Đừng ngại dấn thân vào chuyên ngành hẹp, ít ai làm
Dấn thân vào một chuyên ngành hẹp là sản xuất đồ may mặc thể thao cao cấp cho người chuyên nghiệp ở các môn leo núi, trượt tuyết, thể thao mạo hiểm, khám phá hang động, chơi golf, phục vụ thị trường Châu Âu, Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản, anh Đỗ Thanh Bình - TGĐ CF Global Corporation đã chia sẻ với Kilala những bí quyết thành công trong nghề may vốn đối mặt với nhiều cạnh tranh trong khu vực và cả quốc tế.
Anh có thể cho biết điểm khác biệt của CF Global so với thị trường may mặc xuất khẩu nói chung?
Ở CF Global, chúng tôi chuyên sâu vào lĩnh vực đồ may mặc cao cấp, dùng các công nghệ đặc biệt như siêu âm, sóng điện từ, nhiệt, xung nhiệt để hoàn thiện sản phẩm thay vì sử dụng đường may, kim chỉ. Sản phẩm của chúng tôi là trang phục chuyên dụng phục vụ các môn trượt tuyết, leo núi, thám hiểm hang động, có tính chống nước, chống gió, đặc biệt bền chắc, mặc ấm nhưng thông thoáng, gọn nhẹ, tiện ích, thời trang, dễ di chuyển, do vậy phải dùng công nghệ đặc biệt, nếu may bằng kim chỉ thì nước và khí lạnh sẽ ngấm dần qua đó.
Dòng sản phẩm may mặc phục vụ thể thao mạo hiểm rất cao cấp và có đầu ra khá hẹp, vì sao anh lại chọn lĩnh vực này?
Sau khi tốt nghiệp, giai đoạn 1995 – 2003, tôi đã có quá trình làm việc cùng các hãng lớn như Puma, Nike, Adidas, nhờ vậy tiếp thu được rất nhiều ý kiến khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Từ đó tôi nhận ra nhu cầu và tiềm năng từ yêu cầu của người sử dụng, tuy nhiên đúng là các công ty ngại đầu tư, không phải vì tiền mà vì đầu ra của sản phẩm rất hẹp. Tôi quyết định tham gia vào thị trường này, vì mong muốn biến những ý tưởng của người sử dụng thành sản phẩm cho chính họ.
Việt Nam là xứ nhiệt đới, làm thế nào để anh nắm bắt được những yếu tố cốt lõi trong thiết kế, sản xuất các sản phẩm đa phần phục vụ cho mùa đông?
Tôi phải đi trải nghiệm thực tế, đi trượt tuyết để hiểu được nhu cầu của người sử dụng, đồng thời gặp gỡ và trao đổi thông tin với các nhà thiết kế của những tập đoàn đối tác ở nước ngoài, từ đó đóng góp ý tưởng cho bộ phận thiết kế. Ví dụ thương hiệu Descente (Mỹ), họ có thiết kế riêng, nhưng trong sản phẩm cuối cùng bán ra thị trường năm 2017, tôi đóng góp đến 70% ý tưởng và thiết kế trong đó. Tôi là người sản xuất, đồng thời kiêm luôn vai trò thiết kế, nghiên cứu phát triển, kết hợp cùng các bộ phận nguyên phụ liệu để chọn và tư vấn phù hợp cho khách hàng.
Đỗ Thanh Bình trong phân xưởng sản xuất ở làng lụa Hà Đông/ Ảnh: Lam Phong
Nếu chọn lựa, anh theo ý khách hàng hay người tiêu dùng? Và định hướng của anh cho dòng sản phẩm mình chọn sản xuất?
Tôi không sản xuất đơn thuần theo kiểu khách hàng yêu cầu gì thì mình đáp ứng theo họ, bởi khách hàng và người tiêu dùng cuối là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Tôi có quyền đặt ra giá trị cho riêng mình, khách hàng yêu cầu sản xuất theo lý của họ, nhưng tôi cũng kết hợp cả ý kiến người tiêu dùng vào sản phẩm, nhờ vậy tạo ra giá trị tối ưu, cân bằng giữa ý kiến khách hàng và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Định hướng của tôi là nếu làm sản phẩm may mặc, gia công thông thường sẽ gặp cạnh tranh rất lớn từ những tập đoàn nhà nước, mạnh tài chính, có nhiều hỗ trợ, tôi chắc chắn sẽ thất bại. Do vậy tôi phải tự chọn đường đi riêng, đó là tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù, công nghệ cao, giá trị thị trường lớn.
Trong danh sách đối tác của anh, ngoài những tên tuổi lớn từ Mỹ như Outdoor Research, Gander Moutain, Kappa, Titleist, Marmot, còn có những khách hàng lớn từ Nhật như Phoenix, The North Face (Japan), Itochu – Descente. Anh thấy thị trường Nhật và Mỹ có gì khác biệt?
Rất khác nhau. Người Mỹ thông thoáng, đơn hàng lớn, lợi nhuận cao, nhưng khi làm việc với người Nhật tôi nhận được giá trị vô hình khác ngoài lợi nhuận, đó là sự tinh tế, kỹ lưỡng, chuẩn mực, khuôn phép. Đây là những kỷ luật khác hẳn với phong cách làm việc của các đối tác Châu Âu, Úc, Mỹ.
Công đoạn thiết kế mẫu, biến ý tưởng của người sử dụng thành sản phẩm hoàn chỉnh/ Ảnh: Lam Phong
Những yêu cầu khắt khe của các đối tác Nhật có bao giờ làm anh thấy nản?
Cũng có lúc nản đấy, vì trong kinh doanh cần quyết đoán nhanh, nhưng người Nhật rất thận trọng, đến mức quá máy móc, do đó nhiều quyết định diễn ra chậm. Bù lại, văn hoá Việt – Nhật rất gần nhau, sự kỹ tính, khắt khe của người Nhật cũng là điều tôi xây dựng thành nếp văn hóa trong công ty. Tôi tin rằng nhân viên của tôi khi đã thực hiện được yêu cầu do người Nhật đề ra, thì không ngại bất kỳ khách hàng nào khác. Do vậy những đối tác đầu tiên tôi chinh phục là từ thị trường Nhật.
Những giá trị cộng thêm mà anh có được khi chinh phục những khách hàng khó tính từ Nhật Bản là gì?
Đó là khả năng tự hoàn thiện mình. Không phải cứ làm với người Nhật là mọi việc đều phải toàn vẹn. Trong sản xuất tôi cũng gặp sai sót, nhưng các đối tác Nhật yêu cầu rất cụ thể, ví dụ trong lô hàng có số lượng cả nghìn áo, lần đầu tiên họ cho phép sai 5 sản phẩm, sang năm sau rút xuống còn 3, và càng làm việc lâu với họ, sai số phải ít dần đi để tiến dần đến sự hoàn thiện.
Một sản phẩm của anh hẳn phải qua rất nhiều công đoạn trước khi hoàn thiện, làm thế nào để anh quản lý toàn bộ các công đoạn vốn đòi hỏi chuẩn mực cao?
Một chiếc áo từ ý tưởng, đến thiết kế, thực hiện, hoàn thiện sản phẩm phải mất đến vài trăm công đoạn, do đó tôi phân chia công ty thành các bộ phận, gắn với những quy trình chuyên biệt được kiểm soát chặt, và tôi phải làm chủ được cả chuỗi hệ thống đó theo nét văn hóa công ty mà tôi học được từ các đối tác Nhật. Khi từng công đoạn nhỏ nhất đạt chất lượng, thì tổng thể sẽ trở nên hoàn hảo.
Hợp tác với các thương hiệu quốc tế, giá thành sản phẩm cao, anh có bao giờ nghĩ đến việc phục vụ thị trường nội địa?
Bắt đầu khoảng vài năm trở lại đây thì dòng sản phẩm đồ thể thao cao cấp đang dịch chuyển hướng tiêu dùng sang thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam, vì du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động đang phát triển mạnh. Nhiều người cũng chọn đồ thể thao để tạo phong cách riêng, hợp dáng người và thời trang, cho dù họ không nhất thiết là đang chơi thể thao chuyên nghiệp. Do vậy thị trường trong nước cũng là một bước phát triển mà tôi nhắm đến trong tương lai bên cạnh hai thị trường chính là Nhật và Mỹ.
Sử dụng kỹ thuật và công nghệ tân tiến trong ngành may là một trong những yếu tố tạo nên giá trị của CF Global/ Ảnh: Lam Phong
Lam Phong/kilala.vn
13/09/2017
Bài và ảnh: Lam Phong
Đăng nhập tài khoản để bình luận