Bonsai - Gói trọn thiên nhiên trong chậu nhỏ

    Chỉ với những nguyên liệu cơ bản là đất, đá, sỏi, cỏ, cây, tất cả dồn hết vào cái chậu cảnh con con, cộng thêm công phu chăm sóc, cắt tỉa cùng thời gian nuôi dưỡng năm này qua tháng nọ để cây hình thành nên dáng thế cổ phác, già nua theo tuổi tác nhưng mạnh mẽ cùng thời gian, tái hiện được một cảnh quan tự nhiên nhưng thu gọn trong chiếc chậu nhỏ, vậy là thành Bonsai. 
    nghệ thuật Bonsai

    Bộ môn nghệ thuật danh giá của xứ Phù Tang

    Ở Nhật Bản, nghệ thuật Bonsai (Bồn tài - cây kiểng trồng chậu) thường gắn liền với đời sống tinh thần của các võ sĩ đạo (Samurai). Chuyện dân gian Nhật Bản thuật lại rằng: hồi thế kỷ 14, một vị Samurai nghèo khó đã không ngần ngại hy sinh ba cây Bonsai của mình làm chất đốt sưởi ấm cho một vị thiền sư lỡ đường trong đêm đông lạnh giá. Tích truyện ấy trở nên rất nổi tiếng và thường được diễn lại trong các vở kịch Nô – một đại diện cho nền mỹ học Nhật Bản – cho đến tận hôm nay. 
    Bộ môn nghệ thuật xứ Phù Tang

    Sự ra đời của Bonsai gắn liền với Mạc phủ - 幕府 (Bafuku) đầu tiên trong lịch sử Nhật là Kamakura - 鎌倉(Liêm Thương) do tướng quân Minamoto Yoritomo lập ra từ năm 1192, đây cũng là thời kỳ Phật giáo thuộc hai tông phái Jodo Shu và Zen phát triển mạnh. Khi đó các thiền sư thuộc tông phái Zen (thiền tông) sống trong tu viện, thường tìm kiếm vẻ đẹp tự nhiên bằng cách đem cây cối về trồng trong chậu, chăm chút và nuôi dưỡng theo lối rút gọn thước tấc và kích cỡ, cho cây phát triển vẻ đẹp trong phạm vi giới hạn, như một không gian vũ trụ thu nhỏ, gọi là Hachi no Ki (cây trong chậu), đến năm 1800 được gọi thành Bonsai – kiểng trồng chậu. Thú chơi Bonsai từ đó dần lan tỏa khỏi phạm vi tu viện sang giới quý tộc, võ sĩ Samurai, và trở thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo, gắn liền với những nét văn hóa truyền thống đậm bản sắc Nhật Bản. 

    Phong cách chơi Bonsai Nhật Bản

    Phong cách chơi Bonsai Nhật Bản cũng có các đặc điểm riêng, có cây Bonsai chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, nhưng cũng có những cây cao hàng mét, được người Nhật phân chia ra các dáng thế cơ bản: Chokkan (dáng trực – thế thẳng đứng), Moyogi (dáng trực tự do), Shakan (thế nghiêng), Kengai và Han Kengai (thế thác đổ và nửa thác đổ), Sekijoju (rễ phủ trên đá), Ishizuke (rễ trong đá), Hokidachi (dáng chổi), Ikadabuki (thế song thụ, tam thụ)…
    Năm 1989, một hội nghị Bonsai thế giới tổ chức tại thành phố Omiya (nay là Saitama) đã khai sinh ra Hiệp hội hữu nghị Bonsai thế giới. Kể từ đó, môn chơi Bonsai kiểu Nhật ngày càng lan rộng và được thế giới ưa chuộng. 

    Bonsai Nhật trong sân vườn Việt

    Khí hậu Việt Nam khá thích hợp cho giống Bonsai thông, tùng từ Nhật Bản, hơn nữa ý nghĩa của giống cây này tượng trưng cho mùa xuân, sự trường thọ, khi tiết mạnh mẽ, đại diện cho bậc quân tử, trượng phu… nên được người Việt rất ưa chuộng. 

    Khi mối quan hệ Việt – Nhật ngày càng gắn kết, việc du lịch, giao thương giữa hai nước càng trở nên dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho giới đam mê Bonsai Nhật tại Việt Nam có thêm cơ hội sang tận Nhật Bản để săn lùng các giống Bonsai ưng ý, chủ yếu là thông (lá kim) và tùng (la hán) - Kusamaki. Với những loại Bonsai nhỏ, người chơi có thể vận chuyển về theo đường hàng không, Bonsai cỡ lớn vận chuyển theo đường biển với thời gian trung bình 15 ngày. Tất nhiên, những cây Bonsai theo container về đường biển sẽ được hưởng một chế độ chăm sóc đặc biệt, có thợ làm vườn đi kèm để chăm bẵm, tưới nước, tắm nắng đều đặn mỗi ngày trước khi hạ thổ gia nhập làng Bonsai trên đất Việt. 

    Bonsai trên đất Việt
    Photo: Thiên An

    Ông Quốc Thắng – một người đam mê Bonsai từng tham gia những chuyến săn lùng Bonsai ở thị trường Nhật Bản để đưa về trồng trong vườn nhà – chia sẻ rằng: “Việt Nam cũng có nhiều loại thông, nhưng ít ai dùng cây nguyên liệu này để tạo dáng thành Bonsai, trong khi đó thị trường Nhật Bản lại khá nhiều, và có đủ mọi mức giá khác nhau để người chơi lựa chọn. Các nhà buôn Nhật Bản luôn tạo được niềm tin, cung cách phục vụ uy tín, nhờ vậy mà Bonsai Nhật Bản ngày càng lan tỏa mạnh ở Việt Nam”.

    Bonsai Nhật Bản ở Việt Nam
    Photo: Thiên An

    Trong khu vườn yên tĩnh của ông Thắng, bên cạnh những loại cây kiểng phổ biến của người Việt: “nhất Kim, nhì Nguyệt, tam Cần, tứ Mai” (kim quýt, nguyệt quế, cần thăng, mai chiếu thủy), những gốc tùng, thông được mua về từ Nhật Bản cũng đang bước vào đợt trổ lá cuối năm chuẩn bị đón xuân. Những gốc rễ già cỗi, dáng thế tự nhiên, trông rất khoáng đạt, giản đơn nhưng biểu đạt được công phu chăm sóc mang đậm phong cách Bonsai Nhật Bản, ấy là chỉ cắt tỉa tạo cho cây ra dáng thế tự nhiên chứ không sử dụng các phương pháp can thiệp như lối chiết ghép, nẹp cành, uốn ép để tạo dáng thế. 

    Bonsai phong cách Nhật Bản
    Photo: Thiên An

    Mỗi dịp Xuân về, ở các Hội hoa Xuân luôn có không ít những gốc Bonsai mang phong cách Nhật Bản tham gia phô diễn công phu chăm sóc và kỹ pháp tạo thế của các nghệ nhân làm vườn Việt Nam. Nếu có dịp tham quan, đừng bỏ qua cơ hội ngắm nhìn những cây Bonsai bạn nhé!

    Thiên An/ kilala.vn

    01/01/2015

    Bài: Thiên An. Ảnh: Scott Betts

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!