NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Tổng quan tàu cao tốc shinkansen - Phân loại, hạng ghế và cách mua vé tàu shinkansen

    Tàu cao tốc shinkansen được ví như niềm tự hào của xứ Phù Tang. Ra đời cách đây sáu thập kỷ, shinkansen đã trở thành phương tiện giao thông quen thuộc, tân tiến được người dân lựa chọn hằng ngày, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các địa điểm tại Nhật. Vậy tàu shinkansen có điểm gì khác biệt, hay làm thế nào để mua vé shinkansen khi đi du lịch Nhật Bản? Cùng Kilala tìm hiểu nhé!

    Shinkansen là gì?

    Shinkansen (新幹線 – Tân Cán Tuyến) – còn gọi là tàu cao tốc, tàu viên đạn – là phương tiện giao thông công cộng được vận hành bởi Đường sắt Nhật Bản (JR). Tàu shinkansen được đánh giá cao về tốc độ khi di chuyển với vận tốc lên đến 320km/h, tính chính xác đến từng giây, sự thoải mái, an toàn và hiệu quả. 

    Để phân biệt shinkansen với các chuyến tàu khác do Đường sắt Nhật Bản (JR) vận hành, thuật ngữ zairaisen (在来線/tàu thông thường) đã được tạo ra vào năm 1964, khi chiếc shinkansen đầu tiên bắt đầu hoạt động. Theo dữ liệu thống kê, hiện nay có đến 1 triệu hành khách di chuyển bằng shinkansen mỗi ngày.

    shinkansen-la-gi
    Tàu shinkansen Nhật Bản.

    Mạng lưới tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản

    Mạng lưới đường sắt Shinkansen bao gồm một số tuyến bao phủ hầu hết Nhật Bản và kết nối tất cả các thành phố trọng yếu. Nhờ hệ thống đường sắt tuyệt vời này, hành khách có thể đi du lịch khắp Nhật Bản một cách nhanh chóng và thoải mái.

    Các công ty thuộc Tập đoàn JR vận hành tổng cộng 9 tuyến: 7 tuyến shinkansen và 2 tuyến shinkansen mini. 9 tuyến này sẽ đưa hành khách đi theo các hướng khác nhau trên khắp Nhật Bản.

    Từ Tokyo về phía nam là tuyến Tokaido Shinkansen, nối thủ đô với Osaka. Tuyến Sanyo Shinkansen kết nối Osaka với Fukuoka và từ đó, tuyến Kyushu Shinkansen chạy qua đảo Kyushu từ bắc xuống nam.

    Sáu tuyến còn lại sẽ đưa bạn về phía bắc hoặc vào đất liền từ Tokyo. Đó là các tuyến Akita, Hokkaido, Hokuriku, Joetsu, Tohoku và Yamagata Shinkansen. Tuyến Hokkaido sẽ đưa bạn đi xa nhất về phía bắc, đến tận đảo Hokkaido.

    Tất cả các tuyến shinkansen (trừ Akita và Yamagata Shinkansen – hai tuyến shinkansen mini) đều chạy trên đường ray được xây dựng và sử dụng riêng cho tàu shinkansen. Hầu hết các tuyến đều có nhiều loại tàu khác nhau, từ loại nhanh nhất chỉ dừng ở các ga chính đến loại chậm nhất dừng ở mọi ga.

    ban-do-tau-shinkansen

    Bản đồ các tuyến shinkansen. Ảnh: Nippon

    Các tuyến shinkansen hiện có:

     
    Tuyến Tuyến đường Khoảng cách Thời gian di chuyển tối thiểu
    Tokaido Shinkansen Tokyo – Shin-Osaka  552,6 km Tokyo – Nagoya: 1 giờ 33 phút
    Tokyo – Shin-Osaka: 2 giờ 21 phút
    Tokyo – Hakata: 4 giờ 46 phút
    Shin-Osaka – Hakata: 2 giờ 21 phút 
    Sanyo Shinkansen Shin-Osaka – Hakata  644,0 km
    Tohoku Shinkansen Tokyo – Shin-Aomori  713,7 km Tokyo – Sendai: 1 giờ 31 phút
    Tokyo – Shin-Aomori: 2 giờ 59 phút
    Hokkaido Shinkansen Shin-Aomori – Shin-Hakodate-Hokuto  148,8 km Tokyo – Shin-Hakodate-Hokuto: 3 giờ 57 phút
    Shin-Aomori – Shin-Hakodate-Hokuto: 57 phút
    Shinkansen Yamagata Fukushima – Shinjo  148,6 km Tokyo – Yamagata: 2 giờ 22 phút
    Tokyo – Shinjo: 3 giờ 7 phút 
    Shinkansen Akita Morioka – Akita  127,3 km Tokyo – Akita: 3 giờ 37 phút 
    Joetsu Shinkansen Tokyo – Niigata  333,9 km Tokyo – Niigata: 1 giờ 29 phút 
    Hokuriku Shinkansen Tokyo – Tsuruga  575,6 km Tokyo – Nagano: 1 giờ 19 phút
    Tokyo – Tsuruga: 3 giờ 8 phút 
    Kyushu Shinkansen Hakata – Kagoshima Chuo  288,9 km Hakata – Kagoshima Chuo: 1 giờ 17 phút
    Shin-Osaka – Kagoshima Chuo: 3 giờ 41 phút 
    Nishi-Kyushu Shinkansen Takeo Onsen – Nagasaki  69,6 km Hakata – Nagasaki: 1 giờ 20 phút
    Sử dụng dịch vụ tốc hành giới hạn hiện có giữa Hakata và Takeo Onsen.

    Sự ra đời của Shinkansen

    Ý tưởng tạo ra tuyến đường sắt siêu tốc nối Tokyo và Osaka bắt đầu vào năm 1957. Trong thời kỳ này ở Nhật Bản, ngày càng có nhiều lo ngại về việc đường cao tốc (đường bộ) và đường hàng không có thể thay thế tàu hỏa trở thành phương thức vận tải chính.

    Thời điểm đó, những chuyến tàu nhanh nhất ở Nhật Bản là đầu máy hơi nước, đạt tốc độ tối đa 95 km/h và hành trình từ Tokyo đến Osaka mất tới 7,5 tiếng.

    Chính vì thế, viện nghiên cứu của Đường sắt Quốc gia Nhật Bản đã đề xuất kế hoạch tạo ra các đoàn tàu hiệu suất cao được trang bị công nghệ tiên tiến nhằm giảm đáng kể thời gian đi lại. Đề xuất này cuối cùng đã phát triển thành một dự án quốc gia, được chính phủ hỗ trợ.

    Sau đó, chỉ trong 5 năm từ 1959 đến 1964, tàu shinkansen, đặc biệt là tuyến Tokaido Shinkansen nối Tokyo và Shin-Osaka (một nhà ga được xây dựng dành riêng cho shinkansen), đã được xây dựng và mở cửa cho công chúng, giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố xuống còn 4 giờ.

    tokaido-shinkansen-dau-tien
    Khai trương Tokaido Shinkansen tại Ga Tokyo vào năm 1964. Ảnh: Sankei Archive/Getty Images

    Trong những năm qua, tốc độ của Shinkansen không ngừng được cải thiện cùng với sự ra đời của các công nghệ tiên tiến.

    Tính đến năm 2023, tàu Nozomi - một trong những loại tàu shinkansen phổ biến nhất - đạt tốc độ tối đa 285 km/h. Khi tuyến Chuo Shinkansen đi vào hoạt động (dự kiến khai trương vào năm 2034), nó thậm chí có thể vượt quá tốc độ 500 km/h.

    Các công nghệ giúp tăng tốc độ của shinkansen

    Dưới đây là một số lý do khiến shinkansen có thể đạt được tốc độ cao như vậy.

    Cấu tạo hợp lý : Để di chuyển ở tốc độ cực cao, việc giảm thiểu lực cản không khí là rất quan trọng. Đó là lý do vì sao đầu tàu shinkansen có hình dáng thuôn gọn, lấy cảm hứng từ thiết kế máy bay. Điều này làm giảm lực cản của gió, giúp di chuyển nhanh chóng và hiệu quả.

    Đường ray cong nhẹ nhàng: Đường ray của shinkansen được thiết kế đặc biệt với những đường cong dài và mượt mà, cho phép tàu duy trì tốc độ cao ngay cả khi chuyển hướng. Ngoài ra, đường ray shinkansen được nâng lên hoặc đặt dưới lòng đất để loại bỏ các đường ngang, đảm bảo hành trình suôn sẻ.

    Điều khiển tàu tự động (ATC): Shinkansen được trang bị hệ thống điều khiển tàu tự động, được gọi là ATC. Hệ thống này tự động điều chỉnh tốc độ của tàu, đảm bảo vận hành an toàn. Chẳng hạn, khi đến gần những khúc cua gấp hoặc khu vực hạn chế tốc độ, ATC sẽ quản lý tốc độ để đảm bảo tàu di chuyển an toàn.

    hinh-dang-shinkansen
    Hình dáng một số dòng tàu shinkansen. Ảnh: JonesyDave

    Các loại tàu Shinkansen

    Trên mỗi tuyến Shinkansen đều có tàu nhanh, tàu bán nhanhtàu địa phương.

    • Tàu nhanh chỉ dừng ở ga chính
    • Tàu bán nhanh có thêm vài điểm dừng
    • Tàu địa phương dừng ở mọi ga

    Ví dụ: trên tuyến Tokaido Shinkansen (nối Tokyo đến Osaka), tàu nhanh có 6 điểm dừng, tàu bán nhanh có từ 7 đến 12 điểm dừng và tàu địa phương dừng ở tất cả 17 điểm.

    Chỗ ngồi và các hạng ghế trên tàu cao tốc Nhật Bản

    Ghế đặt trước và ghế tự do

    Hầu hết các chuyến tàu siêu tốc Nhật Bản đều cung cấp cả ghế đặt trước (指定席, shiteiseki) và ghế không đặt trước (自由席, jiyuseki) trên các toa riêng biệt.

    Cần phải đặt chỗ trước với loại đầu tiên. Một khoản phí vài trăm yên được áp dụng cho việc đặt và lựa chọn chỗ ngồi trước. Lưu ý vé này chỉ có hiệu lực trên đúng chuyến bạn đã chọn ban đầu.

    Trên nhiều chuyến, chỗ đặt trước có thể không được đặt hết. Vào những ngày đặc biệt đông đúc như đợt cao điểm trong Tuần lễ Vàng, Obon và kỳ nghỉ năm mới..., tàu có thể hết loại ghế đặt trước trong khoảng vài ngày trước đó, nhưng trong hầu hết các ngày khác thì ghế chỉ hết trước vài giờ (nếu có).

    Còn với ghế không đặt trước, bạn có thể sử dụng vé này để di chuyển trên bất kỳ chuyến nào và ngồi vào chỗ trống trên tàu, nhưng nhược điểm là có thể sẽ phải đứng nếu không còn chỗ ngồi.

    Để yên tâm, bạn nên đặt chỗ trước, đặc biệt khi đi theo nhóm và thích ngồi cùng nhau hoặc mang theo hành lý cồng kềnh. Trên một số chuyến tàu dọc theo Tohoku Shinkansen, Hokkaido ShinkansenHokuriku Shinkansen, việc đặt chỗ là bắt buộc.

    Hạng ghế ngồi

    Chỗ ngồi trên tàu shinkansen được chia thành hai đến ba loại, với một số loại đặc biệt được cung cấp tùy theo tuyến hoặc loại tàu.

    Toa thường 

    Giống như tên gọi, toa thường xuất hiện trên tất cả các chuyến tàu shinkansen. Mặc dù kích thước ghế và không gian để chân ở các đoàn tàu có thể khác nhau, nhưng nhìn chung rất thoải mái. Thông thường ghế được sắp xếp theo hàng 3+2.

     Toa xanh – Green car

    Tương tự với hạng thương gia trên máy bay, toa xanh có chỗ ngồi rộng và thoải mái hơn so với ghế thông thường và có nhiều không gian để chân hơn. Các ghế được sắp xếp thành hàng 2+2. Toa xanh có xu hướng ít đông đúc hơn và có một số tàu không có toa này.

    Thông thường, bạn sẽ phải trả thêm 5.000 yên trở lên để đi toa xanh. 

    Toa hạng nhất - Gran class

    Là phiên bản hạng nhất của tàu Shinkansen và không phải đoàn tàu nào cũng có (chỉ có trên Tohoku Shinkansen, Hokuriku Shinkansen, Joetsu Shinkansen và Hokkaido Shinkansen). Gran class có ghế bọc da, khu vực ghế ngồi rộng rãi (hàng 2+1) và được tiếp viên quan tâm thường xuyên hơn. 

    Một chuyến đi ở hạng gran yêu cầu phụ phí từ 20.000 yên trở lên.

    hang-first-class-shinkansen
    Toa hạng nhất. Ảnh: JR Times

    Tiện ích và quy định trên tàu shinkansen

    WiFi

    Hiện nay đã có WiFi miễn phí trên hầu hết các chuyến tàu shinkansen.

    Xe đạp

    Hành khách được phép mang theo xe đạp lên tàu mà không phải trả thêm phí. Tuy nhiên, bánh trước của nó cần phải được tháo ra (trừ khi đó là xe đạp có thể gập lại) và cất trong túi đựng xe đạp.

    Vật nuôi

    Những vật nuôi nhỏ như mèo, chó và chim được phép lên tàu miễn là nặng dưới 10kg, chiều dài ngắn hơn 90cm và được cho vào lồng an toàn.

    Hành lý

    Du khách được phép mang hành lý lên shinkansen mà không phải trả thêm phí. Tuy nhiên, chỉ được mang nhiều nhất hai kiện hành lý. Tất cả các vật dụng trong hành lý phải nằm trong phạm vi kích thước và trọng lượng cho phép:

    • Trọng lượng tối đa 30kg
    • Kích thước tối đa 250cm

    Du khách mang hành lý quá khổ (kích thước chiều dài, chiều cao và chiều sâu trên 160cm và tối đa 250 cm) sẽ phải đặt chỗ ở hàng ghế cuối cùng trên tàu, phía trước khu vực hành lý quá khổ.

    Các tuyến Tokaido (Tokyo đến Osaka), Sanyo (Osaka đến Fukuoka) và Kyushu (Fukuoka đến Kagoshima) không còn có khoang hành lý riêng biệt, nghĩa là khu vực hành lý quá khổ là không gian duy nhất cho các hành lý lớn.

    Sẽ không được mang hành lý quá khổ vào toa không đặt trước trên các tuyến quy định. Hành khách chưa đặt chỗ trước sẽ phải di chuyển hành lý đến khu vực được chỉ định và trả khoản phụ phí 1.000 yên.

    Một số vật dụng có thể được mang lên shinkansen bất kể kích thước và không cần đặt trước (trừ khi bạn định để chúng trong khu vực hành lý quá khổ): xe đẩy em bé, nhạc cụ, thiết bị thể thao.

    hanh-ly-shinkansen
    Cần tham khảo quy định về hành lý trước khi lên Shinkansen. Ảnh: JR Times

    Các chuyến tàu cao tốc rất dễ tiếp cận đối với hành khách ngồi xe lăn và phụ huynh mang xe đẩy em bé; các nhà ga được trang bị đầy đủ thang máy và thang cuốn.

    Bạn có thể đặt chỗ ngồi đặc biệt miễn phí nếu ngồi xe lăn. Yêu cầu duy nhất là phải đặt trước hai ngày tại ga bạn sẽ lên tàu. Xe đẩy cũng được phép mang lên tàu miễn phí. Yêu cầu duy nhất là chúng phải được gấp lại và đặt an toàn ở những nơi được chỉ định.

    Giá vé shinkansen

    Để đi tàu shinkansen, bạn cần có 2 loại vé. Đầu tiên, bạn cần có vé hành khách có ghi số tàu, số ghế và ga đến. Thứ hai, bạn cần có vé tốc hành để đi tàu shinkansen (và các loại tàu tốc hành khác).

    Một số chuyến tàu có thể sử dụng một vé tích hợp duy nhất, nhưng thường thì bạn cần cả vé hành khách và vé tốc hành để lên tàu. Tiếp viên tàu thường xuyên kiểm tra cả hai loại vé trong suốt hành trình.

    Vé giấy thông thường cho tàu shinkansen có thể được mua tại quầy bán vé, máy bán vé tự động hoặc online. Ngoài ra, có thể sử dụng thẻ IC. 

    ve-shinkansen
    Vé shinkansen. Ảnh: Gaijinpot

    Giá vé tàu shinkansen bao gồm các khoản như sau:

    Giá vé cơ bản

    Giá vé đi từ A đến B. Tăng dần theo quãng đường đã đi. Được phát hành dưới dạng vé giá cơ bản (乗車券 - joshaken).

    Phụ phí shinkansen

    Phí bổ sung khi sử dụng tàu shinkansen, phí sẽ tăng dần theo quãng đường di chuyển. Phụ phí tốc hành được phát hành dưới dạng vé tốc hành (特急券 - tokkyuken).

    Phí đặt chỗ

    Áp dụng cho vé đặt trước. Tùy thuộc vào ngày đi, mùa cao điểm, mùa thường hay mùa thấp điểm, phí đặt chỗ là 330, 530, 730 hoặc 930 yên . Đối với tàu Mizuho, ​​Hayabusa và Komachi, còn có một phần phí khác tùy thuộc vào quãng đường di chuyển (từ 100 đến 620 yên).

    Phí toa xanh (nếu sử dụng toa xanh)

    Tăng dần theo quãng đường di chuyển.

    Giảm giá cho trẻ em

    Trẻ em (dưới 12 tuổi) được giảm giá tùy theo độ tuổi của trẻ.

    • Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi phải trả 50% giá vé người lớn. Phí toa xanh vẫn được tính ở mức giá đầy đủ.
    • Trẻ nhỏ (1 đến 5 tuổi): Tối đa 2 trẻ nhỏ có thể đi du lịch miễn phí khi có người lớn đi cùng. Nhiều hơn 2 trẻ hoặc trẻ nhỏ ngồi trên ghế riêng sẽ được tính giá vé trẻ em thông thường (50% giá vé đầy đủ).
    • Trẻ sơ sinh (dưới một tuổi): Tối đa 2 trẻ sơ sinh có thể đi miễn phí. Giá vé trẻ em thông thường (50% giá vé đầy đủ) được áp dụng nếu trẻ ngồi trên ghế riêng, ghế toa xanh hoặc giường. Trong các nhóm có nhiều hơn 2 trẻ sơ sinh, chỉ 2 trẻ sơ sinh được miễn phí.

    Cách mua vé shinkansen

    Mua vé tại phòng vé JR

    Vé shinkansen có thể được mua tại bất kỳ phòng vé nào ở tất cả các ga JR lớn nhỏ trên toàn quốc. Thẻ tín dụng được chấp nhận ở hầu hết các phòng vé. Để mua vé, cần có những thông tin sau:

    • Số lượng hành khách 
    • Ngày đi du lịch
    • Ga khởi hành
    • Ga đích
    • Toa thường hay toa xanh
    • Chỗ ngồi đặt trước hay không đặt trước
    • Nếu chỗ ngồi đặt trước thì cần có thêm thông tin tên tàu và số tàu hoặc giờ khởi hành.

    Nếu không nói được tiếng Nhật, bạn nên ghi thông tin vào một tờ giấy và đưa cho nhân viên bán hàng.

    phong-ban-ve-jr-midori-no-madoguchi
    Phòng bán vé JR, gọi là “midori no madoguchi” trong tiếng Nhật. Ảnh: Wikipedia

    Mua vé tại máy bán vé tự động

    Bạn có thể sử dụng một số máy bán vé để mua vé tàu shinkansen. Hầu hết các máy có hỗ trợ tiếng Anh. Một số máy chỉ bán chỗ ngồi không đặt trước, nhưng cũng có loại cho phép đặt chỗ trước.

    may-ban-ve-jr
    Máy bán vé của JR Central. Ảnh: global.jr-central.co.jp

    Mua vé trực tuyến

    Các công ty thuộc Đường sắt Nhật Bản như JR-East, JR-Central... có cung cấp các tùy chọn đặt chỗ trực tuyến trên trang web của họ. Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ có thể mua vé cho các tuyến shinkansen tương ứng mà họ khai thác. Ngoài ra cần phải lấy vé từ các máy bán vé tự động hoặc phòng vé tại ga khởi hành trước khi lên tàu. Hoặc bạn cũng có thể đặt vé trên một số website trung gian khác.

    Tại website của nhà khai thác

    JR-East

    Đây là công ty lớn nhất trong 7 công ty thuộc tập đoàn đường sắt Nhật Bản. JR-East vận hành dịch vụ trên khu vực Kanto và Tohoku bao gồm cả Tokyo.

    Website: https://www.jreast.co.jp/e/ticket/reservation.html

    JR-Hokkaido

    Một trong những công ty thành viên của tập đoàn Đường sắt Nhật Bản, vận hành các dịch vụ đường sắt liên tỉnh và địa phương ở Hokkaido. Họ đã giới thiệu “Kitaca”, một hệ thống bán vé thẻ thông minh.

