TVC quảng bá eo biển Kanmon đạt hơn 350 triệu lượt xem
Hiếm có đoạn phim TVC quảng bá về du lịch nào lại đạt được con số 350 triệu lượt xem trên Youtube như “COME ON! Kanmon! Kaikyo Kaiju” của hai tỉnh Fukuoka và Yamaguchi.
Khác với motip quảng bá du lịch thông thường sử dụng cảnh đẹp thiên nhiên hay các đặc sản làm điểm thu hút, chính quyền thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka và Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi đã có bước đột phá lớn khi sản xuất một đoạn TVC tập trung vào quái vật biển khổng lồ để giới thiệu eo biển Kanmon nằm giữa hai thành phố, thu hút hơn 350 triệu lượt xem.
Đoạn phim「COME ON!関門~海峡怪獣~」(Come on! Kanmon! Kaikyo Kaiju) được phát hành trên Youtube vào ngày 27/03/2017. Với thời lượng 2 phút 37 giây, TVC mang đến những phút giây “nghẹt thở” cho người xem. Mở đầu là cảnh hai cậu bé đang đá bóng gần eo biển Kanmon và vô tình đá nó xuống nước. Quả bóng càng lúc càng lăn ra xa theo từng đợt sóng dữ. Ngay vào lúc chúng mất hết hy vọng, quả bóng rơi vào xoáy nước và bất ngờ được đẩy lên bờ. Cũng chính lúc ấy, quái vật khổng lồ Kaisendon xuất hiện làm cho khách du lịch, cư dân tại Mojiko Retro, quận Moji, thành phố Kitakyushu và chợ Karato, thành phố Shimonoseki rơi vào hoảng loạn. Tất cả mọi người cho rằng đây có lẽ là ngày tận thế, họ tuyệt vọng, la hét và bỏ chạy.
Quái vật Kaisendon trong đoạn phim TVC trên ít nhiều làm người xem liên tưởng tới loạt phim quái vật “Godzilla”. Tạo hình của Kaisendon dựa trên 3 sản vật của eo biển Kanmon gồm cá nóc, cua Heikegani và bạch tuộc, được xây dựng bằng công nghệ CG vô cùng chân thật với tiếng gầm rợn người. Tuy rằng đây là đoạn phim PR về du lịch nhưng vẫn được dàn dựng vô cùng công phu, khiến khán giả mãn nhãn như đang xem một bộ phim điện ảnh thực thụ.
Đoạn phim PR được phát hành kèm theo một website giới thiệu về eo biển Kanmon bằng 6 ngôn ngữ khác nhau: tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung giản thể và tiếng Trung phồn thể. Theo đó, eo biển Kanmon (関門海峡) được giới thiệu là một vùng biển phân tách đảo Kyushu và Honshu của Nhật Bản. Kể từ thời cổ đại, địa danh này từng chứng kiến nhiều cuộc chiến trong những thời kỳ hỗn loạn của lịch sử Nhật Bản. Đã có rất nhiều nền văn hoá nở rộ, được nuôi dưỡng bởi eo biển hẹp với dòng chảy xiết này.
Nơi đây từng xảy ra nhiều cuộc chiến như trận Dan no Ura (壇ノ浦の戦い) giữa hạm đội của gia tộc Minamoto và gia tộc Taira vào ngày 25/4/1185 hay trận Shimonoseki Kaisen (下関海戦) diễn ra vào ngày 16/7/1863 giữa gia tộc Choshu do lãnh chúa Mori Takachika chỉ huy với Hải quân Hoa Kỳ. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử, eo biển Kanmon cũng có tầm quan trọng về mặt thương mại khi nơi đây được nhiều tàu chở hàng từ Hàn Quốc và Trung Quốc sử dụng như một lối tắt đến Osaka và Tokyo. Nếu đến đây vào tháng 8, du khách còn có thể chiêm ngưỡng lễ hội pháo hoa mùa hè đặc sắc.
