Đừng bỏ qua những điều này khi con bạn sắp vào lớp 1

    Năm học lớp 1 đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì là nền tảng giúp hình thành thói quen học tập tốt cho con sau này. Tuy nhiên, ở độ tuổi lớp 1, trẻ con thường chỉ tập trung từ 15 đến 20 phút. Vậy làm sao để trở thành hậu phương vững chắc giúp trẻ xây dựng thói quen học tập tốt ở năm lớp 1? 

    Thấu hiểu tâm sinh lý của trẻ mới vào lớp 1

    Lớp 1 là năm học vô cùng quan trọng vì nó là năm bản lề giúp trẻ hình thành thói quen học tập tốt sau này cho suốt quãng thời gian cấp 1. Có lẽ chính vì điều đó nên không ít bố mẹ có tâm lý muốn con phải tập trung học hành nghiêm túc ngay từ đầu. Nếu con không tập trung, con than thở không thích viết bài, bố mẹ thường sinh ra tâm lý cáu giận, hoặc đổ lỗi cho việc nội dung chương trình đang quá tải với trẻ.

    đừng bỏ qua những điều này khi con bạn sắp vào lớp 1
    Thấu hiểu tâm lý của trẻ ở đội tuổi vào lớp 1. Ảnh: PIXTA.

    Nhưng bố mẹ cần hiểu rằng con mới vào lớp 1, ở độ tuổi này trẻ con thường chỉ tập trung được trong khoảng thời gian 15 - 20 phút, chứ không thể ngồi học liên tục được cả 1 - 2 tiếng. Trẻ cũng chưa có ý thức rõ ràng về việc học và làm bài tập, đơn giản việc học vẫn là theo sự hứng thú nên nếu việc nào nhàm chán như việc tập viết ắt trẻ sẽ nhanh chán.

    Tâm lý so sánh “con nhà người ta”

    Khi thấy bạn bè cùng lớp hay cùng tuổi với con mình đã biết đọc, biết viết hoặc có thể tập trung ngồi học bài mà con mình thì ngồi một chút là kêu ca, không tập trung học, vừa học vừa chơi, đánh vần chậm.bố mẹ sẽ nảy sinh tâm lý so sánh và điều này vô tình tạo áp lực lên con. Mặc dù Bộ Giáo Dục đã cấm việc học trước khi vào lớp 1, nhưng hầu hết bố mẹ vì lo sợ con không theo được các bạn nên đều cho con đi học chữ trước. Chính điều này dẫn đến tình trạng trình độ của học sinh không đồng đều. Bố mẹ cần hiểu rằng học tập là một quá trình lâu dài và điều trẻ cần chính là sự đồng hành, khen ngợi, khích lệ và tin tưởng vào con chứ không phải là tạo áp lực. 

    tâm lý so sánh con nhà người ta
    Hãy tin tưởng con thay vì tạo áp lực cho con. Ảnh: PIXTA.

    Những cách giúp bố mẹ đồng hành

    1. Thay vì ra lệnh “Học bài đi” hãy rủ “Bố/mẹ con mình cùng học nhé”

    Những nhà giáo dục Nhật đã chỉ ra rằng câu nói kinh điển của bố mẹ “Học bài đi/đã làm bài tập chưa” sẽ chỉ khiến trẻ chán học hơn mà thôi. Khi đến giờ vào học mà con vẫn chưa có hứng thú, thay vì ra lệnh, bố mẹ hãy cùng con vào bàn học. Với học sinh lớp 1, bố mẹ không cần phải kè kè theo dõi bài tập con làm, mà có thể ngồi cùng bàn học và làm việc của mình. Chính điều này khiến trẻ không cảm thấy bị cô đơn và có cảm giác bị ép buộc dưới “quyền lực” của cha mẹ, mà thay vào đó là sự đồng hành và chia sẻ. 

    Nghiên cứu của các nhà giáo dục Nhật đã đưa ra rằng, học sinh cấp 1 học tập ở phòng khách sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn là bởi vì trẻ luôn cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của bố mẹ khi vừa học vừa cảm nhận bố mẹ đang nấu ăn, dọn dẹp, bên cạnh mình.

    2. Hãy giúp trẻ tập trung hơn

    Khi ngồi học cạnh con hoặc lúc con học bài, bố mẹ không nên cầm điện thoại, bởi đây là nguyên nhân lớn khiến trẻ mất tập trung. Nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng ngồi cạnh một người đang tập trung cũng sẽ giúp bạn tập trung hơn. Vì thế nếu trẻ nhìn thấy bố mẹ cầm điện thoại, con sẽ không tập trung vào bài của mình nữa mà để ý đến điện thoại hơn. 

    Hãy loại bỏ những thứ trên bàn học khiến trẻ dễ bị xao lãng. Cách tốt nhất là không nên bày đồ đạc nhiều trên bàn học. Nếu con vừa học vừa chạy đi chơi thì hãy loại bỏ những thứ như âm thanh của tivi, đồ chơi để gần nơi con đang học. 

    những cách giúp bố mẹ đồng hành
    Ngồi học cạnh con bố mẹ không nên dùng điện thoại để tránh trẻ bị mất tập trung. Ảnh: PIXTA.

