm sau thì ở chỗ cất ba lô, tôi sẽ dán những hình ảnh con cần phải làm, đó là hình ảnh quần áo, khăn và cốc để mỗi tối trước khi đi ngủ con nhớ.
Nếu trẻ ở độ tuổi tiểu học, bố mẹ chỉ cần cùng trẻ lên một danh sách những việc cần làm cho buổi sáng và buổi tối. Sau đó dán lên một bảng nhỏ, có thể là mặt sau của tờ lịch để bàn và để nó ở bàn ăn. Hoặc viết lên tấm bảng nhỏ và treo trên tường chỗ trẻ dễ nhìn nhất. Ví dụ như ở nhà tôi, tôi làm 2 bảng danh sách:
- Công việc buổi sáng: Thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, học bài 10 phút (đọc sách), đi học
- Công việc buổi tối: Học bài lần 1 sau khi đi học về, giải trí, tắm, giúp mẹ việc nhà, ăn tối, học bài lần 2, cả gia đình chơi cùng nhau (chơi câu đố, game đố vui, xem phim), đọc truyện và đi ngủ lúc 9h30
Sau khi lên bảng danh sách những công việc đó, tôi sẽ dùng những miếng dính để cứ mỗi việc Bon làm xong thì đánh dấu vào là đã làm. Còn nếu trên bảng nam châm, bố mẹ có thể sử dụng những miếng nam châm mặt cười để đánh dấu những việc trẻ đã hoàn thành. Đó là cách thị giác hóa tốt nhất những việc trẻ cần làm.
Dùng “đồng hồ giả” để tính thời gian
Nhưng nếu muốn trẻ vừa tự giác, vừa biết nhận thức về thời điểm cần hoàn thành công việc đó thì bố mẹ hãy sử dụng những đồng hồ giả định vẽ bằng tay kết hợp cùng đồng hồ thật có mặt số. Trong một ngày có những công việc con cần hoàn thành hoặc bắt đầu vào đúng thời gian đó thì bố mẹ hãy vẽ đồng hồ trên giấy và dán cạnh đồng hồ thật đang chạy để trẻ nhìn. Ví dụ như 7:30 tối trẻ phải ngồi vào học bài thì bố mẹ hãy vẽ lên giấy chiếc đồng hồ đang chỉ 7:30, bên dưới ghi dòng chữ “Học bài”. Hoặc có một cách khác đó là bố mẹ hãy làm một chiếc đồng hồ giả mà kim giờ, kim phút đều điều chỉnh được.
Ở nhà tôi thì tôi thường có chiếc đồng hồ giả để bên cạnh đồng hồ thật để nhắc nhở Bon. “Bon ơi bây giờ kim dài đang ở đây, con còn mấy chục phút nữa. Nếu kim dài của đồng hồ thật chỉ đến đúng số này thì mình sẽ kết thúc nhé”. Cách làm này chỉ giúp trẻ giải quyết được từng việc một. Còn cách dán những miếng giấy vẽ tay lên xung quanh chiếc đồng hồ thật sẽ giúp trẻ có cái nhìn tổng thể hơn về những công việc mình cần làm trong cả buổi sáng hoặc buổi tối.
Ban đầu trẻ sẽ chưa quen với cách làm này nên cần bố mẹ đồng hành và hướng dẫn trẻ nhớ những việc mình cần làm, và thời gian cần hoàn thành hay bắt đầu. Khi trẻ làm tốt được một việc cũng hay khen ngợi để ghi nhận sự cố gắng của trẻ. Dần dần trẻ sẽ tiến bộ và tự giác hơn.
Dùng đồng hồ bấm giờ
Có một cách rất hiệu quả nữa mà tôi thường sử dụng đó là dùng đồng hồ bấm giờ. Khi Bon muốn xem tivi 15 phút tôi sẽ chỉ lên đồng hồ treo tường để nhắc Bon kim dài chỉ đến số mấy thì hết giờ. Thường Bon vẫn muốn xin mẹ xem thêm 2 - 3 phút nữa thì tôi sẽ dùng đồng hồ bấm giờ. Đồng hồ kêu tít tít nghĩa là đã hết giờ, nhờ có dụng cụ trung gian rất trung thực này nên Bon sẽ không ăn vạ hay mè nheo khi phải tắt tivi đi.
Bon thường ăn rất chậm nên tôi khích lệ Bon bằng cách vừa sử dụng đồng hồ giả, vừa dùng đồng hồ bấm giờ. Mỗi bữa ăn chia ra làm 3 lần 5 phút để Bon cố gắng. Hết 5 phút đầu con ăn được 1/3 bát cơm, 5 phút sau con ăn một nửa còn lại, và 5 phút cuối cố gắng ăn hết bát cơm. Nhờ cách này mà Bon đã ăn nhanh hơn và cố gắng ăn hết suất của mình. Đồng hồ bấm giờ cũng phát huy hiệu quả khi bố mẹ cho trẻ làm những nhiệm vụ trong thời gian ngắn dưới 10 phút, và dành cho những trẻ chưa có khả năng tập trung trong thời gian dài.
kilala.vn
Đôi nét về tác giả:
Chị Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, là đồng sáng lập và kiêm giám đốc đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki. Chị là tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé" và là dịch giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con của Nhật như: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập”, “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, tập 2”, và rất nhiều Ehon Nhật như bộ “Chơi cùng Momo”, bộ “Voi Pao”,.
02/05/2021
Bài: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu
Ảnh cover: allabout.co.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận