Nhật kí Miiko Chan (P2): Hành văn "chuẩn Nhật" - Chuyện nhỏ!

    Tokyo trời mùa đông lạnh lẽo, nó co ro ôm mình trong mền, lặng lẽ ngắm từng bông tuyết rơi ngoài cửa sổ khách sạn. Lần công tác này nó về lại quê hương thứ 2 - Nhật Bản sau năm năm trời xa cách. Hôm nay, khi gặp khách hàng, nó biết “phong độ” tiếng Nhật của nó đã sa sút hơn xưa. Hơn 10 năm ròng tiếp xúc với tiếng Nhật, nó tưởng là sẽ không thể nào quên cách hành văn, từ vựng… ấy vậy mà…


    Nó nhớ, khi mới đặt chân tới Nhật, dù đã học tiếng Nhật hết bài 50 của 2 quyển Minna no Nihongo, nhưng lúc đi cửa hàng tiện lợi nhân viên hỏi một câu đơn giản nó cũng không trả lời được vì không nghe được, không hiểu được. Nó giương đôi mắt ngây thơ “đực mặt” nhìn nhân viên bán hàng, cậu ta kiên nhẫn lặp lại: “Fukuro yoroshi deshoka?” (Quý khách có lấy bịch ni lông không ạ?)

    Kế hoạch tác chiến để “chinh phục” nghe nói tiếng Nhật


    1. Tìm động cơ: Trước tiên, nó ngồi nghĩ lại mục đích và tìm động lực để học tiếng Nhật của nó là gì? Với du học sinh, nếu không biết tiếng thì không thể sinh tồn tại Nhật được. Bắt buộc nó phải giỏi tiếng Nhật “bằng mọi giá”!  Tìm động lực gắn liền với “sự sinh tồn” là điều quan trọng! Nhiều năm sau, mỗi lần dịch bài, mắt sưng húp mở không lên vì thức khuya, nó tưởng tượng cảnh ngồi đếm tiền thù lao sau khi dịch xong, tự nhiên nó “tỉnh táo” hẳn và có động lực dịch bài tiếp. 

    2. Lập mục tiêu: Nó liệt kê mục tiêu việc học tiếng Nhật, hành động cần thiết để đạt mục tiêu ra giấy thật chi tiết, có số liệu rõ ràng, mốc thời gian cụ thể. Mục đích việc học tiếng Nhật của nó là thi đậu vào đại học Nhật năm sau. Như vậy cần có 2 kyu của kì thi năng lực Nhật ngữ sắp tới vào tháng 12. Nó hình dung cảnh sau khi đậu đại học  nó gọi điện thoại báo ba mẹ biết nó thi đậu đại học, ba mẹ sẽ nói gì, sẽ vui mừng ra sao…

    3. Tiếp theo, nó lập kế hoạch, lên thời gian biểu chi tiết về thời điểm học, số lượng từ, mẫu câu, chữ Hán, ngữ Pháp, hội thoại, trò chuyện với người Nhật… và đặc biệt là thời gian ôn tập cho mỗi ngày, tự thưởng cho mình những món đồ nó thích mỗi khi đạt mục tiêu nho nhỏ.
    Cụ thể: Muốn tháng 12 thi đậu 2 kyu nên cần học khoảng 1000 chữ Hán trong vòng 1 năm. Như vậy, mỗi ngày nó phải học thuộc 5 chữ Hán và ôn tập lại chữ Hán đã học. Mỗi lần học được 100 chữ Hán nó sẽ tự thưởng cho mình 1 tô Chashu Ramen. ( Mì ra men thịt xá xíu kiểu Nhật ) 
    Mỗi lần học được 100 chữ Hán nó sẽ tự thưởng cho mình 1 tô Chashu Ramen.

    4. Bí quyết luyện nghe nói của nó gói gọn trong 3 cụm từ  “bắt chước”, “thuộc lòng”“ôn tập”.
    Nó “bắt chước” người Nhật mọi lúc, mọi nơi từ ngữ điệu lên xuống, cách nhấn nhá, cách ngừng nghỉ, khẩu hình… Nó để ý từ những câu nói đệm đến những từ ậm ừ khi suy nghĩ của giáo viên, người làm chung Baito v.v… và BẮT CHƯỚC NHƯ KHỈ, càng giống càng tốt! Không cần hiểu họ nói gì, cứ nói giống trước, cái gì không hiểu thì ghi chú lại và hỏi sau. 

    Thỉnh thoảng nó cũng nói về chuyện của mình, nếu nó nói sai, đối phương sẽ rất tế nhị lặp lại bằng tiếng Nhật chính xác câu nó vừa nói. Nó ghi nhớ thật nhanh, câu chữ nào không nhớ được thì ghi chú vào sổ tay ngay tức thì, đọc đi đọc lại thật nhiều lần cho đến khi “thuộc lòng”, phát âm, ngữ điệu giống người Nhật mới thôi. Tối về, sau một ngày học tập và làm việc vất vả, nó “chóng mắt lên” ôn tập lại tất cả chữ Hán, từ vựng  đã học, những điều nó đã ghi chú trong ngày. 

