Mio Imade và mối duyên với thủ công mỹ nghệ Việt
Có một người phụ nữ Nhật bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng với một người Việt. Cả hai cùng có niềm đam mê hàng thủ công mỹ nghệ Việt và cùng kinh doanh cửa hàng Kito Shop trên con phố Đồng Khởi sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Chị chính là Mio Imade - người đã dành toàn bộ tâm huyết vào từng món đồ thủ công tinh tế để tạo ra một không gian mua sắm thú vị cho các tín đồ hàng thủ công.
Có điều gì thú vị ở không gian này mà khách hàng thích thú, thưa chị?
Kito Shop vốn là cửa hàng kinh doanh đồ thủ công truyền thống Việt Nam. Chúng tôi có xưởng và những người thợ lành nghề để chế tạo ra những sản phẩm này, còn túi xách, quần áo và một vài món đồ thủ công sẽ do tự tay tôi và chồng thiết kế. Các mặt hàng gốm sứ đều là đồ cổ có niên đại từ hàng chục đến 100 năm trước do chồng tôi sưu tầm, chọn lọc. Ngoài ra, từ tháng 9 năm ngoái, chúng tôi còn mở không gian phục vụ bánh xèo truyền thống của Việt Nam. Tất cả nguyên liệu đều được chúng tôi chọn lọc kĩ càng, khẩu vị được điều chỉnh cẩn thận để du khách ngoại quốc có thể thưởng thức trọn vẹn. Chúng tôi hy vọng mọi khách hàng đến đây đều cảm thấy thích thú khi lựa chọn, hài lòng khi ra về với cảm nghĩ: “Thật tuyệt vì đã đến Việt Nam!”.
Cơ duyên nào đã đưa chị đến với loại hình nghệ thuật thủ công truyền thống?
Ngày còn nhỏ, trên tivi từng phát sóng chương trình “Tự do du lịch tại Việt Nam”, nhờ đó tôi mới biết chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước này và Việt Nam hiện đang rộng cửa đón chào du khách. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tà áo dài truyền thống của người Việt Nam. Cảm xúc trong tôi khi đó là sự cảm động khôn tả vì không nghĩ rằng trên thế giới lại có loại trang phục quyến rũ như thế này. Từ đó, tôi dần quan tâm đến cả văn hóa ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Các sản phẩm thủ công của Việt Nam thật sự rất đẹp, mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Đông – Tây. Tất cả đều sở hữu một nét quyến rũ độc đáo mà khó có thể tìm thấy ở bất kì quốc gia nào khác.
Trước khi kết hôn, chồng tôi đã kinh doanh tại phố Đồng Khởi này hơn 20 năm rồi, còn tôi thì kinh doanh cà phê – bar và cửa hàng đồ thủ công Việt Nam tại Tokyo. Khoảng 2 năm trước, tôi kết hôn và chuyển đến Việt Nam, trở thành bà chủ của cửa hàng này. Việc quản lý cửa hàng với tôi không có khó khăn gì, vấn đề là làm sao để truyền đạt ý tưởng, suy nghĩ của mình đến đội ngũ thợ và nhân viên. Do tôi hoàn toàn không biết tiếng Việt nên gặp rào cản rất lớn trong việc truyền tải chi tiết những yêu cầu của mình. Việc không ăn khớp với nhau và phải làm đi làm lại nhiều lần không phải là chuyện hiếm.
Vậy rào cản ngôn ngữ có khi nào khiến chị nản lòng chưa?
Rất nhiều là đằng khác. Quả nhiên vấn đề ngôn ngữ tạo ra rào cản quá lớn, khiến việc giao tiếp giữa tôi với chồng hay với đội ngũ nhân viên gặp trở ngại rất nhiều. Nhưng khi trông thấy những ý tưởng của mình thành hình hay khi khách hàng tỏ ra vui thích trước những sản phẩm do chính mình làm ra, tôi đều cảm thấy thật tuyệt vì mình đã lựa chọn và theo đuổi công việc này.
Nhưng để tiếp cận được với khách hàng khó tính, và nhận lại sự hài lòng từ họ, chắc hẳn chị có hướng đi riêng cho mình?
Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, chúng tôi luôn nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm có mẫu mã đẹp, mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Á – Âu để đáp ứng yêu cầu cao của thị trường quốc tế. Chất liệu sử dụng luôn đạt chất lượng tốt nhất để đảm bảo sản phẩm bền chắc, có tuổi thọ lâu dài. Chính những yếu tố đó là điểm cộng giúp sản phẩm của chúng tôi luôn nhận được sự đánh giá cao từ khách hàng.
Chị Imade chia sẻ: “Là người đã yêu mến Việt Nam hơn 20 năm nay, tôi nhận thấy rằng kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ, nhưng người dân lại ưa chuộng các trào lưu ngoại quốc (như thời trang,.) và xa rời văn hóa của chính đất nước mình. Chẳng hạn, trong cửa hàng của chúng tôi hiện có trưng bày rất nhiều đồ gốm Sông Bé, thứ mà hầu hết người ngoại quốc nhìn thấy đều sẽ rất thích thú bởi chúng in đậm dấu ấn giao lưu văn hóa Đông – Tây. Thế nhưng trước sự thờ ơ của người Việt Nam, rất có thể chúng sẽ biến mất sau vài mươi năm nữa. Chồng tôi là một người Nam Bộ, do vậy tôi đặc biệt yêu mến chất Nam Bộ trong các sản phẩm văn hóa truyền thống nơi đây. Vì lẽ đó chúng tôi vẫn đang đồng lòng với nhau trong việc bảo tồn các sản phẩm này để có thể lưu giữ hồn Việt mãi mãi cho hậu thế.”
kilala.vn
14/11/2018
Thực hiện: Inako/ Hình ảnh: Thảo Lê, Roan
Đăng nhập tài khoản để bình luận