Giải toả áp lực của mẹ đơn thân

    Ở Nhật Bản, khi gọi chồng, người ta thường dùng chữ “shujin” (chủ nhân) – ý nói chồng là chủ nhân của vợ. Và ngược lại, khi gọi vợ, người ta dùng chữ “kanai” (người ở trong nhà), okusan (cái góc nhà). Chính vì quan điểm Nho giáo nặng nề đó mà những người mẹ đơn thân ở Nhật gặp nhiều khó khăn và áp lực hơn tại các quốc gia khác.

    Mẹ Nhật thuê người đóng giả cha cho con suốt 10 năm

    Nhiều người đã vô cùng bất ngờ trước câu chuyện về một người mẹ Nhật đã "thuê cha" cho con trong suốt 10 năm được tiết lộ trên báo chí Nhật (tên nhân vật đã được thay đổi). Khi thấy con gái vì thiếu cha nên bị bắt nạn ở trường và nghỉ học, chị Asako đã quyết định tìm tới các công ty cho thuê người thân “giả”. Sau khi phỏng vấn năm ứng cử viên, Asako quyết định thuê anh Takashi với chi phí khoảng 10.000 yên hằng tháng và quyết định chi tiêu tiết kiệm hơn. 

    Takashi đã gặp Asako nhiều lần để hiểu những gì mình cần và sau đó còn nghiên cứu một số bộ phim Hollywood để chuẩn bị cho vai diễn. Sau đó, Asako nói với con gái rằng người bố đã tái hôn và bây giờ đã có một gia đình khác. Tuy nhiên, vì muốn gặp Megumi nên ông bố này đã liên lạc lại.

    giải toả áp lực của mẹ đơn thân
    (Ảnh: PIXTA) 

    Anh Takashi bắt đầu đến thăm Asako và con gái hai lần một tháng. Anh cũng tham gia các chuyến đi chơi cùng hai mẹ con, cùng đi xem phim, sinh nhật. Điều này khiến cô con gái của Asako cảm thấy vui vẻ và quyết định đi học lại. 

    Tuy nhiên, tình huống này cũng xảy ra nhiều vấn đề. Anh Takashi cho biết: "Vai trò này càng dài, thì càng trở nên phức tạp hơn. Nếu cô bé kết hôn và có con, tôi sẽ phải đảm nhận vai trò của ông nội, và số tiền Asako bỏ ra sẽ ngày càng cao hơn. Trong trường hợp cô bé biết sự thật, có thể sẽ là một cú shock". 

    Mọi thứ cũng phức tạp đối với Asako, khi cô thừa nhận rằng sau 10 năm giả mạo mối quan hệ với Takashi, cô đã nảy sinh tình cảm với anh. Cô thậm chí còn thú nhận tình cảm, nhưng phải đối mặt với thực tế rằng cô đang yêu một người không thực. Takashi khẳng định anh chỉ ở bên hai mẹ con vì anh được trả tiền.

    Áp lực của người phụ nữ Nhật trong gia đình

    Nếu ở Việt Nam, phụ nữ có một lực lượng hỗ trợ tương đối hùng hậu là “gia đình hai bên nội ngoại”, phong tục sống chung với gia đình chồng và thuê người giúp việc về mặt xã hội là rất phổ biến, nhờ đó, gánh nặng việc gia đình và chăm sóc con cái nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngược lại, ở Nhật Bản, sau khi kết hôn, đa số phụ nữ Nhật không sống chung với nhà chồng. 

    áp lực của phụ nữ Nhật trong gia đình

    (Ảnh: PIXTA)

    Chế độ người giúp việc hầu như không có, người chồng ít khi chia sẻ gánh nặng với vợ. Cảnh nhiều người phụ nữ Nhật phải dậy từ sáng sớm để nấu cơm cho cả gia đình được xem là chuyện đương nhiên. Nhiều gia đình phải làm cơm hộp để chồng con mang theo, tối lại về hì hục nấu nướng. Số lượng trường mầm non Nhật rất ít, con cái đến tuổi đi học , phải nộp đơn xin và chờ đến lượt mình được xét duyệt. Nếu không xin được trường cho con, người mẹ lại phải tiếp tục ngồi nhà. trông con tiếp, tiếng Nhật gọi là “vấn đề trẻ đợi trường”.

