Hè mát lạnh với món Hiyashi Chuka

    Nếu bạn đến Nhật và thấy các quán ăn treo biển “Ở đây có bán Hiyashi Chuka” thì nghĩa là mùa hè đã chạm ngõ trên đất nước này. Vì Hiyashi Chuka là món chỉ xuất hiện khi thời tiết dần nóng bức.

    Mì lạnh Hiyashi Chuka – hoa tuyết của ngày hè

    Nếu những bát mì Ramen, Soba nóng hổi sẽ sưởi ấm dạ dày bạn vào mùa đông lạnh giá, thì mì lạnh Hiyashi Chuka sẽ thỏa cơn thèm mì nhưng ngại nóng của bạn vào ngày hè. Một món mì không chỉ ngon miệng mà còn “ngon mắt” bởi cách trình bày đa sắc màu, chắc chắn sẽ lôi cuốn ánh nhìn của thực khách.

    hè mát lạnh

    Trước tiên, người ta luộc sợi mì cho chín rồi rửa dưới nước lạnh, cho lên dĩa và đặt vài viên đá vào mì để làm lạnh. Rau củ, thịt thà cũng được thêm vào để món ăn thêm phần hấp dẫn và đậm đà dinh dưỡng. Thịt thường là xúc xích, thịt nguội, xá xíu, thịt gà chiên. Rau thì sẽ chọn các loại rau quả mùa hè như dưa leo, cà chua, rong biển, ngô (bắp), cà rốt, có cả trứng rán thái sợi, trứng luộc… 

    Ăn mì phải có nước sốt. Loại nước sốt dùng cho mì lạnh Hiyashi Chuka có tên là Mentsuyu. Đó là hỗn hợp của giấm, nước tương shoyu, dầu mè goma, vừng… Món mì lạnh ăn kèm với nước sốt lạnh tạo nên cảm giác cực “đã” khi ăn vào ngày hè nóng bức.

    mì lạnh

    Xắn tay vào bếp làm món mì Hiyashi Chuka

    Thời tiết Việt Nam vào mùa hè cũng nóng không kém Nhật Bản. Thử vào bếp, làm món mì mát lạnh vừa dễ làm vừa nhiều dinh dưỡng này xem sao nhé!

    Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị gồm:

    - Mì (có thể là mì Soba, Ramen, Udon hoặc mì trứng).
    - Nước tương Tsuyu chuyên dùng để ăn mì lạnh (có bán ở các cửa hàng bán đồ Nhật).
    - Hành lá, gừng, rong biển, Wasabi (dành cho người thích Wasabi).
    - Trứng, cà chua, thịt (bất kỳ loại thịt nào bạn muốn), dưa leo hoặc bất cứ món gì bạn muốn cho thêm vào mì.

    món mì lạnh Hiyashi Chuka

    Cách làm như sau:

    Bước 1: Đun sôi mì. Thời gian để luộc chín mì tùy theo hướng dẫn trên bao bì. Trung bình khoảng từ 5 - 10 phút. 
    Bước 2: Khi mì được luộc chín thì tắt bếp, đổ mì vào rổ rồi xả với nước lạnh.
    Bước 3: Để mì ráo nước rồi bày ra đĩa. Cho thêm vài viên đá nhỏ để giữ độ lạnh.
    Bước 4: Thái nhỏ gừng, hành lá, rong biển để thêm vào bát nước tương tsuyu.
    Bước 5: Đối với các món ăn kèm theo mì, bạn chế biến tùy theo sở thích. Ví dụ bạn có thể chiên trứng rồi thái sợi nhỏ hoặc luộc trứng. Với dưa leo, bạn cắt thành sợi mỏng dài. Với thịt, bạn có thể chiên, luộc, kho hoặc đơn giản là dùng thịt nguội và thái từng lát nhỏ. 
    Bước 6: Cho tất cả nguyên liệu lên đĩa mì.
    Bước 7: Rưới nước tương vào đĩa mì, trộn đều và thưởng thức.

    kilala.vn

    13/08/2019

    Bài: KIM NGÂN / Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!