Nghe đèn kể chuyện ở Kasuga
Đền Kasuga tọa lạc trong khu rừng thiêng nằm giữa lòng thành phố Nara, cách ga Kintetsu Nara khoảng 20 phút đi bộ. Đồng hành cùng lữ khách trên con đường đó là những chú nai thân thiện bên các gốc tuyết tùng ngàn năm tuổi chen chúc trong cánh rừng nguyên sinh. Từ năm 841 (thuộc thời kỳ Heian 794 - 1185) ở Nara đã có một đạo luật nghiêm ngặt cấm chặt phá cây rừng, thế nên cho đến nay, đây là địa danh hiếm hoi trên thế giới còn giữ được khoảng rừng nguyên sinh rộng 525 hecta ngay trung tâm thành phố. Và theo tín ngưỡng Thần đạo, thần linh thường chọn những khu rừng làm nơi ngự trị.
Cổng Torii, nơi phân định ranh giới giữa phàm tục và thần linh ở đền Kasuga (Ảnh: Thiên An)
Song hành cùng bầy nai, chẳng mấy chốc, chúng tôi đã thấy cánh cổng Torii màu đỏ son, dấu chỉ của ranh giới giữa phàm tục và thần linh thấp thoáng ẩn hiện trong tán rừng phía trước. Ngay dưới cổng Torii là những cây đèn đá rêu phong xếp thành từng hàng, thu hút sự chú ý của khách phương xa. Người ta ước tính có hơn 3.000 cây đèn ở Kasuga, trong đó có khoảng 2.000 đèn đá (thạch đăng lung) và 1.000 đèn lồng treo bằng đồng.
Một khoảng rừng nơi có những cây đèn cổ thứ hai của Nhật là Yunokidoro (Ảnh: Thiên An)
Từ khi đền Kasuga được hoàn thiện vào 768, rất đông khách hành hương đã đến đây cầu an, tài lộc, thi cử đỗ đạt, sức khoẻ dồi dào. Khi ước nguyện được linh ứng, họ trở lại và cung tiến những cây đèn để bày tỏ lòng biết ơn. Số lượng đèn đồng, đèn đá từ thời kỳ Heian cứ thế lớn dần. Trên lối đi nối từ cổng Torii đến trước cổng Chumon có hơn 2.000 cây đèn đá liền nhau san sát, và giữa vô số các dáng thế đó, không khó để nhận ra Yunoki-doro, mẫu đèn đá cổ thứ hai ở Nhật Bản. Đèn Yunoki-doro có hình lục giác, trụ và thân được chạm khắc cánh sen, phần chụp đèn đơn giản, không có các đường nét cầu kỳ như các mẫu đèn Oribe-doro, Kasuga-doro hay Ikekomi-doro.
Kiến trúc cổng 2 tầng của Chumon hoàn thành vào năm 1179, được công nhận là “Tài sản văn hóa quan trọng” của nước Nhật (Ảnh: Thiên An)
Bước qua khỏi cổng Chumon, một thế giới đèn đồng mở ra. Đèn được treo dày đặc các dãy hành lang, hàng hiên, tạo nên một hình ảnh đầy ấn tượng. Người giữ đền cho biết cây đèn treo bằng đồng cổ nhất ở đây đã hơn 500 năm tuổi. Cách nay hơn 150 năm, tất cả đèn trong đền Kasuga được thắp sáng hàng đêm, nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn hai lần trong năm là mùa lễ hội Man-toro (nghĩa là "vạn cây đèn") trong Setsubun Man-toro (2 – 4 tháng 2) và Obon Man-toro (14 – 15 tháng 8).
Đèn lồng treo bằng đồng tạo điểm nhấn duyên dáng cho không gian ngoại thất của đại điện (Honden) (Ảnh: Thiên An)
Nếu đèn đá ở Kasuga đem lại cảm giác trầm mặc, uy nghiêm, hòa mình cùng thiên nhiên của khu rừng già, thì đèn lồng treo bằng đồng lại mang vẻ kiêu sa, thanh thoát và đậm dấu ấn nghệ thuật. Người cung tiến thường yêu cầu các nghệ nhân làm đèn thể hiện những hoa văn, chi tiết khác biệt, sau đó khắc tên, năm cung tiến lên thân đèn. Qua thời gian, lớp đồng bị oxy hóa, lên nước ten xanh bóng, khiến chiếc đèn lồng treo càng nổi bật trước phông nền là màu son thắm của kiến trúc Kasuga.
Vẻ đẹp của những chiếc đèn lồng treo trước đại điện ở Kasuga (Ảnh: Thiên An)
Chủ nhân của những cây đèn ở Kasuga xưa kia có thể là một võ sĩ đạo, một lãnh chúa, một hoàng thân, hay một người bình dân. và mỗi cây đèn đại diện cho một điều ước nguyện, một tâm tình gửi gắm, một tác phẩm nghệ thuật, một kiểu dáng khác lạ. Sự hợp thành kỳ diệu ấy đã tạo nên quần thể những cây đèn độc đáo, khiến Kasuga trở thành điểm đến không thể bỏ qua của những người muốn tìm hiểu và khám phá nghệ thuật Đăng Lung (Toro) trong tín ngưỡng Thần đạo Nhật Bản.
Thiên An/ kilala.vn
01/11/2016
Bài và ảnh: Thiên An
Đăng nhập tài khoản để bình luận