Nhờ đâu "Đế chế cửa hàng đồng giá" Nhật thành công?

    Khi cửa hàng đồng giá của Nhật Bản xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trước, người tiêu dùng nước ta mới dần dần biết đến mô hình kinh doanh mới mẻ này, để rồi khi có dịp đến xứ sở mặt trời mọc rất nhiều người trong chúng ta trở thành du khách nghiện cửa hàng 100 yên không thua gì người bản địa.

    cửa hàng đồng giá 100 yên DAISO

    Cửa hàng đồng giá 100 yên DAISO ở Tokyo (Ảnh: Masanao Toyoshima)

    Lịch sử thú vị với tiền thân là “Phiên chợ 10 hào”

    Vào năm 1926, nhằm kích cầu tiêu dùng trong thời kì tiền chiến đầy rối ren, chi nhánh tại Nagahori, Osaka của chuỗi “trung tâm bách hóa của mọi nhà” - Takashimaya - đã cho ra mắt hình thức bán lẻ mới có tên gọi “Phiên chợ 10 hào”, trong đó tất cả sản phẩm đều được bán với giá niêm yết đúng như tên gọi.

    Đến năm 1930, tiếp nối hình thức bán lẻ đầy triển vọng này, chi nhánh tại Nankai, Osaka đã khai trương “Cửa hàng 10 hào Takashimaya”. Đây được xem là tiền thân của cửa hàng 100 yên sau này. Nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người tiêu dùng nhờ đánh trực diện vào tâm lý “dễ mua - dễ tính”, chỉ sau 6 năm, thương hiệu này chính thức tách ra khỏi hệ thống Takashimaya để hoạt động như chuỗi cửa hàng bán lẻ độc lập và không ngừng gia tăng quy mô kinh doanh với hơn 50 cửa hàng trải dài từ Osaka, Kyoto, Nagoya cho đến Tokyo. Tuy nhiên, dù đang trên đà phát triển, tình trạng khan hiếm hàng hóa do ảnh hưởng nặng nề từ Đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939 - 1945) đã khiến cho những cửa hàng này “thất thủ”.

    cửa hàng 100 yên

    Cửa hàng 100 yên (Ảnh minh họa: Masanao Toyoshima)

    Sau gần 10 năm khôi phục, kinh tế Nhật Bản quay về quỹ đạo vốn có, đời sống nhân dân dần trở nên ổn định, nhu cầu tiêu dùng cũng vì thế mà ngày càng tăng. Vào khoảng những năm 1960, tiểu thương trong các khu chợ và siêu thị bắt đầu thử nghiệm hình thức bán hàng đồng giá 100 yên, thường kéo dài khoảng 1 tuần và chỉ giới hạn ở một số mặt hàng nhất định.

    Đến năm 1985, nhà sáng lập công ty cổ phần Life, tỉnh Aichi khai trương cửa hàng đồng giá 100 yên đầu tiên và nhanh chóng được nhiều người biết đến rộng rãi với tên gọi “Hyaku-en shoppu” (100円ショップ). Từ đây, hình thức bán lẻ đồng giá đặc trưng của xứ sở hoa anh đào chính thức bước vào thời kỳ hoàng kim với sự ra đời của những “ông lớn” như Daiso, Can Do, Seria,. và cho đến ngày nay vẫn không ngừng chinh phục trái tim của nhiều du khách trên toàn thế giới.

    Chất lượng sản phẩm - sự tin tưởng vượt lên mọi định kiến

    Một trong những vấn đề nóng bỏng thường bị người tiêu dùng khó tính đem ra mổ xẻ chính là chất lượng sản phẩm. Nhiều du khách nước ngoài đọc thấy nhãn mác “Made in China” trên nhiều sản phẩm bày bán đã không khỏi ngạc nhiên vì “tại sao cửa hàng của Nhật lại bán đồ Trung Quốc”. Thật ra, lí do khiến những sản phẩm này có giá rẻ là bởi vì hầu hết chúng được sản xuất ngoài lãnh thổ Nhật Bản như Đài Loan, Hàn Quốc và tất nhiên chủ yếu là Trung Quốc.

    cửa hàng 100 yên

    Cửa hàng 100 yên thu hút nhiều đối tượng khách hàng từ trong đến ngoài nước (Ảnh: Masanao Toyoshima)

    Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt về vấn đề an toàn sức khỏe tại Nhật Bản khiến cho chuẩn nhập khẩu hàng hóa cũng vì thế mà được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, việc ghi chú chi tiết thành phần và tính năng sản phẩm như “sử dụng được trong lò vi sóng” hay “không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi” cũng giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng.

    sản phẩm đa dạng của cửa hàng 100 yên

    Sản phẩm với mẫu mã đa dạng là một trong những nét hấp dẫn của cửa hàng 100 yên (Ảnh: Masanao Toyoshima)

    Đã có rất nhiều thông tin bất lợi về chất lượng sản phẩm xuất hiện, nhưng bất chấp mọi tranh cãi, nhiều người tiêu dùng Nhật đã lên tiếng về việc họ không gặp bất cứ vấn đề về sức khỏe nào khi sử dụng hàng hóa mua tại cửa hàng 100 yên và hoàn toàn tin tưởng vào quy trình kiểm định chất lượng của các doanh nghiệp 100 yên trong nước, giúp sự việc dần lắng xuống. Tình trạng nhiều cửa hàng 100 yên “cháy hàng” vào mùa du lịch cao điểm cũng là một trong những minh chứng cho niềm tin tuyệt đối của các du khách nước ngoài đối với chuỗi cửa hàng này.

    cửa hàng 100 yên

    Sản phẩm với mẫu mã đa dạng là một trong những nét hấp dẫn của cửa hàng 100 yên (Ảnh: Masanao Toyoshima)

    TOP 3 thương hiệu đình đám

    DAISO

    Ra đời vào năm 1991, có quy mô lớn nhất trong các cửa hàng đồng giá với gần 3.000 cửa hàng trên khắp Nhật Bản và khoảng 1.400 cửa hàng ở 26 nước trên thế giới (số liệu tính đến năm 2015). Điểm mạnh của Daiso là số lượng hàng hóa khổng lồ, chủng loại phong phú, quan tâm đến phản hồi khách hàng và luôn chú trọng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Daiso hiện đã có mặt tại Việt Nam.

    Seria

    Với phương châm “Tạo nên cửa hàng 100 yên hoàn toàn khác biệt”, Seria tạo nét riêng cho thương hiệu của mình với cách bài trí không gian vô cùng thoáng đãng, rực rỡ, tươi vui nhờ vào việc gia giảm số lượng sản phẩm, chỉ tập trung vào các sản phẩm tiện ích cao, độc đáo. Ra đời vào năm 1985, tính đến tháng 10/2016, Seria đã mở khoảng 1.376 cửa hàng trên toàn quốc.

    Can Do

    Dù sinh sau đẻ muộn, thương hiệu ra đời vào năm 1993 này vẫn nhanh chóng ghi tên vào danh sách 3 chuỗi chửa hàng 100 yên được yêu thích nhất Nhật Bản. Sản phẩm tại Can Do không hề kém cạnh về mẫu mã, chủng loại, thậm chí những năm gần đây còn được nhiều người đánh giá là có nhiều hàng hóa nổi bật hơn hẳn.

    “Bí kíp sinh tồn” khi đến cửa hàng 100 yên

    cửa hàng 100 yên

    (Ảnh minh họa: Anh Nguyễn)

    Với tâm lý “chỉ có 100 yên”, (khoảng 21.000VND cả thuế), bạn sẽ dễ bị “tự dưng rỗng túi dù không mua gì nhiều”. Đây là vài bí quyết cho bạn:

    • Lập danh sách những thứ cần mua

    • Lên ngân sách để kiểm soát số lượng được phép mua

    • Nên tham quan một vòng để xem sơ toàn bộ sản phẩm

    • Luôn đặt câu hỏi: “Mua cho ai?”, “Dùng vào mục đích gì?”

    • Trước khi quyết định cho sản phẩm vào giỏ mua hàng, nên đi sang khu vực khác rồi hãy quay trở lại. Có thể sau khi đi hết một vòng, bạn sẽ cảm thấy không muốn mua sản phẩm khi nãy nữa!

    Lê Mai, Vy Yến/ kilala.vn

    31/05/2017

    Bài: Lê Mai, Vy Yến/ Ảnh: Masanao Toyoshima, Anh Nguyễn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!