Son Mayayoshi: Từ cậu bé nuôi heo trở thành tỉ phú Nhật

    Ông chủ Tập đoàn SoftBank sinh năm 1957, với tổng tài sản 22.6 tỷ USD, hiện được Tạp chí Forbes bình chọn là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản. Vị doanh nhân này đang dần trở thành mục tiêu phấn đấu của giới trẻ trong và ngoài Nhật Bản.

    “Cậu bé nuôi heo” trở thành tỉ phú giàu nhất Nhật

    Sinh ra trong một gia đình làm nghề nuôi heo ở khu ổ chuột làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu, cậu bé Masayoshi gốc Hàn phải chịu không ít sự kỳ thị của bạn bè khi tới trường. Chính vì vậy ông phải vất vả thuyết phục bố mẹ cho mình tới Mỹ vào năm 17 tuổi. Ngay khi nhập trường cấp 3 mới, ông đã tới gặp hiệu trưởng và khẳng định rằng mình đã biết hết mọi kiến thức trong sách giáo khoa và muốn được làm bài thi tốt nghiệp ngay lập tức.Masayoshi đã vượt qua bài thi và hoàn thành chương trình cấp 3 chỉ sau 2 tuần nhập học.

    (Ảnh: Business Insider)

    Năm 1978, chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học không có một đồng vốn, cũng chả có chút kiến thức gì về công nghệ, nhưng lại có thể tập hợp một nhóm các chuyên gia để rồi phát minh thành công một chiếc máy dịch thuật biết nói và bán lại cho tập đoàn Sharp với giá 100 triệu yên (gần 1 triệu USD). Không ai tin rằng câu chuyện này là có thật. Số tiền này cũng là cơ sở giúp ông tạo dựng công ty sau này.

    Từ một công ty nhỏ bé khởi đầu chỉ với vỏn vẹn 2 nhân viên tại một căn hộ chật chội ở Tokyo, Masayoshi Son sau này đã biến Softbank trở thành đế chế kinh doanh hàng đầu Nhật Bản với gần 70.000 nhân viên trên khắp thế giới. Trong giai đoạn từ 2009 – 2014, vốn hóa thị trường của Softbank đã tăng trưởng tới 557% - mức tăng trưởng cao thứ 4 trong lịch sử toàn thế giới.

    Đầu tư “đúng”, không hề “điên”

     Trong khi hai nhà mạng lão làng vẫn còn đang tung hô thiết bị di động made in Japan thì Son Masayoshi đã đến gặp Steve Jobs với bản thiết kế một chiếc điện thoại di động dựa trên mô hình của máy nghe nhạc Ipod. Thời điểm đó, Steve Jobs vẫn chưa nói với ai về ý tưởng sáng chế Iphone và Son Masayoshi cũng chưa bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động. Với tầm nhìn xa rộng ấy, năm 2006, ông đã thực hiện một thương vụ lớn – thu mua Vodafone của Anh, lấn sân sang thị trường điện thoại di động và nhận được lời hứa từ Steve Jobs cho ông quyền phân phối độc quyền Iphone tại Nhật vào năm 2008. 

    Ngày nay, Iphone đã trở nên quá phổ biến trong đời sống của người dân Nhật Bản. Nó đã thay đổi cuộc sống của người Nhật. Công ấy được ghi nhận bởi Son Masayoshi.(Ảnh: CNN)

    Khi Yahoo mới thành lập vào giai đoạn 1995, ông Son đã ngay lập tức tiếp cận lãnh đạo Yahoo, và chào mời mua gần 40% cổ phần công ty với giá 105 triệu USD. Đề nghị này đã làm chính sáng lập gia Yahoo – ông David Yang phải ngỡ ngàng. “Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên. Vì chỉ có điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần một công ty còn trứng nước” Nhưng Son đã đúng, với sự phát triển của Yahoo, khoản đầu tư của ông đã tăng lên hàng chục lần. 

    Hiện nay, SoftBank vẫn đang đầu tư vào vô số dự án start-up công nghệ trong nước và thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ như Snapdeal, Grab, SoFi, Didi Chuxing… Tinh thần khiêu chiến với thử thách, Son Masayoshi không chỉ giữ cho riêng mình, ông còn ủng hộ tinh thần và ước mơ của nhân viên cũng như các nhà khởi nghiệp thông qua 100 tỷ USD của Quỹ Vision Fund. Hiện đây là quỹ đầu tư tư nhân về công nghệ lớn nhất thế giới.

    Lập kế hoạch 300 năm cho công ty

    Son là doanh nhân bị ám ảnh bởi tương lai. Trong suốt buổi công bố kết quả kinh doanh tháng trước, ông đã lập ra kế hoạch kéo dài 300 năm cho Softbank. Theo kế hoạch này, tới năm 2040, Softbank sẽ đầu tư vào 5.000 công ty làm cơ sở cho những thế hệ kế nghiệp ông sau này. Theo bước tiến của công nghệ, 30 hay 50 năm là không đủ, 300 năm sau nền công nghệ thông tin vẫn phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao Son mơ mộng về một tập đoàn tăng trưởng trong 300 năm.

    Softbank đã hợp tác cùng Foxconn để tạo ra robot Pepper để học cách yêu thương mọi người. (Ảnh: Telegraph)

    Trong năm 2010, ông đã đặt một câu hỏi dành cho những người theo dõi mình trên Twitter rằng: “Điều đáng buồn nhất trong cuộc đời các bạn là gì?" Câu trả lời phổ biến nhất là cái chết, sự cô đơn và nỗi thất vọng. Nhận được quá nhiều lời phản hồi như vậy, Softbank đã thêm một mục tiêu vào triết lý kinh doanh của tập đoàn: Đảm bảo chắc chắn không ai phải cô đơn. Và kết quả là Softbank đã hợp tác cùng Foxconn để tạo ra robot Pepper để học cách yêu thương mọi người, đúng với phương châm hoạt động của SoftBank là mang hạnh phúc đến cho nhân loại thông qua cách mạng công nghệ thông tin. Triết lí kinh doanh, sự dũng cảm đi theo đam mê của ông thật sự là điều khiến bất cứ ai cũng phải học hỏi. 

    Ngọc Chân/ kilala.vn

    03/08/2017

    Bài: Ngọc Chân/ Cover: CNN

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!