    Đối với nó, để nói giỏi, quan trọng là lượng từ vựng phải nhiều, phản xạ phải nhanh. Từ vựng là do tích luỹ từng ngày, học từ mới đi kèm với ôn tập từ cũ, tập đặt câu, học thuộc lòng nguyên câu văn là cách tốt nhất để nhớ từ vựng, ngữ pháp, chữ Hán. 

    Phản xạ là do quá trình rèn luyện, nói đi nói lại, nghe đi nghe lại, thực hành nhuần nhuyễn. Trước tiên, khi học từ vựng, chữ Hán, mẫu câu nó cũng luyện nghe bằng cách vừa viết, vừa nói để tai nghe, miệng nói, mắt đọc, tay ghi. Như vậy sẽ thuộc sâu hơn và luyện được cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết từ những điều đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian nhất. 
    Âm nhạc không chỉ giúp nó thư giãn, còn giúp nó có thêm nhiều bạn Nhật, tăng cơ hội giao tiếp.

    Để luyện nghe nói, nó cần có bạn Nhật. Vì vậy, ngày nghỉ nó đi ra ga, cùng đàn ghi ta với những người Nhật, cùng họ trao đổi về âm nhạc. Có người nói rằng người Nhật giả tạo, nhưng nó thấy mình cứ đối xử chân thành, nói chuyện về sở thích, biết lắng nghe thì sẽ tìm được bạn cùng sở thích. Dần dà, nó còn biết cách nói đùa kiểu Nhật. Nó hạn chế than thở, nói quá nhiều về bản thân và không bao giờ nói dùng chữ “Kawaisou!” (đáng thương) vì người Nhật rất tự trọng, ghét nhất bị người khác thương hại. Nó cũng tìm hiểu những điều cấm kị trong giao tiếp qua mạng hoặc hỏi trực tiếp bạn bè người Nhật để tránh. 
    Đôi khi nghe giọng mình qua máy thu âm, nó không khỏi cười phá lên vì “nó nói tiếng Nhật nghe y chang tiếng Việt”! Nó đứng trước gương, vừa cười vừa nói, vừa thu âm lại giọng nói tiếng Nhật sao cho thật tự nhiên mặc cho bạn bè cùng phòng bĩu môi chửi nó điên.

    Cứ như thế, 6 tháng trôi qua, nó đã có thể chém gió với người Nhật tuy tốc độ nói còn chậm. Nhưng không sao cả, nó tự nhủ nói chậm mà chính xác trước, khi thuần thục sẽ nói nhanh hơn. Nó đã từng gặp rất nhiều người, nói tiếng Nhật nhanh như gió, nhưng phát âm không rõ ràng thành ra người Nhật không thể hiểu được. Nó cũng đã từng cố nói nhanh để che lấp “cái sự dốt”, sợ nói sai nên nói nhanh để đối phương “khỏi nghe mà bắt lỗi”. Nhưng nó phát hiện, cứ “xấu khoe tốt che” cho lành! Mình là người nước ngoài, nên cứ nói, sai thì sửa, quan trọng là phải can đảm để nói. Nói một lần chưa nhanh, chưa đúng thì lần 2, lần 3… Cho đến khi đúng thì thôi! Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép! Nhưng phải sửa liền khi biết sai là được !

    Dọn ra khỏi kí túc xá, tạo môi trường tiếp xúc tiếng Nhật 24/24

    Từ ngày có không gian riêng, nó luyện tiếng Nhật qua phim ảnh, chương trình thực tế, thời sự. Nó cứ y “bổn cũ soạn lại”, bắt chước theo từng câu thoại của diễn viên, phát thanh viên, nghệ sỹ cho dù không hiểu. Ngày nghỉ, nó đi nhà sách. Đọc “ngấu nghiến” từng câu, từng chữ, từng cách hành văn từ tạp chí, dần đến sách mỏng, sách dày (Khi ở Việt Nam nó không có thói quen đọc, nếu đọc chỉ đọc truyện tranh). Nó đọc để có thể hiểu và hành văn nên đọc rất chậm, đọc trang nào nó học thuộc trang đó. Có ngữ pháp, từ vựng mới không dừng lại mà đọc tiếp để hiểu đại ý trước, sau đó mới tra sau để không dừng mạch đọc. Nó không đọc bằng mắt, mà đọc bằng tất cả các giác quan. Bằng bàn tay đang dò theo từng dòng chữ dọc, bằng cây viết chì gạch dọc bên cạnh những từ chưa biết, ngữ pháp chưa hiểu, bằng đôi môi không ngừng lẩm bẩm đọc thành tiếng, bằng cả trái tim khao khát thuộc từng dòng chữ, cách hành văn. Đương nhiên, khi trên tàu hay chỗ đông người nó không đọc thành tiếng vì như vậy sợ người khác tưởng nó “baka” ( bị man). 

    Những lúc nó mệt mỏi nhất, không thể nhồi nhét gì vào đầu thì nó sẽ thư giãn bằng nhạc Nhật, tìm những bản nhạc mà nó thích, hát theo. Đương nhiên là lúc ở nhà, còn khi ở nơi công cộng thì nó đeo tai nghe, tránh lẩm bẩm để không làm phiền người chung quanh. 

    Nó ước gì, nếu công nghệ hiện đại như ngày nay thì nó sẽ cài các ứng dụng vào di động. Hễ rảnh giây phút nào là nó sẽ học chữ Hán qua App, nghe bài hội thoại qua những đoạn thu âm, sẽ lên Youtube để học tiếng Nhật khi đi bus, đi tàu thay vì lướt Facebook. Rất tiếc, thời nó học tiếng Nhật thì nó chỉ học bằng giấy và viết, trong túi nó lúc nào cũng có 1 cây viết chì và 1 quyển sổ nho nhỏ để ghi chú và tự học bài. Nó học mọi lúc mọi nơi, miễn là rảnh. Học từ cách đọc bảng hiệu, các chữ hiển thị trên tàu, các mẫu quảng cáo dán khắp nơi… Chắc nhờ vậy mà tốc độ tốc kí của nó rất nhanh, nhờ vậy mà khi thi nghe nó luôn đạt điểm cao. Ngoài ra, khả năng tốc kí giúp nó làm tốt công việc phiên dịch, tăng khả năng ghi nhớ, thể hiện sự chuyên nghiệp khi làm việc với người Nhật.  

    Trở về Việt Nam và học lại tiếng Việt

    Biến cố xảy ra, nó về Việt Nam làm việc tại công ty Nhật với vị trí trợ lý kim phiên dịch cho giám đốc nhà máy. Ở đây nó phải học lại cách hành văn trong công việc, viết mail, báo cáo sếp bằng tiếng Nhật qua công việc, qua mạng … Càng phải học cách trình bày vấn đề, cách im lặng lắng nghe, cách đối nhân xử thế trong công việc với sếp Nhật, sếp Việt, đồng nghiệp… Và phải học cách chuyển ngữ từ Nhật sang Việt. 

    Nó nhận ra rằng, tiếng Nhật giỏi vẫn chưa đủ, cần giỏi cả tiếng Việt mới có thể phiên dịch. Cần phải hiểu ngữ cảnh để hành văn chính xác, không thể dịch từ word sang word. Vậy là nó lại học lại tiếng Việt từ đầu! Nghe trớ trêu nhưng người Việt chưa chắc đã trình bày để đối phương dễ hiểu, chưa chắc đã biết hết từ chuyên môn tiếng Việt. Học tiếng mẹ đẻ lần này, nó dồn hết tâm trí để đọc báo, sách chuyên ngành, cách trình bày vấn đề ngắn gọn, súc tích.  
    Tranh thủ "sống ảo" trước khi làm MC song ngữ Nhật - Việt.

    Tuyết đã ngừng rơi, nó choàng tỉnh, xâu chuỗi tất cả những gì mình đã làm trong hơn mười năm học, sử dụng tiếng Nhật có “lúc lên voi” cũng có “khi xuống chó” của bản thân. Mỗi giai đoạn sẽ phải áp dụng những cách học khác nhau. Nhưng quan trọng là nó luôn giữ “trái tim” khát khao học hỏi, tìm động lực gắn liền với “sự sinh tồn” để thúc đẩy học hỏi, tạo môi trường ứng dụng những gì đã học, phải ôn tập thường xuyên. Tự hào, tự đắc chỉ làm nó chùn bước nhưng âu cũng là cần thiết để một lúc nào đó nó nhìn ra và tiếp tục cố gắng! Tựa như khi mệt mỏi thì nghỉ giải lao để có sức đi tiếp. 

    Tiếng Nhật rất khó nhưng có cách chinh phục! Nó xem việc chinh phục tiếng Nhật như leo núi, không ai có thể leo lên đỉnh núi được liền trong một nốt nhạc, mà phải leo từng bậc từng bậc một. Nói tiếng Nhật chuẩn, tự nhiên cực khó nhưng rất nhiều đàn anh, đàn chị đã làm được nên nó sẽ làm được. 
    Vì sao ư? Vì nó là đứa “lì như trâu và liều như diều hâu”.
    Hành văn chuẩn như người Nhật à? Chuyện nhỏ !!! 
    Nó sẽ làm được !!!!!

    Tokyo êm ả đêm buông lơi
    Dòng ngược xuôi biết bao người tất tả
    Kiếp mưu sinh vất vả tựa đàn ong
    Góp mật ngọt dựng xây tương lai mới
    (~by Miiko~)
    Miiko/ kilala.vn

    27/10/2017

    Bài: Miiko Chan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!