Khoảnh khắc quý giá sau những tấm ảnh.

    Hằng năm, ở các trường mẫu giáo Nhật Bản có nhiều hoạt động dành cho trẻ với sự góp mặt của bố mẹ như dã ngoại, đại hội thể thao,lễ tổng kết,. Tuy nhiên, gần đây phụ huynh được nhắn nhủ là không cần mang theo máy chụp ảnh mà hãy để nhà trường lo liệu. Mong muốn đó thực ra bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa hơn.

    Khi ống kính máy ảnh thay cho đôi mắt của mẹ

    Hãy hình dung quang cảnh một đại hội thể thao (undoukai) ở trường học, với rất đông phụ huynh tới xem và cổ vũ cho con. Khi một đứa trẻ đang đứng vào vạch xuất phát, hồi hộp ngoái đầu lại nhìn về phía bố mẹ thì thay vì nhận được cái gật đầu khích lệ của bố, nụ cười hay cái vỗ tay hoan hô của mẹ thì con chỉ thấy hình ảnh các vị phụ huynh đang lia máy ảnh, máy quay phim về phía con. Lúc đó, kỉ niệm lưu lại trong ký ức con là sự “tác nghiệp” miệt mài của bố mẹ, chứ không phải là sự cổ vũ động viên của gia đình mà đáng lý ra con nên được nhận vào lúc này.

    sự động viên cổ vũ từ cha mẹ
    Sự động viên cổ vũ từ cha mẹ chính là thứ con cần vào những sự kiện thể thao như thế này (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Chưa kể thời gian chỉnh sửa ảnh, tải lên các trang mạng, hóng chờ bình luận của mọi người, thầm so sánh con mình với con của người khác,.  Mỗi lần một chút, nhưng tổng thời gian tưởng không là bao đó thực sự không nhỏ. Thời gian bố mẹ dùng cho một bộ mặt ảo trên mạng xã hội nhiều bao nhiêu, thì thời gian dành cho con trong đời thực ngắn lại bấy nhiêu.

    Tâm lý bình thường của các bậc cha mẹ là muốn lưu giữ hình ảnh của con cái bằng cách chụp ảnh, quay phim càng nhiều càng tốt. Nhưng đôi khi chúng ta quên mất rằng, thực ra, trẻ con không hẳn là cần phải có quần đẹp, đồ chơi đắt tiền hay vô vàn tấm ảnh lung linh mới cảm thấy hạnh phúc. Ngay cả người lớn chúng ta, khi nghĩ về thời ấu thơ của chính mình, điều làm chúng ta hạnh phúc nhất, nhớ nhất chính là những kỉ niệm bên  gia đình: vòng tay mẹ ấm áp, lần đầu tiên cả nhà được đi chơi công viên, được bố tập đi xe đạp,. Phần nhiều những kỉ niệm đó chẳng hề được lưu lại bằng hình ảnh.

    Thời gian bên nhau

    Ngoài ra, sở thích ưa chụp ảnh thái quá của cha mẹ cũng có thể tác động xấu đến sự hình thành tâm lý của trẻ, dù chúng ta không ý thức được.

    Trẻ tập được chụp ảnh với tần suất dày đặc sẽ dần có suy nghĩ là những gì được chụp ảnh lại mới là thứ quan trọng, và hầu hết đó chỉ là các giá trị mang tính vật lý. Trong khi đó, các yếu tố tinh thần khác như sự đầm ấm của không khí gia đình sẽ bị lu mờ đi. Cuối cùng, trẻ sẽ tưởng rằng: thời gian gia đình ở bên nhau không quan trọng bằng số lượng ảnh “đẹp” đã được chụp!

    Tất nhiên là không thể phủ nhận giá trị mà những tấm ảnh hay những thước phim gia đình mang lại, nhưng “chụp lúc nào, chụp bao nhiêu là đủ” có lẽ là một câu hỏi thích đáng. Ngoài những tấm ảnh kỉ niệm các sự kiện đặt biệt của gia đình, khoảnh khắc con đi bước chân đầu tiên, thuộc bài hát đầu tiên, nói được một câu nói dài,. thì hằng ngày, có lẽ nên để cho con và các phụ kiện kỹ thuật số kia được yên, và cùng con tận hưởng khoảnh khắc quý giá không bao giờ trở lại.

    Thay vì chỉ nhìn con qua ống kính máy ảnh, hãy cùng con xây đắp kỉ niệm, cùng nhau lưu trữ những gì ý nghĩa nhất về tình cảm gia đình trong trí nhớ con, vì đó mới là những kí ức thực sự và lâu dài, là hành trang con có thể mang theo tới bất kì nơi đâu của cả cuộc đời.

    Minh Nhật/ kilala.vn

    21/02/2019

    Bài: Minh Nhật/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!