Thành phố Tome dùng công nghệ để “giải cứu” ngành trồng lúa
Tỉnh Miyagi không chỉ là trung tâm kinh tế và văn hóa của vùng Tohoku phía đông bắc Nhật Bản, đất phù sa màu mỡ cũng khiến tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất gạo lớn nhất nước. Tuy nhiên, nơi đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, một trong số đó là vấn đề thiếu nhân lực do già hóa dân số, và biện pháp “cứu cánh” cho họ chính là công nghệ.
Sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng
Giống như hầu hết các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề già hóa dân số, khu vực trồng lúa ở thành phố Tome, tỉnh Miyagi cũng không ngoại lệ. Vì chỉ là một vùng nông thôn, sống bằng nghề trồng lúa nên lực lượng lao động chính ở đây là những người lớn tuổi.Tuy nhiên theo thời gian, họ dần già đi, còn thế hệ trẻ lại không muốn cuộc sống nông thôn nên đã dời lên thành phố, khiến lực lượng lao động bị thiếu hụt trầm trọng.
Tuy nhiên, đáng kinh ngạc là diện tích trồng lúa của Tome hầu như không thay đổi trong những năm qua. Bí quyết nằm ở việc chính quyền nơi đây tích cực giới thiệu công nghệ hiện đại nhất cho việc trồng lúa, đó chính là máy bay không người lái.
Việc sử dụng máy bay không người lái (drone) hiện đang là xu hướng của nhiều nền nông nghiệp trên thế giới. Tại Tome, drone được sử dụng để phun thuốc trừ sâu trên diện rộng và theo dõi các chỉ số, giúp người nông dân có thể quản lý cánh đồng rộng lớn với lực lượng lao động tối thiểu. Kết quả là năng suất trồng lúa của khu vực vẫn ổn định.
JA Miyagi Tome, hợp tác xã nông dân địa phương, là nơi thúc đẩy người nông dân áp dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp. JA không chỉ giúp đảm bảo các khoản trợ cấp của chính phủ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các trang trại khi giới thiệu công nghệ mới, họ còn đóng vai trò như một kênh để chia sẻ thông tin về kỹ thuật và bí quyết trồng trọt giữa những người nông dân.
Takeyama Tomoyuki, đại diện JA Miyagi Tome cho biết: “Mục tiêu chính của chúng tôi là duy trì mức sản lượng gạo hiện tại trong tương lai. Chìa khóa của điều đó nằm ở khả năng tự chủ động của người nông dân. Vì vậy, công việc của chúng tôi tại JA là tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các trang trại để họ có thể tự duy trì ruộng lúa tại địa phương mình."
Một máy bay không người lái gắn camera có thể đo những thay đổi về màu sắc và chiều cao của cây lúa. Dữ liệu định lượng về tăng trưởng cây trồng này giúp nông dân đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác về lượng và thời gian nên sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu một cách chi tiết chứ không dựa vào thói quen.
Điều quan trọng là nó còn giúp giảm bớt khối lượng công việc phun, xịt thuốc thủ công như ngày trước, vốn kéo dài hàng giờ đồng hồ và người nông dân phải mang theo những thùng nước nặng.
Không thể phủ nhận, việc áp dụng công nghệ khiến nhiều người trở nên hứng thú với nông nghiệp hơn, lĩnh vực mà trước đây họ không quá chú tâm.
Xem thêm: Nông trại thẳng đứng - “cứu cánh” cho vấn đề dân số và môi trường của Nhật
Tiến đến nền nông nghiệp sạch
Là một trong những “vựa lúa” của nước Nhật, Tome không chỉ hướng đến việc cung cấp sản lượng dồi dào mà mục tiêu lớn hơn là nâng cao vị thế sản phẩm bằng việc trồng trọt gắn với môi trường.Nguyên nhân chính nằm ở việc thói quen ăn uống của người Nhật ngày nay dần trở nên đa dạng hơn, họ có nhiều lựa chọn khác thay vì chỉ dùng đến cơm như ngày xưa. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gạo.
Vì thế chính quyền thành phố đã điều chỉnh lại phương pháp trồng lúa của mình, hướng đến cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dùng để thúc đẩy tiêu thụ.
Năm 2003, JA Miyagi Tome, chi nhánh địa phương của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA), đã đi đầu trong việc giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học sử dụng trên diện tích lúa. Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lượng hóa chất khác nhau được áp dụng cho cây trồng đã trở thành một đặc điểm nổi bật của gạo Tome.
Trong gần hai thập kỷ kể từ khi Tome nỗ lực thay đổi phương pháp, danh tiếng gạo của khu vực này đã tăng cao hơn nữa trên thị trường nội địa. Ngày nay, hơn 80% sản lượng lúa của Tome được trồng theo các tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường.
Năm 2018, JA Miyagi Tome bắt đầu xuất khẩu gạo và đến năm 2020, họ xuất khẩu được 2.000 tấn gạo ra nước ngoài, trở thành một trong những chi nhánh JA xuất khẩu gạo hàng đầu trên toàn nước Nhật. Nhu cầu về sản phẩm của Tome đang tăng lên không chỉ ở các thị trường Đông Nam Á như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan mà còn ở Úc và Hoa Kỳ.
Xem thêm: Gạo Nhật Bản: Trung tâm của ẩm thực truyền thống Washoku
kilala.vn
26/03/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận