Uesaka – nhà sản xuất tạ nổi tiếng, từng được sử dụng tại 6 kỳ Olympic

    Các tạ do Uesaka, một công ty ở Sumida, Tokyo, sản xuất, đã được sử dụng tại sáu Thế vận hội Olympic và được các vận động viên cử tạ chuyên nghiệp và nghiệp dư trên toàn thế giới lựa chọn, cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một công ty nhỏ.

    Nằm dưới bóng của tòa tháp Tokyo Skytree mang tính biểu tượng, khu vực Honjo của Sumida ở Tokyo nằm ở trung tâm quận Shitamachi là nơi tập trung các doanh nghiệp gia đình và Machi Koba (các xưởng sản xuất nhỏ). Những doanh nghiệp này đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy và duy trì danh tiếng của Nhật Bản trên toàn thế giới, bởi tay nghề cao, chất lượng tốt.

    Một trong những công ty này là Uesaka TE, nhà sản xuất tạ hàng đầu thế giới. Thiết bị của công ty đã được sử dụng trong các sự kiện cử tạ tại ít nhất sáu Thế vận hội, kể từ Thế vận hội Tokyo năm 1964, tiếp đến là Seoul năm 1988, Barcelona năm 1992, Atlanta năm 1996, Sydney năm 2000 và Athens năm 2004.

    Tạ Uesaka

    Ảnh: Nippon

    Không những thế, các thiết bị của họ cũng được sử dụng cố định trong phòng tập luyện của các đội chuyên nghiệp trong nhiều môn thể thao khác, bao gồm nhà vô địch giải bóng đá Ngoại hạng Anh Manchester City và các đội bóng chày Nhật Bản như Fukuoka SoftBank Hawks và Yomiuri Giants. Đồng nghĩa với việc cái tên Uesaka không chỉ quen thuộc với những người tập cử tạ mà còn đối với những VĐV thể thao trên toàn thế giới. 

    Nắm bắt cơ hội để chuyển mình

    Tiền thân của công ty hiện tại được thành lập với tên gọi Uesaka Tekkojo vào năm 1929. Người sáng lập công ty, Uesaka Kyusaka, đã rời quê hương ở Toyama để đến Tokyo và thành lập công ty sản xuất các bộ phận kim loại cho ngành xây dựng. Nhưng 4 năm sau, công ty bắt đầu chuyển hướng sang việc sản xuất dụng cụ thể thao.

    Đến năm 1947, ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Uesaka Kyusaka nhận được một yêu cầu có tác động đến tương lai của công ty, đại diện của lực lượng Hoa Kỳ khi đó đang chiếm đóng Nhật Bản đã liên hệ với công ty với mong muốn có 300 bộ tạ cho mục đích huấn luyện.

    Uesaka

    Một quảng cáo tạ Uesaka trên đường phố Nhật Bản. Ảnh: Pedal-strike

    Vào thời điểm đó, tạ chưa được biết đến và ít được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, đồng nghĩa với việc công ty của Uesaka chưa bao giờ sản xuất một bộ tạ nào trước đó. Việc chế tạo các thanh tạ tỏ ra khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng của bất kỳ ai trong công ty. Bản chất của cử tạ có nghĩa là các thanh tạ thường bị ném xuống đất một cách mạnh mẽ, khiến trục bị gãy hoặc uốn cong do sức căng. Để tạo ra những thanh tạ có thể chịu được những cú sốc này liên quan đến tất cả các loại thách thức kỹ thuật. Kyusaku và các cộng sự bắt đầu suy nghĩ nhiều ngày đêm để tìm ra phương pháp.

    Những ngày tháng vất vả đó đã được đền đáp xứng đáng khi đến năm 1953 công ty được Hiệp hội cử tạ Nhật Bản công nhận là nhà sản xuất được chứng nhận chính thức. Năm 1958, tạ đòn của công ty được sử dụng tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ ba, tổ chức tại Tokyo.

    Olympic

    Ảnh: Pedal-strike

    Với điều này, Uesaka đã cho thấy chất lượng hàng đầu của các sản phẩm của mình và danh tiếng của nó đã được tạo dựng trong số những vận động viên cử tạ hàng đầu trên khắp Nhật Bản và khắp khu vực châu Á.

    Đến năm 1964, Olympic được tổ chức tại Tokyo. Lúc này, Uesaka đã nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất dụng cụ thể thao hàng đầu của Nhật Bản và sự kiện thể thao này càng làm gia tăng vị thế của công ty trên trường quốc tế. Uesaka được thuê để thiết lập và điều hành các khu vực tổ chức các sự kiện ở bốn hạng mục: cử tạ, điền kinh, bơi lội và quyền anh. Công ty đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Thế vận hội Olympic.

    Tuy nhiên, người sáng lập công ty đã không sống để chứng kiến khoảnh khắc vinh quang này vì ông đã qua đời 2 năm trước khi Olympic diễn ra. Uesaka Tadamasa, ngày nay là chủ tịch thế hệ thứ ba của công ty, ra đời ngay sau sự mất mát này. Tadamasa không có ký ức cá nhân nào về Thế vận hội Tokyo, nhưng nhớ những câu chuyện mà cha mẹ ông đã kể cho anh về thời điểm quan trọng này trong lịch sử của công ty.

    tạ

    Ảnh: uesakabarbell

    “Đó là khoảng thời gian bận rộn của công ty. Chúng tôi đã giúp sản xuất và thiết lập tất cả các loại thiết bị cho Thế vận hội, từ ván lặn đến hộp đựng lưới. Vào thời điểm đó, dây thừng dùng để phân làn trong bể bơi được làm bằng gỗ. Tôi nhớ mẹ tôi đã nói với tôi rằng bà đã giúp phủ một lớp sơn bảo vệ lên những mảnh gỗ như thế nào”, Uesaka Tadamasa chia sẻ về một phần ký ức mà ông được kể lại.

    Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn Nhật Bản ở thời kỳ bùng nổ dân số, càng làm tăng nhu cầu về các thiết bị thể thao ở trường học như: hộp nhảy, thảm, lưới bóng chuyền, cột… Nhu cầu dường như tăng lên rõ rệt từng ngày. Công ty đã mở rộng sản xuất hầu hết các loại dụng cụ thể thao mà bạn có thể tưởng tượng. Và không chỉ là trường học, còn có thiết bị cho các cơ sở thể thao. Có thể nói rằng sản phẩm của Uesaka có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu.

    [subscribe]

    Thay đổi hoạt động để phù hợp nhu cầu thị trường

    Đến những năm 1990, mọi người bắt đầu lo ngại về tỷ lệ sinh giảm. Khi Tadamasa đảm nhận vị trí chủ tịch công ty vào năm 1996, chỉ 1 năm sau đó, lần đầu tiên số người già ở Nhật Bản vượt qua số trẻ em.

    Tadamasa quyết định đã đến lúc thay đổi định hướng hoạt động của công ty. Vào ngày 26/03/1996, công ty “tái sinh” với tên gọi Uesaka TE. Tadamasa cũng quyết tâm từ bỏ con đường mà cha ông đã theo đuổi, khi công ty chịu trách nhiệm sản xuất hơn 2.000 sản phẩm khác nhau, để chuyên môn hóa sản phẩm với mục đích trở thành một thương hiệu hàng đầu trong một lĩnh vực hẹp hơn.

    Tadamasa

    Chủ tịch hiện tại của công ty - Uesaka Tadamasa. Ảnh: Nippon

    Sản phẩm mà Tadamasa quyết định tập trung phát triển là tạ - sản phẩm mà ông nội của ông đã dày công sản xuất vào những năm 1940 và tạo ra vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đó. Trong số tất cả các thiết bị thể thao do công ty sản xuất vào thời điểm đó, tại sao lại quyết định chuyên về tạ đòn, thứ hầu như không phải là vật dụng quen thuộc hàng ngày đối với hầu hết mọi người ở Nhật Bản lúc bấy giờ và ngay cả bây giờ?

    “Ở Nhật, cử tạ là thứ bạn ngồi xuống và yên lặng xem. Bạn có thể cho một tràng pháo tay nếu vận động viên thực hiện động tác nâng thành công. Ở Mỹ thì hoàn toàn khác. Ngay cả tại Thế vận hội, họ vẫn mở nhạc lớn và tiếng hò reo vang dội mỗi khi một vận động viên bước vào đấu trường. Tôi cho rằng một phần là do tính cách cởi mở hơn của người Mỹ. Nhưng đó cũng là bởi vì việc tập luyện với tạ đã ăn sâu vào văn hóa ở đó rất nhiều. Chứng kiến sự cạnh tranh trực tiếp ở Atlanta đã thực sự mang lại cho tôi cái nhìn về tiềm năng của thị trường Mỹ”.

    phòng tập

    Một số thiết bị của Uesaka được sử dụng tại Đại học Aichi Gakuin. Ảnh: Nippon

    Tadamasa cũng nhận được một bức thư đến từ Boyd Epley - một huấn luyện viên nổi tiếng và chuyên gia rèn luyện sức mạnh, người giám sát các chương trình điều hòa thể thao tại Đại học Nebraska. Ông ấy đã trải nghiệm thanh tạ của Uesaka lần đầu tiên tại Atlanta và viết thư để nói rằng ấn tượng như thế nào về chất lượng sản phẩm của công ty.

    Điều gì làm nên chất lượng của tạ Uesaka?

    Một trong những nhân viên tại nhà máy ở Koshigaya, Saitama, nơi công ty sản xuất đĩa tạ, là Anastasios Pappas, người gốc Hy Lạp. Anh ấy quen Tadamasa tại Thế vận hội Athens năm 2004. Lúc đó anh ấy đang học tiếng Nhật và đến Nhật Bản vào năm 2009 để kết hôn với bạn gái người Nhật Bản.

    Tadamasa cho biết ông tuyển Pappas vào làm việc tại công ty vì bản thân Pappas là một vận động viên cử tạ đã về đích ở vị trí thứ ba trong giải vô địch quốc gia ở Hy Lạp, một điểm nóng lớn của môn thể thao này, và vì anh đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ trong các tổ chức cử tạ vòng quanh thế giới. Những VĐV cử tạ hàng đầu có một sự nhạy cảm đặc biệt với những thay đổi của trọng lượng, dù là nhỏ nhất.

    VĐV Pappas

    Cựu VĐV cử tạ Anastasios Pappas. Ảnh: Nippon

    Với sự tham gia của những cựu VĐV chuyên nghiệp có thể giúp Uesaka hiệu chỉnh trọng lượng của các trục của nó với độ chính xác cực cao và hướng tới mục tiêu không có sai số về trọng lượng tổng và trọng lượng trong từng trục riêng lẻ.

    Dù vậy, từ Olympic Bắc Kinh 2008, những sản phẩm của Uesaka dù tốt đến đâu vẫn “mất hút” ở giải đấu. Nguyên nhân chính là vì các nhà sản xuất thiết bị được lựa chọn không dựa trên chất lượng mà dựa trên số lượng hỗ trợ tài chính. Bất chấp quan niệm “vận động viên là trên hết”, thể thao đang ngày càng bị chi phối bởi lối suy nghĩ “kinh doanh là trên hết”. Là một công ty nhỏ do gia đình điều hành, Uesaka không có khả năng cạnh tranh tài chính với những gã khổng lồ toàn cầu.

    Tuy vậy, doanh số của Uesaka vẫn vang danh trên toàn thế giới ngay cả trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến điều này là vì giai đoạn này việc hạn chế tiếp xúc xã hội đã thúc đẩy những người yêu thể thao mua sắm thiết bị luyện tập tại nhà. Tạ là một lựa chọn phù hợp vì hiệu quả to lớn mà nó mang lại cũng như chiếm ít không gian.

    kilala.vn

    11/03/2023

    Bài: Natsume
    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!