4 bí quyết nuôi dưỡng tài năng cho con

    Làm thế nào để biết con mình có năng khiếu gì? Làm thế nào để duy trì hứng thú học tập và kích thích sự tò mò cho con? Có cần con phải đi học đàn, múa, vẽ hay những lớp giáo dục sớm ngay từ nhỏ hay không? Có lẽ đó là câu hỏi chung của rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một chìa khóa, đ.ó chính là “giáo dục gia đình” để giúp cha mẹ tự tin nuôi dưỡng tài năng cho con ngay từ khi mới chào đời.

    Giữa một rừng những phương pháp giáo dục sớm trên thế giới đang nở rộ ở Việt Nam, nhiều cha mẹ cảm thấy hoang mang không biết mình nên dạy con theo phương pháp giáo dục nào, cho học ở trường mầm non nào. Thế nhưng có một thực tế đã được chứng minh ở những nước phát triển như Nhật hay Do Thái rằng, dù các phương pháp giáo dục kể trên có hay đến mấy cũng không thể nào thay thế được giáo dục trong gia đình, mà ở đó cha mẹ là người trực tiếp nuôi dạy và tạo thói quen tốt cho con mỗi ngày. 

    Bởi vì chỉ có giáo dục gia đình mới nuôi dưỡng được nhân cách và tố chất quan trọng nhất giúp một đứa trẻ thành công sau này, đó là những tố chất:   

    • Khả năng ngôn ngữ, giao tiếp
    • Khả năng suy nghĩ độc lập, sáng tạo
    • Năng lực phân tích
    • Tính kiên trì, nhẫn nại
    • Có ước mơ lớn
    • Sự tò mò, hiếu kỳ

    Giáo dục gia đình rất được coi trọng ở Nhật. Những giá trị cốt lõi trong giáo dục gia đình mà họ xây dựng để nuôi dưỡng tài năng cho con đến từ những điều rất đơn giản hàng ngày mà mọi cha mẹ đều có thể làm được.

    Quan sát để xem con hứng thú với điều gì

    Sẽ không có thành công nếu chúng ta không được học và làm những nghề mình yêu thích. Sẽ không có hạnh phúc nếu chúng ta không được làm việc mình yêu thích. Sẽ không cảm thấy cuộc đời đầy hối tiếc nếu chúng ta được tự chọn con đường đi cho riêng mình.

    Để con có được tương lai trọn vẹn nhất thì ngay từ khi con còn nhỏ, cần quan sát xem con hứng thú với cái gì. Tiếp đến là cho con đọc những cuốn sách hoặc đi tham quan những nơi liên quan đến đề tài đó. Khi con muốn được thử thách và mạo hiểm, ba mẹ chỉ ra tay can thiệp vào những hướng đi sai lầm hoặc gây nguy hiểm đến con, để giúp con điều chỉnh lại hướng đi cho mình trong phạm vi an toàn hơn. 

    Trải nghiệm để quan sát và cảm thụ

    Muốn trẻ con quan sát, hãy cho con đến viện bảo tàng, triển lãm, di tích lịch sử, thư viện,. Muốn cho trẻ trải nghiệm, hãy cho con chơi các môn thể thao hoặc đưa con đến với những khung cảnh thiên nhiên trên rừng hay dưới biển. Muốn cho con tăng tính cảm thụ, hãy cho con đến với những buổi biểu diễn ca nhạc, xem kịch hay triển lãm hội họa. Thay vì những khu vui chơi nhân tạo, chính sức hấp dẫn từ những khung cảnh thiên nhiên thật mới là chất xúc tác tốt nhất để rèn cho con tính cảm thụ phong phú và kích thích sự tò mò. Rất nhiều các nhà khoa học về thiên văn đều có một điểm chung là tình yêu với môn thiên văn học được nhen nhóm từ những ngày còn nhỏ nhờ những lần ba mẹ dẫn đi quan sát đài thiên văn. Càng nhiều trải nghiệm, sự tò mò của con trẻ càng lớn. 

    bí quyết nuôi dưỡng tài năng cho con
    Nuôi dưỡng tài năng trẻ. Ảnh: Nguyễn Thị Thu

    Khen ngợi và tin tưởng 

    Làm thế nào để giúp một đứa trẻ tự tin vào bản thân? Làm thế nào để giúp đứa trẻ có động lực cố gắng? Bí quyết ở đây chính là đừng bao giờ so sánh nó với bất cứ đứa trẻ nào khác, thậm chí là với cả anh em trong nhà. Ngoài ra, một nghiên cứu ở trường đại học Stanford đã cho thấy những đứa trẻ được khen ngợi là “đã rất cố gắng” luôn có hứng thú với học tập hơn, thành tích học tập cũng tốt hơn so với những đứa trẻ được khen là “rất thông minh”. Vì thế ba mẹ hiểu biết là ba mẹ luôn khích lệ con với câu thừa nhận “Con cố gắng lắm”, và luôn thể hiện sự tin tưởng vào chính bản thân con “Ừ, ba mẹ luôn tin ở con”.