    Tương tự như ở Việt Nam có câu “Con dại Cái mang” – Con hư là tại mẹ, ở Nhật có một chữ là “tinh thần trách nhiệm” (sekininkan), vai trò của người vợ là “quán xuyến gia đình và nuôi dạy con cái”, vai trò của người chồng là “đem tiền về phụ cấp gia đình” – nếu hai điều này mà không làm được, những người trong cuộc sẽ cảm thấy vô cùng áp lực. Bản thân phụ nữ Nhật Bản cũng khá “hướng nội” – họ không quen than phiền những nỗi lo của bản thân với người khác nên rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, nhất là khi không may rơi vào tình cảnh một mình nuôi con. 

    6 Nguyên tắc các bà mẹ đơn thân Nhật áp dụng

    Tiết kiệm

    Với những bà mẹ đơn thân, càng cần tiết kiệm hơn nữa bằng cách săn hàng giảm giá, tận dụng những thứ sẵn có, mua bảo hiểm để phòng xa, có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ người thân nhưng không được ỷ lại, dạy cho con về giá trị của đồng tiền. Có thể tham khảo cách tiết kiệm theo nguyên tắc 6 chiếc hộp của Thav Parker, chia tài sản thành các quỹ: nhu cầu thiết yếu (55%), tiết kiệm dài hạn (10%), giáo dục đào tạo (10%), hưởng thụ (10%), giúp đỡ người khác (10%), tự do tài chính (10%).

    Chọn nơi ở an toàn

    Gia đình có trẻ em nên chọn những nơi sinh hoạt gần bệnh viện, gần trường học, gần chợ. Trong nhà phải có lối thoát hiểm, nên có bình cứu hỏa và học cách sử dụng bình cứu hỏa, luôn khóa chặt bình gas sau khi nấu bếp. Có thể in các số điện thoại khẩn cấp để dán lên tường và hướng dẫn con sử dụng: Số cảnh sát, số người hàng xóm, số xe cấp cứu, số sở cứu hỏa, số người thân. 

    Xây dựng lí tưởng sống

    Tiêu chí khi thiết lập mục tiêu sống không phải là ganh đua với người khác, mà là để vượt lên chính bản thân mình. Khi có lí tưởng sống, bạn sẽ có động lực vượt qua mọi khó khăn. Cho dù bạn bằng lòng với những gì mình đang có, hãy sống trọn vẹn hơn và đặt những mục tiêu cao thượng hơn cho cả cộng đồng.

    Chăm sóc con cái

    Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không nên áp dụng máy móc bất kì phương pháp chăm sóc con nào, đừng vì giận chồng, oán trách hoàn cảnh mà nổi giận với con. Việc thường xuyên tâm sự với con, dạy con kĩ năng sống sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ cô đơn hơn và gắn kết tình cảm gia đình hơn.
    6 nguyên tắc các bà mẹ đơn thân Nhật áp dụng
    (Ảnh: PIXTA)

    Kết nối với cộng đồng 

    Đừng cho rằng bạn giỏi hơn, bản lĩnh hơn người xung quanh, cũng đừng nên nghĩ bạn “tầm thường” hơn. Hãy chủ động xây dựng mối quan hệ, những mối quan hệ thân tình là món quà quý giá nhất mà bạn có thể dành cho chính mình và cho con. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý chọn lọc kĩ lưỡng khi tham gia các hội nhóm, rất nhiều hội mang danh “Single Mom” (Mẹ đơn thân) nhưng thành viên chỉ luôn than phiền, cuồng mua sắm. có thể sẽ khiến bạn bị ảnh hưởng xấu.

    Xây dựng lối sống lành mạnh 

    Giờ nào việc ấy, tránh ăn ngủ thất thường. Tích cực đọc nhiều sách, hướng “năng lượng” vào những công việc giàu niềm vui như sáng tạo, học tập, vui chơi, vận động thường xuyên. Việc quan tâm đến hơi thở của bản thân, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, làm vườn. sẽ giúp tâm trạng của bạn thoải mái và dễ chịu hơn. Làm việc gì cũng cần tập trung, đừng quá vội vàng.
    kilala.vn

    29/11/2018

    Bài: Vũ Hồng Thu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!