Bài học về sự tử tế từ Ehon Chiếc ghế tốt bụng

    Sự tử tế, lòng tốt, biết quan tâm đến người khác - những triết lí đạo đức ấy bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào cũng cần. Nhưng làm thế nào để dạy cho mọi người suy nghĩ và hành xử “tử tế”, đặc biệt là với trẻ thơ lại là một điều không đơn giản. Vì với trẻ thơ những bài học đạo đức về lòng tốt, về tấm lòng biết suy nghĩ cho người khác không thể là những giáo điều nói suông đưa ra bắt trẻ làm theo, mà nó cần được lồng ghép một cách tinh tế và trong trẻo đúng như tâm hồn con trẻ thì trẻ mới tiếp nhận nó một cách tự nhiên.

    Nét đặc sắc trong Ehon Nhật Bản là những câu chuyện dạy trẻ bài học về đạo đức hay tình cảm gia đình, tình bạn, tính nhân văn luôn được các tác giả lồng ghép rất tinh tế và tự nhiên  thông qua cách xây dựng nội dung câu chuyện và lời thoại gần gũi với trẻ. Bạn sẽ không bao giờ tìm được trong sách những lời khuyên như “Bài học rút ra ở đây là ABC”, hay “Chúng ta không nên XYZ” giống như những cuốn truyện tranh của Việt Nam dành cho trẻ nhỏ. Tác giả luôn để trẻ tự mình suy nghĩ, tranh luận và đưa ra ý kiến cũng như quan điểm của mình.

    Cuốn Ehon “Chiếc ghế tốt bụng” (tên gốc là どうぞのいす) tác giả 香山美子- Kouyama Yoshiko) là cuốn Ehon nổi tiếng của Nhật dành cho thiếu nhi dạy trẻ về trái tim biết chia sẻ. 

    Câu chuyện đem đến cho trẻ thơ và cả người lớn cảm giác ấm áp và nhẹ nhàng thông qua các nhân vật là những con thú gần gũi với trẻ thơ: thỏ, lừa, gấu, cáo, sóc dưới nét vẽ rất đáng yêu cùng nội dung thú vị.

    ehon chiếc ghế tốt bụng

    (Ảnh: Ehon "Chiếc ghế tốt bụng")

    Thỏ làm một chiếc ghế để dưới gốc cây cho mọi người dùng, trên đó cậu gắn thêm tấm biển “Xin cứ tự nhiên”. Đầu tiên, Lừa đi tới, mệt mỏi vì địu giỏ hạt sồi trên vai, cậu để giỏ lên ghế rồi dựa vào gốc cây bên cạnh đấy thiu thiu ngủ. Tiếp đến, Gấu đi tới và thấy tấm biển “Xin cứ tự nhiên” nên chẳng ngại ngần chén sạch giỏ hạt sồi. Nhưng trước khi bỏ đi Gấu bần thần nghĩ “Nhưng để cái giỏ trống không thế này thì thật tội nghiệp cho người đến sau". Thế là Gấu để lọ mật ong của mình vào giỏ rồi bỏ đi. 

    ehon chiếc ghế tốt bụng

    (Ảnh: Ehon "Chiếc ghế tốt bụng")

    Lần lượt Cáo đến ăn hết lọ mật ong rồi để lại 1 ổ bánh mỳ của mình, 10 chú Sóc cũng đến ăn hết bánh mỳ rồi để lại hạt dẻ đầy trong giỏ, bởi vì tất cả mọi người đều có suy nghĩ giống nhau “Nếu để cái giỏ trống không như này thì thật tội nghiệp cho người đến sau”. Cuối cùng Lừa tỉnh giấc và thốt lên ngạc nhiên khi thấy giỏ hạt sồi giờ đã biến thành giỏ hạt dẻ “Có khi nào hạt sồi là con của hạt dẻ không nhỉ”.

    Nhờ suy nghĩ biết sẻ chia nên tất cả mọi người đều được chia phần và tạo thành một vòng tròn ai cũng “cho đi và nhận lại”. Không có lời giáo huấn nào được đưa ra trong câu chuyện, nhưng trẻ sẽ học được bài học nếu như mình biết suy nghĩ cho người khác thì cho đi nghĩa là nhận lại. Câu chuyện tuy dành cho trẻ em, nhưng người lớn cũng học được rất nhiều từ nó.

    Cuốn Ehon “Chiếc ghế tốt bụng” do Thái Hà Books phát hành trên toàn quốc từ 16/3.

    Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

    ehon chiếc ghế tốt bụng
    Thái Hà Books tặng độc giả Kilala 10 cuốn Ehon "Chiếc ghế tốt bụng". Mời bạn đón xem thể lệ nhận sách tại Fanpage Kilala vào 10:00 ngày 5/5/2016:

    06/05/2016

    Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!