    Đặt một tủ sách trong phòng khách

    Đọc sách chính là con đường tốt nhất để tiếp cận với tri thức. Nuôi dưỡng tình yêu với đọc sách cho con ngay từ những năm tháng đầu đời là điều mà hầu như mọi gia đình Nhật đều coi trọng. Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi, trẻ được đọc cho nghe truyện Ehon (truyện dành cho thiếu nhi có tranh minh họa) mỗi ngày với rất nhiều lần trong ngày, và người Nhật coi việc đọc Ehon chính là điểm khởi đầu cho tình yêu với đọc sách sau này. Có rất nhiều gia đình đã dành phần thưởng cho con là những cuốn sách thay vì mua đồ chơi hay bánh kẹo, để giúp con cảm nhận “sách chính là niềm vui”. Cha mẹ không cần thúc ép “Con hãy đọc sách đi”, mà bản thân trẻ có thể tự nhiên hình thành niềm vui với đọc sách chính là nhờ thói quen tiếp xúc với sách ngay từ nhỏ. 

    nuôi dưỡng tình yêu với đọc sách cho con
    Nuôi dưỡng tình yêu với đọc sách cho con. Ảnh: Ushico/PIXTA

    Nếu như phòng khách của người Việt thường được coi là bộ mặt của gia đình để tiếp khách, nên cách bài trí đồ đạc phải làm sao nhìn cho thật “sang” để phô bày “gu thẩm mỹ”, thì phòng khách của gia đình người Nhật lại hướng đến sự giản tiện và cố gắng thiết kế để nó là môi trường “nuôi dưỡng hứng thú với học tập” cho con. Bởi vì phòng khách là nơi cả gia đình thường xuyên gặp nhau nhiều nhất, cha mẹ có thể cùng con đọc sách, trò chuyện, và mỗi khi cần là có thể với tay lấy ngay cuốn sách để đọc, để tham khảo.

    Hai thầy giáo Hideo Kageyama và Noriyasu Nishimura,  những chuyên gia tư vấn giáo dục nổi tiếng nhất của Nhật trong vấn đề giúp con thích học, đã đưa ra nhận xét rằng, chỉ cần nhìn vào phòng khách của gia đình là sẽ biết 90% đứa trẻ đó có học tốt hay không. Bởi vì nếu phòng khách không bày quá nhiều đồ trang trí, tủ sách được đặt ở phòng khách với rất nhiều loại sách cho cả gia đình, đặc biệt là từ điển ngoại ngữ, từ điển bách khoa, sách tham khảo, và bản đồ treo tường, thì đó là môi trường lí tưởng nhất để giúp con trẻ thích thú với việc đọc sách và tìm hiểu tri thức. Nơi học tập đầu đời cho trẻ không phải là trường học, mà chính là gia đình, đặc biệt là phòng khách trong gia đình.

    3 câu nói chìa khoá mang tính khơi gợi 

    Giao tiếp giữa ba mẹ và con cái là chìa khóa rất quan trọng không chỉ làm sợi dây tình cảm và mối quan hệ tin tưởng thêm bền chặt, mà còn giúp nuôi dưỡng động lực cố gắng cho con. 3 câu nói mà những ba mẹ nuôi dạy con thành công hay áp dụng nhiều nhất là:

    • Khi đưa ra ý kiến của mình xong, ba mẹ hãy hỏi con: “Vậy với cái này, con nghĩ như thế nào?” 
    • Khi con đưa ra ý kiến của mình hãy khen ngợi: “Rất chịu khó suy nghĩ, rất tinh ý đấy. Ý kiến rất hay đấy”
    •  Khi con không biết câu trả lời hãy nói: “Vậy mình cùng nhau đi tìm câu trả lời nhé”

    Nguyễn Thị Thu/kilala.vn

    09/11/2016

    Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!