NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những tác giả tiêu biểu của văn học thời Taisho

    Những tác giả tiêu biểu của văn học thời Taisho

    Trong lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại, thời đại Taisho (1912 - 1926) được nhìn nhận là thời kỳ đặc trưng bởi hệ tư tưởng nghệ thuật tự do, chủ nghĩa cá nhân, tinh thần dân chủ, chủ nghĩa duy mỹ và chủ nghĩa phản tự nhiên. Với một loạt những biến động và đổi mới, Taisho là cái nôi sản sinh ra nhiều tác giả xuất sắc bậc nhất văn đàn xứ Nhật, và dưới đây là một số tên tuổi tiêu biểu.

    Yosano Akiko (1878 – 1942)

    Yosano Akiko là nhà thơ tanka nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử văn học hiện đại nước Nhật, được mệnh danh là “Nữ thi sĩ của đam mê”. Bà sinh ra trong gia đình kinh doanh bánh kẹo nổi tiếng Surugaya ở thành phố Sakai, tỉnh Osaka vào năm 1878. Bà kết hôn với nhà văn Yosano Tekkan và là mẹ của 11 người con.

    Tác phẩm nổi tiếng nhất của Yosano Akiko là tập thơ Midaregami (Tóc rối) xuất bản năm 1901, nói về tình yêu vô bờ bến của nữ thi sĩ dành cho chồng và những cảm xúc tươi mới của tuổi trẻ. Tác phẩm lúc bấy giờ đã làm chấn động văn đàn vì những miêu tả thẳng thắn về đam mê của phụ nữ cũng như khía cạnh tình dục lẫn tinh thần trong tình yêu. Midaregami được thế hệ trẻ yêu thích và được xem như một kiệt tác của Chủ nghĩa lãng mạn.

    akiko-yosano
    Nhà thơ Yosano Akiko. Ảnh: Wikipedia

    Là một người tận tụy với văn học, bà cũng đã cống hiến cuộc đời mình để dịch những tác phẩm kinh điển như Genji Monogatari (Truyện kể Genji) sang tiếng Nhật hiện đại. Yosano cũng là tác giả của vô số bài luận về quyền phụ nữ và đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục dành cho nữ giới. Bà đã góp công thành lập Bunka Gakuin, ngôi trường thực hiện chương trình giáo dục bình đẳng giới đầu tiên của Nhật Bản, vào năm 1921.

    Nagai Kafu (1879 – 1959)

    Nagai Kafu là con trai của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ, ông sinh ra tại phường Bunkyo, Tokyo vào năm 1879. Thời thơ ấu, Nagai theo học tại một trường dạy tiếng Trung và kể từ năm 1890 ông cũng bắt đầu học tiếng Anh.

    Truyện ngắn đầu tiên của Nagai Kafu là Sudare no tsuki (Mặt trăng sau rừng tre), xuất bản năm 1898. Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tự nhiên Pháp và Émile Zola.  

    Ông dành năm 1903 ở Hoa Kỳ và 1907 ở Pháp với tư cách là sinh viên văn học. Khoảng thời gian này, ông đã viết và xuất bản Amerika monogatari (Chuyện nước Mỹ) vào năm 1908 và Furansu monogatari (Chuyện nước Pháp) vào năm 1909 - hai tác phẩm giúp tạo dựng chỗ đứng của ông trong giới văn chương. Sau khi trở về Nhật Bản, Nagai trở thành Giáo sư Văn học ở Đại học Keio, Tokyo.

    Tác phẩm của ông mang tính duy mỹ và gắn liền với chủ nghĩa hiện thực, thường pha trộn các yếu tố tự truyện với nỗi hoài niệm khắc khoải về văn hóa, tập quán xã hội và phong cách của thế kỷ 19.

    Những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Nagai là Sumidagawa (Sông Sumida) năm 1909, Udekurabe (Đọ sức) năm 1916 - 1917 và Bokuto kidan (Chuyện lạ bờ đông) năm 1937.

    nagai-kafu
    Nhà văn Nagai Kafu.

    Xem thêm: Taisho: Thời đại giao thoa văn hóa – nghệ thuật – kiến trúc Nhật Bản với phương Tây

    Tanizaki Junichiro (1886 – 1965)       

    Tanizaki nổi tiếng với những tác phẩm đậm tính thẩm mỹ về tình yêu, nỗi ám ảnh và sức mạnh hủy diệt của tình dục, về những người phụ nữ gợi cảm và mạnh mẽ, có tài thao túng tâm trí. Nhà văn thường kết hợp tư tưởng phương Tây và truyền thống Nhật Bản vào trong tác phẩm của mình.

    Tanizaki sinh ra trong một gia đình thương gia khá giả sở hữu một xưởng in ở Nihonbashi, Tokyo. Sự nghiệp của nhà văn bắt đầu khi ông thành lập tạp chí văn học Shinshicho (Tư tưởng mới) cùng với các bạn văn vào năm 1910. Tại đây, ông xuất bản truyện ngắn đầu tiên Shisei (Thợ xăm).

    tanizaki-junichiro
    Nhà văn Tanizaki Junichiro.