Đặc biệt, đoạn phim PR không chỉ thu hút khán giả trong nước mà còn lan rộng sang nhiều nước khác trên thế giới. Tính đến ngày 7/7/2019, video đã thu về 25 triệu lượt xem ở Ấn Độ, 10 triệu lượt xem ở Việt Nam, 4,7 triệu lượt xem ở Iraq, 4,1 triệu lượt xem ở Hoa Kỳ và 4 triệu lượt xem ở Indonesia. Ngoài ra, các phiên bản phụ đề tiếng Hàn và tiếng Trung phồn thể lần lượt đạt hơn 21 triệu và 16 triệu lượt xem. Tính đến ngày 21/9/2021, tổng số lượt xem lên tới con số hơn 350 triệu.
Mặc dù gây được tiếng vang lớn, nhưng ban đầu, một công chức của thành phố Kitakyushu đã tỏ ra khá bối rối trước ý tưởng sử dụng hình ảnh quái vật biển bởi cho rằng thành phố Kitakyushu hầu như không xuất hiện trong đó. Tuy nhiên, Hibitani Kenji, 54 tuổi, Tổng thư ký Uỷ ban Điện ảnh Kitakyushu lại cho rằng: “Đó chính là điều chúng tôi hướng tới”. Vào thời điểm lên kế hoạch sản xuất video, chính quyền hai thành phố mong muốn thu hút được nhiều du khách nước ngoài. Ông Hibitani chia sẻ thêm: “Eo biển Kanmon không được du khách nước ngoài biết đến nhiều như Kyoto hay Hokkaido, vì vậy, điều quan trọng là phải khiến mọi người nhớ đến nó ngay từ lần đầu tiên”.
Sau khi đoạn phim được công chiếu, ông tự hào chia sẻ: “Tôi nghĩ chất lượng của đoạn phim đủ tốt để mọi người phải thốt lên: Đúng là bộ phim làm từ Kitakyushu, một thành phố nổi tiếng về phim”. Ngay khi thu hút sự chú ý của nhiều người trên khắp thế giới thì đại dịch COVID-19 ập tới. Nhưng điều đó không ngăn cản niềm đam mê của ông Hibitani. Hướng đến ngày đại dịch kết thúc, ông Hibitani bật mí: “Tôi muốn làm một video về quái vật bay ở Kitakyushu”.
Đằng sau thành công vang dội của đoạn phim là đội ngũ ekip các nhà làm phim tiếng tăm của đất nước Mặt trời mọc. Đạo diễn của đoạn phim chính là Eguchi Kan (江口カン), đồng sáng lập nên công ty sản xuất phim KOO-KI vào năm 1997.
Là gương mặt đạo diễn “vàng” trong làng phim Nhật Bản, Eguchi ghi dấu ấn với hàng loạt bộ phim, TVC và nhiều giải thưởng danh giá. Ông là giám đốc sáng tạo của đoạn phim PR mang tên “Tomorrow Begins” cho Olympic Tokyo 2020 ra mắt vào năm 2013, liên tiếp 3 lần đoạt giải Đồng/ Đồng/ Vàng trong Liên hoan Phim Quảng cáo Quốc tế Cannes Lions từ năm 2017 đến năm 2019. Phim điện ảnh Riding Uphill (2018) do Eguchi đạo diễn lấy bối cảnh ở Kokura, một thị trấn lâu đài cổ tại thành phố Kitakyushu, nơi khai sinh ra bộ môn đua xe đạp, đã được tạp chí “Movie Arts” xếp vào top 10 phim Nhật Bản hay nhất năm 2018. Ngoài ra, ông cũng đạo diễn các bộ phim điện ảnh khác như “Mentai Piriri” (2019) và “The Fable” (2019).
Phần kỹ xảo điện ảnh bằng công nghệ CG của đoạn phim PR “Come on! Kamon! Kaikyo Kaiju” được thực hiện bởi 3 đơn vị sản xuất TVC có tiếng khác là NISHIKAIGAN, Animation Café và Shirogumi.
Cùng thưởng thức đoạn phim PR du lịch đỉnh cao “Come on! Kamon! Kaikyo Kaiju”:
kilala.vn
23/09/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận