Câu chuyện ấm áp phía sau chú gấu bông kích cỡ trẻ sơ sinh
Chúng trở thành niềm an ủi cho các bậc cha mẹ không may phải nói lời tạm biệt với đứa con bé bỏng của họ quá sớm.
Hơn 3.000 chú gấu bông được làm theo trọng lượng và kích cỡ của trẻ sơ sinh mỗi năm bởi nhà sản xuất thú bông nổi tiếng ở thành phố Okayama, tỉnh Okayama. Không chỉ nhằm kỷ niệm ngày ra đời của một “thiên thần nhỏ”, những chú gấu tí hon còn mang đến sự chữa lành cho những bậc phụ huynh phải trải qua nỗi đau mất con.
Ra đời vào năm 1995, thương hiệu Poche Cigogne thuộc công ty Brain Network, Nhật Bản trở thành nhà sản xuất gấu bông đầu tiên trên thế giới tạo ra loại gấu kỷ niệm "Memorial Bear” theo đơn đặt hàng với trọng lượng và kích cỡ tương đương một đứa trẻ sơ sinh. Trong tiếng Pháp, "Poche Cigogne" nghĩa là túi của con cò và logo thương hiệu là hình ảnh cò mang theo một chú gấu bông kích cỡ em bé. Nó ngụ ý về câu chuyện “cò mang em bé” quen thuộc ở các nước phương Tây. Trong đó, cò bay trên mái nhà với một túi vải và hạ cánh trước một ngôi nhà để trao đứa trẻ sơ sinh cho đôi vợ chồng, giống như trong phim hoạt hình Storks (Tiểu đội cò bay) năm 2016.
Tại xưởng của Poche Cigogne, hiện đang có 14 nghệ nhân miệt mài tạo nên các chú gấu bông kích cỡ trẻ sơ sinh mỗi ngày. Từ khi nhận đơn đặt hàng đến khi hoàn thành sẽ mất khoảng 2 tháng bởi mỗi sản phẩm đều khác biệt và đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ cao độ.
Ban đầu, thương hiệu phát triển dòng gấu bông kỷ niệm ngày trẻ ra đời hoặc để cô dâu, chú rể tặng cho các bậc sinh thành vào ngày tổ chức đám cưới như một món quà tạ ơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, công ty nhận được rất nhiều ý kiến từ khách hàng mong muốn có một dòng gấu bông tưởng nhớ những em bé sơ sinh đã qua đời.
Chị Chikako Shima, 42 tuổi, hiện đang là nhân viên chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại quận Naniwa, thành phố Osaka, đã mất con trai cả Kantaro khi bé chỉ mới 1 tuổi 5 tháng. Cô luôn muốn có một vật gì đó để tưởng nhớ, lưu lại những kỷ niệm với đứa con trai bé bỏng của mình vì sự ra đi đột ngột của bé khiến chị trải qua nỗi đau không thể nói thành lời. Vì vậy, chị Shima đã đặt một đơn hàng tại Poche Cigogne với yêu cầu làm một chú gấu bông cao 35cm, nặng 1,008 gram, đúng với kích thước bé Kantaro lúc mới sinh.
Khi nhận được món quà, chị Shima xúc động chia sẻ: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi lần đầu ôm gấu bông vào lòng. Nó gợi nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ”. Tuy nhiên, ban đầu, các thành viên trong gia đình lại tỏ ra lo lắng vì sợ rằng Shima sẽ bị phụ thuộc vào nó. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với tờ Mainichi Shimbun, chị tỏ bày rằng: “Tôi cảm thấy thật sự được chữa lành bởi chú gấu bông, dù hình dạng của nó khác với con người. Tôi có thể cảm nhận được con trai mình một cách gần gũi hơn qua chú gấu bông”. Chị Shima có vẻ rất thích việc mang theo chú gấu trong các chuyến đi của mình và cùng nhau ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc bốn mùa trong năm.
Akemi Ishiwa, 53 tuổi, hiện là Giám đốc của công ty Brain Network giải thích: “Mỗi vị khách đặt hàng gấu bông đều có một câu chuyện. Nghệ nhân của chúng tôi có thể hiểu được suy nghĩ và câu chuyện của họ qua thông tin nhận được từ khách hàng và từ đó đặt tất cả tâm huyết để làm nên gấu bông. Chúng tôi rất vui nếu những chú gấu bông kỷ niệm này mang đến niềm hạnh phúc cho khách hàng”. Đây thực sự là một ý tưởng kinh doanh đầy nhân văn khi phần nào giúp xoa dịu nỗi đau to lớn khi mất con của các bậc cha mẹ ở Nhật Bản.
kilala.vn
02/11/2021
Bài: Rin
Nguồn: mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận