Hội thảo du lịch tỉnh Kanagawa: Điểm đến chữa lành
Ngày 17/11 vừa qua, buổi Hội thảo giới thiệu du lịch sức khỏe của tỉnh Kanagawa đã được tổ chức nhằm giới thiệu những địa điểm du lịch mới ở Nhật Bản cùng những trải nghiệm thú vị, hướng đến sự thoải mái trong tâm hồn.
Kanagawa là một tỉnh nằm ngay phía nam Tokyo, thủ phủ là thành phố Yokohama, sở hữu một số cảnh quan mang tính biểu tượng ở Nhật Bản. Nếu bạn đang tìm kiếm sự cân bằng tốt giữa thiên nhiên và cuộc sống thành phố chậm rãi thì Kanagawa là một lựa chọn tuyệt vời. Nơi vừa có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, vừa có thể trải nghiệm suối nước nóng, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và những kỹ thuật y tế tiên tiến nhất.
Chính vì thế, tỉnh Kanagawa hiện đang đẩy mạnh hình thức du lịch sức khỏe, hoàn thiện môi trường và cơ sở vật chất giúp người dân Nhật nói riêng và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài có thể thư giãn cơ thể và sảng khoái tinh thần.
Vừa qua, tỉnh Kanagawa đã tổ chức buổi hội thảo "Giới thiệu Du lịch Kanagawa" vào ngày 17/11 tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội, số 1 đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của đại diện tỉnh Kanagawa, đại diện thành phố Kamakura, đại diện cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản JNTO tại Việt Nam, đầu bếp đến từ Lữ quán Kishike, thầy Asahina của chùa Jochiji, cùng với đó là sự có mặt của nhiều công ty du lịch, lữ hành tại Việt Nam.
“Tỉnh Kanagawa cùng với Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị nhiều năm qua và từ ngày 19 – 20/11, tỉnh Kanagawa cũng có tổ chức lễ hội “Kanagawa Festival in Ha Noi” tại công viên Lý Thái Tổ nhằm đưa thông tin về Kanagawa đến rộng rãi hơn với công chúng. Hi vọng rằng nhiều du khách Việt Nam sẽ biết thêm về những địa điểm du lịch cũng như hoạt động thú vị ở Kanagawa”, ông Shigeta – đại diện của Kanagawa chia sẻ mở đầu sự kiện.
Nhắc đến việc “du lịch chữa lành” thì thật thiếu sót khi không có thành phố Kamakura, nơi được mệnh danh là “Kyoto của phía đông Nhật Bản”. Nơi đây sở hữu một "kho tàng" đền thờ, nổi bật là bức tượng Phật khổng lồ ở chùa Kotokuin.
Đây là thành phố đầu tiên của Nhật Bản có chính quyền là Samurai từ thế kỷ 12. Thời điểm đó, Phật giáo mới du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Tôn giáo ở Kamakura là Phật giáo Thiền tông, với quan niệm thay vì được cứu rỗi bằng cách cầu nguyện và tụng kinh thì mọi người có thể đạt được đến giác ngộ bằng cách rèn luyện tâm trí của mình thông qua việc tuân thủ kỷ luật. Điều này được các Samurai cầm quyền ủng hộ dẫn đến việc phát triển Phật giáo tại đây. Kamakura còn là nơi khai sinh ra Thiền ở Nhật.
Trong khuôn khổ sự kiện, khách mời còn được trải nghiệm Thiền trong 5 phút với sự hướng dẫn của thầy Asahina đến từ chùa Jochiji và thưởng thức ẩm thực chay Nhật Bản với món canh Kenchinjiru.
Với việc sử dụng các loại rau củ như cà rốt, nấm Shitake, Konjac, củ sen. nên món canh Kenchinjiru chứa các loại vitamin khác nhau cần thiết cho cơ thể. Mặc dù không có thịt nhưng Kenchinjiru vẫn chứa protein đến từ đậu hũ, tốt cho sức khỏe nên đã trở thành bữa trưa phổ biến ở trường của trẻ em.
Theo một số tài liệu tham khảo, một nhà sư ở chùa Kenchiji đã vô tình tạo ra món ăn này. Ông nhìn thấy một nhà sư làm rớt bịch đậu nên quyết định mang về, tận dụng để làm đậu hũ cho món canh chay. Vì chuyện xảy ra trong chùa nên ông đã đặt tên món ăn theo tên của ngôi chùa. Món ăn này cũng là một cách để thực hành triết lý Mottainai của người Nhật.
Bên cạnh đó, ông Shusuke Uchida – Phó Trưởng đại diện của cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản JNTO tại Việt Nam đã chia sẻ thêm về các cập nhật mới nhất về tình hình du lịch Nhật Bản. Theo đó:
- Biện pháp hạn chế nhập cảnh với khách du lịch nước ngoài theo các tour du lịch trọn gói đã được gỡ bỏ.
- Các chính sách miễn thị thực trước COVID-19 cũng được khôi phục lại (visa du lịch cá nhân/ thăm thân/ hộ chiếu ngoại giao và công vụ/ thẻ doanh nhân APEC).
- Người có giấy chứng nhận tiêm vaccine có hiệu lực sẽ không bắt buộc phải xin giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72h trước giờ khởi hành dự kiến.
- Việc đăng ký theo quy định trong Hệ thống xác nhận sức khỏe người nhập cư (ERFS) do các tổ chức tiếp nhận tại Nhật Bản hoàn toàn bị bác bỏ.
- Nhật Bản sẽ dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế số lượng người nhập cảnh, thay vì chỉ giới hạn ở mức 50.000 người/ngày như hiện nay.
Khách du lịch giờ đây muốn nhập cảnh tại Nhật Bản cần chuẩn bị: visa; Chứng nhận tiêm chủng có hiệu lực hoặc giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19; Cài đặt ứng dụng MySOS hoặc truy cập web My SOS để làm trước thủ tục kiểm dịch (Fast Track); Truy cập vào trang Visit Japan dể làm thủ tục nhập cảnh và hải quan; Mua bảo hiểm du lịch.
Xem thêm: Bỏ túi bí quyết du lịch Nhật an toàn, yên tâm và thuận lợi
kilala.vn
18/11/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận