Đến Công viên Nara gặp “sứ giả thần linh”

    Đến Công viên Nara gặp “sứ giả thần linh”

    Công viên Nara là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ khi ghé thăm thành phố Nara của Nhật Bản. Khu vực rộng lớn trải dài trên diện tích 660 ha này đặc biệt thu hút du khách bởi những chú hươu shika đáng yêu tự do đi lại trong khuôn viên. 

    Vùng đất Nara từng là thủ đô của Nhật Bản trong thời kỳ Nara (710–794). Bấy giờ nơi đây là trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, được mô phỏng theo kinh đô thịnh vượng nhất của Trung Quốc - Trường An vào thời nhà Đường.

    Tuy ngày nay không còn là thủ đô nhưng Nara vẫn là nơi tọa lạc của nhiều đền chùa nổi tiếng và là quê hương của Daibutsu, bức tượng Phật bằng đồng cao 15 mét. Điều đáng ngạc nhiên hơn là trong những năm gần đây, Nara đã trở nên nổi tiếng với du khách quốc tế nhờ vào những chú hươu.

    mua-thu-nara
    Công viên Nara. Ảnh: agoda

    Có hơn 1.200 chú hươu Nhật Bản (shika) xem Công viên Nara là nhà của chúng. Nhiều người đến thăm nơi đây chỉ để được tiếp xúc, chụp ảnh với những cá thể đáng yêu, khả ái này. Việc những chú hươu được tự do đi lại trong thành phố, tương tác với du khách có lẽ sẽ khiến bạn cảm thấy hơi bất ngờ. Và trên thực tế, có một lý do đặc biệt cho hiện tượng thú vị này.

    Hươu shika – sứ giả của thần linh

    Những chú hươu ở Nara bắt đầu được gọi là sứ giả thần linh (Kami no tsukai - 神の使い) vào thời kỳ Nara (710-794 CN), khi kinh đô Nhật Bản được đặt tại đây. Thời điểm nước Nhật đang tìm kiếm vị thần bảo hộ cho kinh đô mới, họ đã tìm đến vị thần sét hùng mạnh Takemikazuchi ở Đền Kashima, thuộc tỉnh Ibaraki ngày nay.

    Theo lời khẩn cầu, Thần Takemikazuchi cưỡi trên lưng một con hươu trắng lớn và đáp xuống ngọn núi Mikasa ở phía Đông đền Kasuga, tỉnh Nara. Cũng kể từ đó, loài hươu ở Nara được xem như sứ giả của thần linh, và điều này cũng giải thích tại sao có thể dễ dàng bắt gặp những chú hươu tự do đi lại trong thành phố.

    Cho đến năm 1637, hình phạt cho việc giết hại một chú hươu linh thiêng ở Nara chính là án tử. Hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, loài hươu Nara đã chính thức bị tước bỏ địa vị thiêng liêng của mình, thay vào đó chúng được chỉ định là Báu vật tự nhiên của Nhật Bản và được bảo tồn.

    shika
    Hươu Nara từng được xem là sứ giả của thần. Ảnh: theworldtravelguy.com

    Người và hươu chung sống hòa bình

    Ngày nay, loài hươu ở Nara sinh sống dọc theo một vùng đất rộng lớn gần những ngọn núi ở phía Tây thành phố Nara. Để tìm thấy chúng, bạn thường phải đi bộ một đoạn ngắn từ Ga Nara Kintestu về phía khu vực Công viên Nara.

    Được thành lập vào năm 1880, Công viên Nara là một trong những công viên lâu đời nhất Nhật Bản, tọa lạc dưới chân núi Wakakusa. Nơi đây là một trong những “Danh lam thắng cảnh” được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản chỉ định.

    Trong khu đất khổng lồ khoảng 660 ha của công viên, bạn có thể tìm thấy những ngôi đền, chùa ở khắp mọi ngõ ngách. Trong đó, ba Di sản thế giới: chùa Todai-ji với tượng Phật Daibutsu cao 15m, chùa Kofuku-ji với tòa tháp 5 tầng biểu tượng, đền Kasuga Taisha - nơi thờ cúng vị thần Takemikazuchi, cùng với Bảo tàng Quốc gia Nara là những địa điểm luôn thu hút đông đảo khách tham quan.

    kasuga-taisha
    Đền Kasuga Taisha. Ảnh: voyapon

    Du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những chú hươu trong khuôn viên của Công viên Nara, chẳng hạn như ở chùa Todai-ji hay trong khu rừng nguyên sinh Kasuga cổ kính và xinh đẹp.

    Đến Thành phố Nara để gặp gỡ và chơi đùa cùng những chú hươu linh thiêng chắc chắn là một chuyến đi đáng giá, bởi những sinh vật này thực sự mang lại cảm giác kỳ diệu và là một ví dụ điển hình về lịch sử phong phú, sống động của Nara.

    chua-todaiji
    Shika ở chùa Todaiji. Ảnh: Japan Guide
    cho-huou-an
    Cho hươu ăn bánh shika senbei - một hoạt động thu hút du khách tại công viên. Ảnh: Kodawari Times

    Những điều cần biết về hươu Nara

    Hươu Nara ăn gì?

