Sự trỗi dậy của các “công ty xác sống” tại Nhật

    Các khoản vay để giải quyết những khó khăn tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra là cần thiết để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản, nhưng chúng cũng dẫn đến sự gia tăng số lượng “công ty xác sống”.

    Công ty xác sống là gì?

    “Zombie company” hay công ty xác sống là thuật ngữ được sinh ra tại Nhật Bản. Theo đó, trong “Thập niên mất mát – Lost Decade” ở thập niên 1990 khi kinh tế Nhật Bản trì trệ kéo dài, dẫn đến bong bóng kinh tế bị vỡ, tốc độ tăng trưởng ở Nhật giảm sút thì nhiều doanh nghiệp lúc ấy đã hoặc đang đứng trên bờ vực phá sản.

    Tuy nhiên, các công ty vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù rơi vào tình trạng phá sản, chẳng hạn như không thực hiện được các khoản thanh toán cần thiết, vỡ nợ do lỗ lũy kế, hoặc có nợ quá mức và liên tục giãn nợ, được gọi là “công ty xác sống”.

    zombie companies

    Ảnh: packagingsouthasia

    Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - The Bank for International Settlements xác định các công ty đủ “điều kiện” là xác sống bao gồm: ít nhất 10 năm tuổi và có tỷ lệ bao phủ lãi suất dưới 1 trong ít nhất ba năm liên tiếp. Dựa trên các tiêu chuẩn này, Teikoku Databank đã tính toán rằng tỷ lệ các công ty zombie ở Nhật Bản trong năm tài chính 2020 là 11,3%, tương đương 165.000.

    Sự trỗi dậy của “xác sống” nhờ chính sách kinh tế nhân đạo

    Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào năm 2008, nhiều công ty đã có thể tiếp tục hoạt động do sự ra đời của “Đạo luật tạo thuận lợi tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” vào năm 2009, có nghĩa là vào năm 2011, số lượng công ty xác sống đã tăng lên 273.000. Mặc dù chúng giảm dần sau đó, chững lại ở mức khoảng 140.000 công ty vào năm 2016, nhưng đã có sự gia tăng gần 20.000 công ty từ năm 2019 - 2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

    công ty xác sống

    Năm 2021 chứng kiến ít vụ phá sản nhất tại Nhật từ năm 1966. Ảnh: Teikoku Databank

    Theo Bloomberg, năm 2021, Nhật Bản có ít vụ phá sản nhất kể từ năm 1966. Điều này xảy ra bất hợp lý, khi thời gian qua chúng ta chứng kiến được sự suy yếu về hầu hết các ngành khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giao thương khó khăn, sức mua giảm. Nhưng việc hầu hết các công ty Nhật Bản còn trụ lại là do những chính sách của chính phủ để giữ cho doanh nghiệp hoạt động, người dân có việc làm. 

    Tuy vậy, các nhà kinh tế lại cảnh báo về mặt tối của sự việc, các khoản cho vay và trợ cấp không lãi suất cũng có thể giúp hỗ trợ các công ty vốn đã hoạt động kém hiệu quả trước cuộc khủng hoảng, tiếp tục hoạt động. 

    Xem thêmSự biến mất của đồ điện tử Made in Japan

    Nhà kinh tế học Shotaro Kugo tại Viện nghiên cứu Daiwa cho biết: “Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đã gặp vấn đề rằng môi trường làm việc năng suất thấp đang tạo ra nhiều công ty zombie hơn. Chúng làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng và thậm chí có thể làm giảm tác động của việc nới lỏng tiền tệ".

    kinh tế

    Ảnh: Japantimes

    Kể từ đỉnh điểm của đại dịch, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cho vay 830 tỷ đô la để giúp các công ty, số tiền này tương đương với việc có thể trang trải tất cả các khoản nợ của những công ty phá sản trong nước kể từ tháng 06/2002, theo so sánh giữa bảng cân đối kế toán của BOJ (Ngân hàng Nhật Bản) và dữ liệu từ Tokyo Shoko Research. 

    Đó cũng là một lý do lớn mà Nhật Bản đã vượt qua đại dịch tốt hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác, với tỷ lệ thất nghiệp không bao giờ vượt quá 3,1% và số vụ phá sản ít nhất kể từ năm 1966, thời kỳ mà tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản đang bùng nổ, số liệu từ công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho thấy điều đó.

    [subscribe]

    Kenichi Ueda, giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo, cho biết: “Thật đáng lo ngại khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục can thiệp, chính phủ nên để các ngân hàng quyết định hỗ trợ doanh nghiệp nào, thay vì cung cấp viện trợ chung. Đó là một sự lãng phí!"

    sở giao dịch chứng khoán

    Ảnh: Japantimes

    Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Fumio Kishida, việc quyết định thời điểm rút lại viện trợ sẽ khó khăn vì khi ông lên nắm quyền đã hứa hẹn một thương hiệu chủ nghĩa tư bản “tử tế và mềm mỏng” hơn. 

    Ông ấy sẽ không muốn làm bất cứ điều gì có thể bị coi là lấy đi sự hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, đặc biệt trong thời điểm các cuộc bầu cử sắp diễn ra vào mùa hè này và nền kinh tế vẫn còn đang bấp bênh.

    “Kishida hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng thu nhập, vì vậy tôi không mong đợi ông ấy sẽ thay đổi chính sách để hạn chế các công ty thây ma trong nhiệm kỳ của mình. Ngay cả khi điều này là cần thiết cho nền kinh tế lâu dài” – chia sẻ của Nhà kinh tế Yuki Masujima.

    kilala.vn

    17/08/2022

    Bài: Natsume
    Ảnh bìa: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!