    Kitaca là thẻ IC cho phép đi qua cổng soát vé mà không gặp rắc rối khi mua vé. Nó cũng có thể được sử dụng như tiền điện tử để mua sắm.

    Website: https://www.jrhokkaido.co.jp/global/english/ticket/index.html

    JR-Central

    Bạn có thể đặt vé tàu shinkansen để đi đến/từ Tokyo, Núi Phú Sĩ (Shizuoka), Nagoya, Kyoto, Osaka, Hiroshima, Takayama, Kumano... Tuyến này cũng đưa bạn đến các điểm nổi tiếng và Di sản Thế giới hấp dẫn khác (Shirakawa-Go, Kumano-Kodo, Alpine) được du khách nước ngoài ưa chuộng.

    jr-central-tokaido
    Khu vực Tokaido thuộc JR-Central. Ảnh: global.jr-central.co.jp

    Website: https://global.jr-central.co.jp/en/onlinebooking/

    Trên SmartEX

    Nếu bạn muốn đi du lịch trên các tuyến Tokaido và Sanyo Shinkansen - phổ biến để di chuyển giữa Tokyo, Kyoto, Osaka, Hiroshima và Fukuoka, bạn có thể mua vé trên SmartEX.

    Website: https://smart-ex.jp/en/lp/app/

    Trên ST-Shinkansen Ticket

    Đây là trang web để mua vé trực tuyến với shinkansen hoặc bất kỳ loại tàu nào ở Nhật Bản. Bạn có thể mua vé tại đây và vé sẽ được giao đến khách sạn/nơi lưu trú.

    Website: https://shinkansen-ticket.com/

    Trên Klook

    Bạn cũng có thể mua vé shinkansen trên Klook. Sau khi mua vé, bạn sẽ nhận được một mã QR. Dùng mã này quét tại máy bán vé tự động ở nhà ga JR để lấy vé vật lý.

    Website: https://www.klook.com/

    Có nên sử dụng JR Pass?

    Nếu bạn dự định dành nhiều ngày ở Nhật Bản và đi du lịch đường dài, việc mua Japan Rail Pass (JR Pass) có thể hợp lý hơn so với mua nhiều vé một chiều. Loại vé này cho phép bạn đi tàu không giới hạn trong thời hạn hiệu lực trên khắp nước Nhật với mạng lưới tàu rộng khắp của Tập đoàn JR. Ngoài tàu, bạn cũng có thể sử dụng không giới hạn các phương tiện giao thông khác như Xe buýt JR, Phà JR và tàu điện monorail. 

    Có hai loại thẻ JR Pass chính - thẻ thông hành toàn Nhật Bản (Whole Japan Pass) và thẻ thông hành theo khu vực, như Tohoku hoặc Hokkaido...

    *Lưu ý, JR Pass không có hiệu lực đối với những chuyến do các công ty đường sắt tư nhân điều hành. JR Pass cũng không bao gồm các chuyến đi trên tàu Nozomi hay Mizuho (những chuyến tàu nhanh nhất), bạn sẽ cần mua vé bổ sung để lên các tàu này hoặc chọn loại tàu khác chậm hơn.

    jr-pass
    JR Pass là lựa chọn kinh tế khi di chuyển nhiều bằng shinkansen. Ảnh: JR Pass

    Ví dụ: Một vé shinkansen từ Tokyo đến Kyoto có giá khoảng 13.320 yên nếu không đặt chỗ trước còn vé khứ hồi có giá 26.640 yên. Trong khi đó, thẻ Japan Rail Pass 7 ngày có giá 50.000 yên. Nếu bạn di chuyển nhiều thì lựa chọn sau sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đi tàu.

    Để có được JR Pass bạn cần mua trước khi đến Nhật Bản. Sau đó khi đến nơi, bạn chỉ cần đem phiếu đổi vé đến ga xe lửa lớn để nhận thẻ.

    Khi bạn đã sẵn sàng bắt đầu hành trình với shinkansen, hãy kích hoạt thẻ và bắt đầu sử dụng các chuyến tàu. Một ưu đãi là người sở hữu Japan Rail Pass không cần phải trả phí đặt chỗ trước.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!