Công ty chứng khoán lớn của Nhật bị cáo buộc thao túng thị trường
Các công tố viên Tokyo đã truy tố SMBC Nikko Securities Inc. và 5 nhân viên của công ty với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, trong một bê bối giao dịch làm “rung chuyển” thị trường tài chính của quốc gia này.
Theo Bloomberg, các công tố viên đã quyết định truy tố công ty chứng khoán SMBC Nikko, trực thuộc tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và 5 giám đốc điều hành: Trevor Hill, Alexandre Avakiants, Teruya Sugino, Makoto Yamada, Shinichiro Okazaki liên quan đến viêc nâng giá thao túng thị trường, vi phạm Đạo luật về Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính.
Các cáo buộc được đưa ra sau nhiều tháng điều tra bởi Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) và Cơ quan Quản lý thị trường. Cơ quan giám sát chứng khoán đã bất ngờ kiểm tra đột xuất các văn phòng của SMBS Nikko từ tháng 6 năm ngoái.
Theo cáo trạng của Văn phòng công tố Tokyo, các quan chức trên đã sử dụng giao dịch độc quyền của SMBC Nikko từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2020 để mua số lượng lớn 5 cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu của Koito Manufacturing và Mos Food Services nhằm ổn định giá cổ phiếu bán ra. Đồng thời, can thiệp có chủ đích vào các giao dịch cổ phiếu trái quy định, làm ảnh hưởng đến tính công bằng của thị trường.
Phó Chủ tịch SMBC Nikko Toshihiro Sato cũng bị bắt vì thông đồng với nhân viên để mua cổ phiếu trái quy định vào tháng 04/2021. Theo các công tố viên, những hành động như vậy dẫn đến thao túng thị trường.
Shin Tamura, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết trường hợp này là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử tài chính hiện đại của Nhật Bản khi một công ty chứng khoán lớn của họ bị cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm nghiêm trọng Đạo luật về Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính.
Vụ việc đã làm tổn hại đến uy tín của SMBC Nikko, khi các nhà đầu tư tổ chức lớn và khách hàng khác tạm ngừng giao dịch với một trong những công ty môi giới lớn nhất của đất nước, khiến công ty bỏ lỡ việc bảo lãnh các giao dịch trái phiếu trị giá hàng tỷ đô la.
Vụ việc này cũng giáng đòn mạnh mẽ vào nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh cho vay truyền thống, trong bối cảnh lãi suất thấp duy trì nhiều năm tại công ty mẹ Sumitomo Mitsui Financial Group.
“Trách nhiệm của tôi là lấy lại niềm tin của đối tác bằng cách xây dựng và thực hiện các biện pháp cải tiến, bên cạnh xác định và phân tích nguyên nhân của những sai phạm đã xảy ra”, Chủ tịch SMBC Nikko - Yuichiro Kondo cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông cũng chia sẻ công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng và thực hiện "các bước kỷ luật nghiêm khắc" sau khi nắm bắt được sự việc. Ở giai đoạn này, thật khó để đo lường tác động tiềm tàng của vụ bê bối đến lợi nhuận của SMBC Nikko.
Với cáo trạng trên, “có thể công ty sẽ bị Cơ quan Dịch vụ Tài chính phạt tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh của họ”, theo Shoki Nagano, một nhà phân tích tại S&P Global Ratings.
Theo điều khoản trong Đạo luật Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính áp dụng với hành vi thao túng thị trường, một công ty có thể bị phạt đến 700 triệu yên (5,77 triệu USD) nếu phải chịu trách nhiệm hình sự.
Công ty cũng có thể mất nhiều hoạt động kinh doanh hơn, chẳng hạn như bảo lãnh phát hành trái phiếu và cổ phiếu cũng như các giao dịch mua bán. Các hoạt động bán buôn như vậy tạo ra 30% - 40% doanh thu của công ty.
Tuy nhiên, Nagano không đưa thêm bất cứ dự đoán nào về việc liệu bê bối có tác động đủ nghiêm trọng để khiến SMBC Nikko phải chịu lợi nhuận âm trong năm nay. Ông cũng cho biết, mảng kinh doanh bán buôn của SMBC Nikko chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu của SMFG, đồng nghĩa với việc quy mô của tác động cũng sẽ hạn chế.
kilala.vn
04/04/2022
Bài: Theo Bloomberg
Đăng nhập tài khoản để bình luận