    Sau trận Đại động đất Kanto năm 1923, ông chuyển đến vùng Kansai và xuất bản các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện đại như Chijin no Ai (Tình khờ) vào năm 1924-25 và tiếp tục cho ra đời những kiệt tác như Shunkinsho (Chân dung nàng Shunki) vào năm 1933. Trong chiến tranh, ông tiếp tục bí mật viết cuốn tiểu thuyết dài Sasameyuki (Mong manh hoa tuyết) và hoàn thành vào năm 1948.

    Bên cạnh sáng tác văn chương, từ năm 1935 đến năm 1965, ông đã dịch Genji Monogatari (Truyện kể Genji) sang tiếng Nhật hiện đại và đưa ra ba phiên bản khác nhau. Bút lực nhà văn vẫn mạnh mẽ ngay cả trong những năm cuối đời.

    Tanizaki Junichiro được trao tặng Huân chương Văn hóa vào năm 1949. 

    Akutagawa Ryunosuke (1892 – 1927)

    Akutagawa được mệnh danh là “cha đẻ của truyện ngắn Nhật Bản”. Cuộc đời chỉ vỏn vẹn 35 năm với sự nghiệp viết lách gói gọn trong thời Taisho, nhưng những thành tựu nhà văn để lại vẫn lớn đến mức giải thưởng văn học danh giá bậc nhất Nhật Bản – Giải thưởng Akutagawa – được mang tên ông.

    Với ngòi bút sắc bén, ông khám phá nhiều chủ đề phức tạp như bản chất của thực tại và tính hai mặt của đời sống con người, những điều này đã góp phần tạo nên tác động lâu dài của ông với tư cách là một nhân vật văn học quan trọng ở Nhật Bản lẫn nước ngoài.

    Akutagawa sinh ra tại Tokyo trong một gia đình doanh nhân sở hữu doanh nghiệp sản xuất sữa. Mẹ ông bị bệnh tâm thần vài tháng sau khi ông chào đời, vì vậy ông được nhận nuôi bởi người cậu Akutagawa Dosho và lấy họ ngoại.

    akutagawa-ryunosuke
    Nhà văn Akutagawa Ryunosuke.

    Sau khi tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Tokyo ngành Văn học Anh, ông làm giảng viên tiếng Anh bán thời gian tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân. Cùng với những người bạn của mình là Kikuchi Kan và Kume Masao, ông thành lập tạp chí văn học Shin Shicho, nơi ông xuất bản kiệt tác truyện ngắn Rashomon vào năm 1915. Năm 1916, ông viết Hana (Cái mũi) và được văn hào Natsume Soseki hết mực khen ngợi.

    Kể từ năm 1919, ông dành toàn thời gian cho hoạt động văn học với tư cách là biên tập viên cho tòa soạn Osaka Mainichi Shimbun. Các tác phẩm cuối cùng của Akutagawa bao gồm Kappa, một câu chuyện châm biếm dựa trên sinh vật cùng tên trong văn hóa dân gian Nhật Bản, Haguruma (Bánh răng), Aru aho no issho (Cuộc đời một kẻ ngốc). Năm 1927, ông tự sát ở tuổi 36.

    Kikuchi Kan (1888 – 1948)

    Kikuchi Kan sinh ra tại Takamatsu, tỉnh Kagawa và đến thời trung học thì chuyển tới Tokyo. Năm 26 tuổi, ông đến Kyoto và theo học Khoa Văn học Anh tại Đại học Hoàng gia Kyoto. Ở trường đại học, ông tham gia xuất bản tạp chí Shinshicho và sau khi tốt nghiệp thì trở thành ký giả cho Jiji Shinpo.

    Trong thời gian làm việc tại tòa soạn, ông đã được giới văn học biết đến nhờ các truyện ngắn như Mumei Sakka no Nikki (Nhật ký của một nhà văn vô danh). Phong cách của Kikuchi nổi bật với cách xây dựng chủ đề rõ ràng và lối diễn đạt thông minh.

    Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông là các vở kịch Okujo no kyojin (Người điên trên mái nhà) năm 1916, Chichi kaeru (Người cha trở về) năm 1917 và tiểu thuyết Shinju Fujin (Quý bà ngọc trai) năm 1920.

    kikuchi-kan
    Nhà văn Kikuchi Kan. Ảnh: ndl.go.jp

    Năm 1923, ông thành lập công ty Bungei Shunju và tạp chí cùng tên. Ông cũng là người sáng lập Hiệp hội Nhà văn Nhật Bản vào năm 1926 và trở thành chủ tịch đầu tiên của hiệp hội này. Ngoài ra, Kikuchi Kan còn được biết đến với việc sáng lập những giải thưởng văn học danh giá bậc nhất xứ Phù Tang, bao gồm: Giải thưởng Akutagawa, Giải thưởng Naoki và Giải thưởng Kikuchi Kan. 

    Mời bạn đọc thêm những bài viết về thời kỳ Taisho tại đây.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!