Panasonic cho phép nhân viên chỉ đi làm 4 ngày trong tuần

    Panasonic là công ty Nhật Bản mới nhất “phá vỡ” văn hóa tham công tiếc việc của Nhật Bản khi cho phép nhân viên chỉ làm việc 4 ngày/tuần.

    Panasonic đã ra thông báo cho nhân viên của mình được phép làm việc 4 ngày trong tuần, để người lao động có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống. Đây là một thay đổi của tập đoàn nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, nơi số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tuần được rút ngắn.

    panasonic

    Ảnh: mashable

    Giám đốc điều hành Panasonic Yuki Kusumi chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng mình phải hỗ trợ hạnh phúc của nhân viên”. Ông cũng nói thêm, công ty dự kiến sẽ cho nghỉ thứ ba mỗi tuần, trong thời gian rảnh, nhân viên có thể tùy ý làm những gì họ muốn như: hoạt động tình nguyện, làm thêm một công việc phụ, học những kĩ năng mới.

    Công ty cũng đang tiến tới sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Điều này bao gồm việc khuyến khích nhiều nhân viên làm việc từ xa và cho phép người lao động tự do từ chối các công việc yêu cầu họ phải di chuyển.

    Người phát ngôn Airi Minobe của Panasonic chia sẻ với Mashable: “Hạnh phúc của nhân viên là ưu tiên hàng đầu. Điều cốt lõi của một doanh nghiệp đó là sự thấu hiểu giữa cấp quản lý và nhân viên. Chính vì thế, quyết định này được đưa ra dựa trên những cuộc thảo luận kĩ lưỡng."

    "Tuy nhiên đây chỉ là thông báo mở đầu, chúng tôi cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn để có thể đưa ra một chính sách chi tiết nhất, hướng tới quyền lợi người lao động. Việc triển khai quy định này sớm nhất sẽ là vào tháng 04/2023”, bà cho biết thêm.

    làm việc tại Nhật

    Ảnh: Business Insider

    Tuy nhiên, Panasonic từ chối đưa thêm thông tin về việc liệu những chính sách mới này có áp dụng cho tất cả nhân viên trên toàn cầu hay không, cũng như việc điều chỉnh giờ làm hoặc lương, thưởng để bù vào số ngày làm việc của người lao động.

    Theo Nikkei, Panasonic cùng một số công ty Nhật Bản như Shionogi & Co cũng hướng đến việc cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần. Ngoài ra, một số tập đoàn như Yahoo! Japan Corp. và Sompo Himawari Life Insurance Inc. cũng đang dần có những chính sách để hỗ trợ người lao động: cho phép nhân viên có thời gian chăm sóc trẻ em hoặc người lớn tuổi.

    [subscribe]

    Được biết đến với văn hóa làm việc căng thẳng, cuộc sống khắc nghiệt ở doanh nghiệp Nhật Bản đã làm gia tăng các bệnh về thể chất cũng như tâm lý. Và cả những trường hợp tự tử do áp lực công việc cũng không phải là hiếm tại quốc gia này.

    Tại Nhật Bản, một nhóm các nhà lập pháp đã thảo luận về đề xuất cho phép nhân viên nghỉ thêm một ngày, ngoài hai ngày nghỉ mỗi tuần, để bảo vệ sức khỏe của họ.

    Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Bộ Lao động, các công ty cho phép làm việc bốn ngày trong tuần vẫn là thiểu số: chỉ hơn 8% các công ty Nhật Bản được phép nghỉ nhiều hơn hai ngày (bao gồm thứ 7, Chủ nhật).

    Tuần làm việc bốn ngày là một “giấc mơ phù du” của người lao động do nền kinh tế phát triển, buộc mọi người phải gia tăng thời gian làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại cho thấy điều khác biệt.

    Vào năm 2021, Iceland đã báo cáo rằng thử nghiệm của họ về việc giảm thời gian làm việc trong tuần đã chứng kiến ​​những lợi ích đáng kể về hạnh phúc, sức khỏe của người lao động lẫn năng suất công việc.

    doanh nghiệp Nhật

    Ảnh: Nipponlink

    Microsoft Nhật Bản đã thử nghiệm một tuần làm việc bốn ngày và đạt được thành công lớn vào năm 2019, giúp tăng năng suất lên gần 40%. Công ty Perpetual Guardian của New Zealand đã chính thức chuyển sang tuần làm việc bốn ngày vào năm 2018, sau khi chứng kiến năng suất tăng 20% trong hai tháng thử nghiệm.

    Giảm ngày làm việc đã được thử nghiệm nhiều lần trên khắp thế giới trong nhiều năm, và luôn cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều bằng chứng về lợi ích của nó đối với người lao động và người sử dụng lao động, nhưng tuần làm việc ngắn hơn phần lớn vẫn khó để đạt được.

    Các công ty vẫn tiếp tục phủ nhận, cho rằng điều đó là không khả thi, rằng mình là một trường hợp đặc biệt và chính sách này sẽ không hiệu quả nếu được áp dụng cho ngành cụ thể của họ.

    kilala.vn

    14/01/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!