    3. Ghi nhận những tiến bộ dù là rất nhỏ của trẻ

    Ghi nhận từng nỗ lực và sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của con ngay tức thời chính là một bí quyết vô cùng quan trọng để giúp con có hứng thú với việc học. Khi nhìn thấy con chủ động lấy sách vở ra ngồi vào bàn, bố mẹ hãy ghi nhận ngay việc làm ấy: “Ồ hôm nay con tiến bộ quá đã tự lấy sách vở ra rồi”. Hay “Mẹ thấy con cầm bút đúng cách rồi đấy”, “Tư thế ngồi rất đúng và đẹp” hay “Con viết đã cẩn thận và đẹp hơn hôm trước rồi này”.

    Khi sửa lỗi sai của con, hãy nói với con về điều con cần sửa chứ không chỉ trích vào điều con làm sai. Ví dụ như khi con cầm bút sai cách đừng nói “Lại cầm bút sai cách rồi” mà hãy nói “Nếu con cầm bút đúng cách như này thì con sẽ viết đẹp và nhanh hơn” (rồi cầm mẫu cho con), hoặc “Bố/mẹ rất vui nếu được nhìn thấy con viết chữ ngay ngắn đúng hàng”.

    4. Chia nhỏ thời gian để làm bài tập

    Một nguyên nhân khiến trẻ mệt mỏi chán học chính là phải ngồi làm bài quá lâu, và lượng bài tập quá nhiều so với khả năng của trẻ. Nếu con có nhiều bài tập bố mẹ có thể chia nhỏ bài tập thành nhiều lần, mỗi lần 5 - 10 phút rồi nghỉ giải lao sau đó lại làm tiếp. Nên sử dụng đồng hồ bấm giờ để giúp con tập trung vào mục tiêu ngắn hạn đó. Trẻ lớp 1 mới bắt đầu đi học nên sự tập trung cần được rèn luyện dần dần từ ngắn đến dài, và mức độ từ dễ đến khó. Để làm điều đó thì tần suất và mật độ sẽ quan trọng hơn thời lượng, 3 lần 5 - 7 phút sẽ hiệu quả hơn 1 lần 15 - 20 phút.

    5. Chấp nhận những sai lầm của con

    Việc trẻ chưa tập trung khi học bài, chưa hứng thú với chuyện học, tập đọc sai, làm toán sai, quên bài tập hay đồ đạc là điều rất bình thường. Bố mẹ cần nhìn nhận rằng chính những sai lầm hay thất bại mà con gặp phải trong quá trình học tập hàng ngày sẽ là quá trình luyện tập để giúp con hình thành thói quen học tập cho mình. Khi trẻ chưa làm được bố mẹ đừng tỏ ra thất vọng hay la mắng, hãy hỏi trẻ cách giải quyết vấn đề như nào, và cho trẻ quyền tự quyết định mình sẽ làm như nào. Quá trình lặp đi lặp lại ấy sẽ nuôi dưỡng tính chủ động trong học tập, và kỹ năng tự học sau này.

    Những kỹ năng mềm cần rèn luyện trước và khi học lớp 1

    • Dạy con những kỹ năng tự chăm sóc vệ sinh cá nhân
    • Giúp con có thói quen tự chuẩn bị đồ cá nhân, dọn dẹp đồ của mình sau khi chơi xong 
    • Giúp con quản lí đồ đạc cá nhân và quản lí thời gian của bản thân: Thảo luận với con về thời gian biểu cho việc học ở nhà, cho con quyền tự quyết định mình sẽ làm việc gì trước việc gì sau, và chịu trách nhiệm về lựa chọn ấy. Khi đi ra ngoài trẻ có trách nhiệm cầm và bảo quản đồ của bản thân.
    những kỹ năng mềm cần rèn luyện trước và khi học lớp 1
    Các hoạt động như ghép logo, ghép hình sẽ giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung. Ảnh: PIXTA.
    • Rèn luyện sự tập trung và tính kiên trì: Những hoạt động như ngồi vẽ, ghép lego, ghép hình.cần được khuyến khích để giúp trẻ tập trung. Việc ngồi tô vẽ hay làm thủ công còn giúp trẻ biết cầm bút đúng cách và rèn luyện cơ tay để cầm bút viết sau này.
    • Đọc truyện hàng ngày cùng con: Để tạo môi trường mẫn cảm với chữ, giúp trẻ làm quen với việc đọc chữ nhanh hơn, hứng thú với tập đọc hơn, đồng thời việc đọc sách hàng ngày cũng giúp trẻ tập trung tốt hơn.

    kilala.vn

    Đôi nét về tác giả:

    tiến sĩ nguyễn thị thu

    Chị Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, là đồng sáng lập và kiêm giám đốc đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki. Chị là tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé" và là dịch giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con của Nhật như: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập”, “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, tập 2”, và rất nhiều Ehon Nhật như bộ “Chơi cùng Momo”, bộ “Voi Pao”,.

    03/05/2021

    Bài: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!