    Nara được biết đến với món "shika senbei – bánh gạo cho hươu" nhưng trên thực tế, loài hươu trong Công viên Nara là động vật hoang dã và hoàn toàn có khả năng tự tìm kiếm thức ăn. Hươu ở Nara thực tế được chia thành hai loại dựa trên chế độ ăn uống của chúng: "hươu công viên", sống ở vùng đất bằng phẳng của Công viên Nara và "hươu núi Wakakusa". Tuy nhiên, đối với cả hai, cỏ vẫn chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn. Sự phụ thuộc vào cỏ này khiến hươu Nara rất khác biệt so với những loài hươu khác ở Nhật Bản.

    Shika senbei là gì?

    Đối với những chú hươu ở Công viên Nara, cỏ rõ ràng là thành phần quan trọng nhất trong chế độ ăn uống của chúng. Vậy trong “shika senbei” – loại bánh khách du lịch thường cho hươu ăn có gì?

    Câu trả lời chính là bột mì và cám gạo. Loại bánh này được làm với công thức không chứa đường, khiến chúng hoàn toàn an toàn để cho động vật ăn. Bánh gạo shika senbei là nhãn hiệu đã được đăng ký của Tổ chức Bảo vệ Hươu ở Nara và một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh chúng được sử dụng cho các nỗ lực bảo vệ hươu.

    shika-senbei
    Một xe đẩy bán shika senbei trong công viên. Ảnh: japantimes

    Những sự kiện liên quan đến loài hươu ở Nara

    Shikayosei – Lễ gọi hươu

    Sự kiện được tổ chức kể từ năm 1892 bởi Quỹ Bảo tồn Hươu Nara, diễn ra tại Tobihino, phía nam con đường dẫn đến Đền Kasuga Taisha vào các buổi sáng mùa đông. Truyền thống này liên quan đến việc thổi một chiếc kèn và âm thanh này sẽ thu hút hươu từ khắp công viên kéo về, phần thưởng cho những chú hươu sẽ là những quả sồi.

    Sồi được trao cho hươu để giúp nuôi dưỡng chúng trong những tháng mùa đông lạnh, khi nguồn thức ăn tự nhiên trở nên khan hiếm hơn.

    shika-yosei
    Ảnh: nara-sightseeing.com

    Shika no Tsunokiri - Lễ cắt gạc hươu

    Truyền thống cắt gạc hươu là một trong những sự kiện nổi bật của cố đô Nara vào mùa thu. Nghi lễ này được bắt đầu vào thời Edo (1603-1868) vì lý do an toàn và trong nỗ lực bảo vệ cây cối của Công viên Nara. Kể từ đầu những năm 1920, buổi lễ đã diễn ra tại Rokuen, gần đền Kasuga Taisha.

    Gạc hươu là một biểu tượng quan trọng đối với loài vật này, tuy nhiên việc cắt bỏ nó là để bảo vệ những con hươu đực khỏi bị thương, đồng thời bảo vệ các tài sản văn hóa có giá trị khỏi bị hư hại bởi sừng của chúng. Nó cũng giúp người dân thị trấn và hươu có thể chung sống hòa bình.

    Những điều cần lưu ý khi tương tác với hươu

    • Đừng cho chúng ăn bất cứ thứ gì ngoại trừ shika senbei.
    • Đừng trêu chọc hoặc quấy rầy hươu; chúng là động vật hoang dã.
    • Đừng đưa cho chúng bất kỳ loại rác nào như giấy hoặc nhựa – hươu mất mạng nếu ăn phải.
    • Thận trọng khi lái xe trong khu vực quanh Công viên Nara, vì hươu thường đột ngột nhảy ra đường.
    gulliver-mua-4
    Ekip Phiêu lưu cùng Gulliver mùa 4 đã có mặt tại Công viên Nara. Liệu Thanh Sơn và Khả Ngân sẽ trải qua thử thách gì cùng những chú hươu shika trong tập 4?

    Công viên Nara (奈良公園 - Nara Koen)

    Địa chỉ: 469 Zoshicho, thành phố Nara, tỉnh Nara

    Di chuyển: Công viên Nara cách Ga Kintetsu-Nara một quãng đi bộ ngắn về phía đông. Bạn cũng có thể đến khu vực này bằng cách đi bộ thẳng dọc theo Phố Sanjo-dori từ Ga JR Nara, mất khoảng 20 phút. Ngoài ra, gần như tất cả các xe buýt ở trung tâm thành phố đều dừng trong và xung quanh công viên.

    kilala.vn

    Lịch phát sóng Phiêu lưu cùng Gulliver - Mùa 4 Reloaded

    Lên sóng từ 28/10 - 8/12/2023

    Kênh VOVTV:

    - Phát chính: 20h00 - 20h30 Chủ Nhật hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 08h30 - 09h00 thứ Ba hàng tuần

    - Phát lại lần 2: 22h40 - 23h10 thứ Sáu hàng tuần

    Kênh VTC9:

    - Phát chính: 18h00- 18h30 thứ Bảy hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 11h30 - 12h00 thứ Ba hàng tuần

    - Phát lại lần 2: 22h00 - 22h30 thứ Năm hàng tuần

    Kênh VTC1:

    - Phát chính: 16h15 - 16h45 Chủ Nhật hàng tuần

    - Phát lại lần 1: 23h25 - 23h55 thứ Hai tuần kế tiếp

    - Phát lại lần 2: 09h15 - 09h45 thứ Ba tuần kế tiếp

    Đừng quên bấm theo dõi Fanpage Phiêu lưu cùng Gulliver -Run Gulliver- để cập nhật những tin tức và hình ảnh hậu trường thú vị từ chương trình!

    lich-phat-song

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!