Kỳ lạ hiện tượng kinh doanh khẩu trang đã qua sử dụng ở Nhật Bản
Những tưởng khẩu trang đã qua sử dụng không còn giá trị, nhưng người Nhật đã khiến nhiều người nước ngoài không khỏi ngạc nhiên khi biến chúng trở thành các mặt hàng bán chạy. Vậy ai sẽ mua chúng, và để làm gì?
Hiện nay một số người Nhật đang rao bán trực tuyến khẩu trang đã qua sử dụng, còn cả vết son môi lẫn nước bọt, ngay giữa thời điểm nhạy cảm khi đại dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn ra.
Xâm nhập thị trường khẩu trang cũ tại Nhật
Một nhân viên văn phòng khoảng 30 tuổi, sống tại Tokyo bắt đầu kinh doanh khẩu trang y tế đã qua sử dụng sau khi vô tình thấy một bài đăng bán mặt hàng này trên Twitter vào mùa hè năm 2021. Trước đó, cô đã bán quần áo và phụ kiện trên một ứng dụng bán hàng
second-hand, nên cô cho rằng khẩu trang cũ cũng chẳng khác gì so với những sản phẩm mình đang kinh
doanh.
Vào tháng 08/2021, nữ nhân viên có được đơn đặt hàng đầu tiên. Cô đã đăng ảnh chiếc khẩu trang mình sử dụng suốt cả ngày tại nơi làm việc và phòng tập gym, còn dính lớp trang điểm lẫn mồ hôi.
Cô giấu nhẹm tuổi thật và nói dối mình đang ở độ tuổi 20. Trong vòng 24 giờ sau khi đăng bài, cô nhận được yêu cầu mua hàng từ vài người. Sau khi thương lượng giá cả, cô đã bán được tổng cộng khoảng 4 chiếc khẩu trang/tháng với giá 500 yên (khoảng 88.000 VND) mỗi chiếc.
Tính đến hiện tại, nữ nhân viên văn phòng có ít nhất một khách hàng quen và doanh thu mỗi tháng của cô khoảng 3.000 yên (khoảng 500.000 VND).
Sau khi bắt đầu kinh doanh khẩu trang đã qua sử dụng, cô nhận được hàng loạt yêu cầu mua đồ lót và quần tất cũ. Nắm lấy cơ hội, cô cũng bán quần lót với giá khoảng 1.500 yên và quần tất từ 400 – 500 yên mỗi chiếc. Tổng cộng, cả ba mặt hàng trên mang về cho cô doanh thu khoảng 20.000 yên/tháng (khoảng 3.500.000 VND).
Điểm đáng chú ý là cô không tiết lộ ngoại hình thật của mình trên tài khoản Twitter cá nhân. Thỉnh thoảng, cô cũng nhận được các tin nhắn muốn gặp riêng nhưng cô chưa bao giờ đồng ý.
Để bán khẩu trang đã qua sử dụng, cô đăng bài trên Mercari, một ứng dụng mua hàng second-hand phổ biến tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Mercari cấm người dùng bán các sản phẩm vệ sinh đã được khui hộp. Để lách luật, cô đã đăng bán áo thun và nhiều sản phẩm khác rồi thương lượng riêng với khách.
Chia sẻ với tờ Mainichi, Mercari Inc. cho biết ngay sau khi xác nhận bất kỳ người dùng nào vi phạm điều khoản này, họ sẽ xóa sản phẩm và cảnh báo họ, cũng như yêu cầu người dùng xác nhận danh tính.
Bên cạnh nữ nhân viên văn phòng trên, một học sinh trung học cơ sở năm 3 cũng bắt đầu đăng bán khẩu trang đã qua sử dụng vào tháng 2 năm nay với nội dung “Bán khẩu trang cũ của một nữ sinh cấp 2", sau khi biết được bạn của mình cũng kinh doanh chúng.
Nữ sinh đã bán được 15 chiếc khẩu trang với giá 1.500 yên (khoảng 260.000 VND), kèm theo đó, cô cũng đã gửi một bức ảnh chụp lưỡi của mình theo yêu cầu của khách. Người khách này đã trả bằng tiền mặt cho cô. Thêm vào đó, nữ sinh cũng bán đồ lót cũ, nhưng chưa bao giờ gửi ảnh khỏa thân hay gặp riêng bất kỳ khách mua hàng trực tuyến nào.
Nữ sinh trung học chia sẻ: “Em thật sự không muốn làm điều này nhưng em lại không đủ tuổi để đi làm. Em làm vậy để kiếm tiền mua manga. Em cũng dự định sẽ chấm dứt việc này khi em lên cấp 3”.
Kinh doanh khẩu trang, đồ lót cũ có hợp pháp hay không?
Theo quy định pháp luật liên quan đến phát triển thanh thiếu niên tại từng tỉnh thành ở Nhật Bản, việc mua đồ lót đã qua sử dụng từ những người dưới 18 tuổi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, khẩu trang đã qua sử dụng vẫn chưa là mặt hàng bị cấm.
Chia sẻ với tờ Mainichi, một chuyên gia điều tra tội phạm cho biết: “Các quy định không tiên lượng được việc mọi người sẽ kinh doanh khẩu trang đã qua sử dụng. Tôi nghĩ sẽ rất khó để việc kinh doanh này trở thành hành vi phạm tội”.
Cùng lúc đó, Yasuo Sawai, cựu cảnh sát và luật sư chỉ ra một cá nhân buôn bán khẩu trang đã qua sử dụng có dính nước bọt thì có thể được coi là “buôn bán nước bọt của chính họ”, điều này vi phạm các quy định pháp luật.
Sawai tiếp tục cảnh báo mọi người rằng việc bán khẩu trang đã qua sử dụng có thể biến tướng thành việc bị buộc gửi ảnh khỏa thân và tiềm tàng hiểm họa từ bạo lực tình dục. “Mạng xã hội và các nhà điều hành ứng dụng bán hàng nên truyền bá các rủi ro như vậy đến với người dùng và xem xét việc phát triển một hệ thống cấm buôn bán khẩu trang đã qua sử dụng”.
kilala.vn
05/05/2022
Bài: Rin
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận