Thiếu lao động, cửa hàng tiện lợi Nhật dừng mở cửa 24/24
Bên cạnh văn hóa, ẩm thực, lễ hội, hệ thống tàu điện ngầm, môi trường sống cực kỳ sạch sẽ thì một trong những điều gây ấn tượng nhất với du khách đến Nhật Bản là các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7 giờ. Tuy nhiên, các cửa hàng này có nguy cơ không thể hoạt động 24/7 nữa vì thiếu lao động.
Cửa hàng tiện lợi dừng mở cửa 24 giờ
Các doanh nghiệp đang phải cân nhắc giảm thời gian bán hàng tại các cửa hàng tiện lợi vì thiếu lao động. Cách đây không lâu, FamilyMart UNY Holdings Co cho biết, họ dự tính thay đổi và thử nghiệm giảm giờ hoạt động để đối phó với thực trạng trên.
Một cuộc tranh cãi gần đây giữa Công ty Seven-Eleven Nhật Bản và một trong những cửa hàng nhượng quyền đã đưa ngành dịch vụ cửa hàng tiện lợi vào tầm ngắm giữa lúc thiếu lao động nghiêm trọng trên toàn quốc.
Một cửa hàng nhượng quyền tại Higashiosaka, tỉnh Osaka, đóng cửa từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng sau khi kết thúc dịch vụ 24 giờ vào ngày 1 tháng 2 do thiếu lao động. Nhưng Seven-Eleven, một đơn vị của Seven & I Holdings Co., đã thúc ép cửa hàng này tiếp tục hoạt động 24 giờ mỗi ngày.Dịch vụ kéo dài 24 giờ của Seven-Eleven bắt đầu tại Nhật Bản vào năm 1975 tại một cửa hàng ở Koriyama, tỉnh Fukushima. Theo sau là các chuỗi đối thủ bao gồm Lawson Inc. và FamilyMart Co., một đơn vị của FamilyMart Uny Holdings Co.,
Ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi đã trở thành một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ Nhật Bản và hơn 90% trong số hơn 55.000 cửa hàng tại quốc gia này được mở suốt 24/7.
Dịch vụ 24 giờ chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào ban đêm, nhưng chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng nhấn mạnh cửa hàng của họ là một phần của cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm giúp ngăn chặn tội phạm vào ban đêm và cung cấp hàng hóa trong trường hợp thảm họa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều cửa hàng nhượng quyền đã gặp khó khăn khi hoạt động vào đêm khuya vì việc bảo đảm nhân viên bán thời gian trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh lao động toàn quốc đang thiếu.
Trong 3-4 năm qua, ngày càng có nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa vì thiếu công nhân chứ không phải vì thiếu doanh số.
Thiếu lao động trầm trọng
Với tỷ lệ thất nghiệp 2,3%, gần tương tự mức năm 1992, tình trạng thiếu lao động tại Nhật Bản đang được thấy rõ trên mọi lĩnh vực, từ xây dựng do nhu cầu lớn trước Olympics Tokyo 2020 cho đến chăm sóc sức khỏe cho dân số già. Do vậy, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự thiếu hụt này.
Theo một khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, 61% các chuỗi cửa hàng tiện lợi nhượng quyền kinh doanh cho biết không đủ lao động. Con số này tăng gấp ba lần so với năm 2014.
"Nhiều chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền cũng phải đứng ra bán hàng, có khi đến 16–18 tiếng mỗi ngày để duy trì hoạt động. Họ thực sự rất mệt mỏi", chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence - Thomas Jastrzab cho biết.
Nhiều cửa hàng được yêu cầu phải mở cửa 24 giờ vì điều này đã quy định trong hợp đồng nhượng quyền, với thời hạn có thể lên đến 15 năm. Trước đây, các thương hiệu như 7-Eleven rất cứng rắn khi buộc các cửa hàng nhượng quyền phải tuân thủ quy định thời gian hoạt động dù Nhật Bản khủng hoảng lao động trầm trọng.
Tuy nhiên, mọi việc đang thay đổi. Chuỗi FamilyMart có 16.000 cửa hàng tại Nhật Bản cho biết, sẽ thử nghiệm giảm thời gian hoạt động. 270 cửa hàng sẽ tham gia kế hoạch kéo dài nửa năm và bắt đầu từ tháng 6 này.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven đã thử nghiệm chương trình không mở cửa 24 giờ tại 10 cửa hàng mà hãng trực tiếp vận hành từ tháng trước. 7-Eleven sẽ cho phép các cửa hàng nhượng quyền thử mô hình hoạt động mới từ tháng này.
"Chúng tôi cần phải linh động trong cách nghĩ về thỏa thuận với khách hàng, các đơn vị nhượng quyền", Ryuichi Isaka - CEO Seven & i Holdings (chủ sở hữu 7-Eleven) cho biết cách đây vài tuần.
Theo Teikoku Databank, 153 doanh nghiệp tại Nhật Bản đã phá sản do thiếu lao động năm ngoái, tăng 44% so với năm trước đó.
Kilala.vn
24/04/2019
Cover: Japantimes, Bloomberg
Ảnh: Bloomberg, Nikkei Asian Review
Đăng nhập tài khoản để bình luận