Lofi Girl: Cô gái vàng của làng chăm học
Trải qua nhiều thăng trầm kể từ ngày lập kênh, biểu tượng học bài Lofi Girl vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta qua mỗi mùa thi cử.
Nếu hay nghe nhạc trên YouTube, có thể bạn đã từng bắt gặp một kênh rất nổi tiếng là Lofi Girl (hay được gọi với tên thân mật là "cô gái học bài") với 11,5 triệu lượt đăng ký, tính đến đầu tháng 10/2022. Sự xuất hiện của kênh đã tạo ra xu hướng video nhạc Lofi bùng nổ trên Youtube, với hình nền đa dạng có nhân vật chính là một cô gái đang ngồi học bài.
Nhạc Lofi và cô gái biểu tượng
Lofi hay Lo-Fi là viết tắt của cụm từ Low Fidelity, nghĩa là “chất lượng thấp”. Nhạc Lofi có chất lượng âm thanh thấp với các khiếm khuyết có thể nghe được như tiếng ồn xung quanh, nốt nhạc bị đánh sai, tiếng tạp âm. Những lỗi này hòa quyện vào nhau tạo nên những bản nhạc chân thực, mang đến cảm giác "chill chill", bay bổng. Nhạc Lofi giúp người nghe bình tĩnh, tập trung làm việc, khơi nguồn khả năng sáng tạo và giảm stress.
Từ những năm 90, Lofi được xem là hình thức sản xuất âm nhạc mang âm hưởng chân thực hơn so với các phương pháp chuyên nghiệp khác và được giới nghệ sĩ Rock, Hip-Hop, Punk hay Indie theo đuổi.
Từ thập niên 2010, Lofi đã dần xâm chiếm YouTube và trở thành một dòng nhạc “cực chill” với giới trẻ. Nhạc Lofi ra mắt trên YouTube vào năm 2013 từ các kênh phát trực tiếp với danh sách nhạc lấy một phần cảm hứng từ nhịp điệu Lofi Chillhop (Chill music + Hiphop) của nhà tiên phong Nujabes và J Dilla.
Ngày 18/03/2015, kênh YouTube có tên ChilledCow (chính là kênh Lofi Girl hiện tại) được điều hành bởi Dimitri - một nghệ sĩ người Pháp đã ra đời và nhanh chóng gặt hái thành tích vẻ vang, trở thành kênh phát nhạc Lofi nổi danh khắp thế giới, thu hút hàng triệu người đăng ký.
Trong nhiều video nhạc Lofi, nổi tiếng nhất là video có tựa đề “lofi hip hop radio - beats to relax/ study to” với hình nền một cô gái trẻ đang ngồi chăm chỉ học bài. Cô gái ấy sau này được gọi là Lofi Girl và dần trở thành một biểu tượng trên YouTube.
Hành trình đầy thăng trầm của Lofi Girl
Thời gian ban đầu lúc mới đi vào hoạt động, ChilledCow đã sử dụng hình ảnh nhân vật Shizuku Tsukishima trong bộ phim Whispers of the Heart của Studio Ghibli. Trên nền nhạc êm dịu, Shizuku hiện lên với hình ảnh đang ngồi ở bàn học vừa đeo tai nghe vừa viết bài. Tuy nhiên vì lý do bản quyền mà kênh này đã phải tạm ngừng hoạt động chỉ vài tháng sau khi bắt đầu.
Vào tháng 08/2017, chân dung chính thức của Lofi Girl đã ra mắt. Nhân vật này có tên là Jade và được biết đến với nhiều cái tên khác là Lofi Study Girl hay cô gái "24/7 lofi hip hop beats". Nàng xuất hiện với hình tượng ngồi vào bàn chăm chú viết lách, đeo tai nghe và thi thoảng liếc nhìn chú mèo ngồi trên bệ cửa sổ. Khung cảnh bên ngoài cửa sổ là dãy nhà trên sườn núi Croix-Rousse, lấp ló bóng tháp chuông nhà thờ Bon-Pasteur, điều này cho thấy nơi sinh sống của Lofi Girl là Lyon, một thành phố thơ mộng phía đông nam nước Pháp.
Người tạo ra Lofi Girl này là Juan Pablo Machado, một nghệ sĩ đến từ Colombia. Juan từng có thời gian học tập tại Lyon vào năm 2013, ở Trường thiết kế Émile-Cohl, và sau khi được chủ kênh YouTube Chilled Cow yêu cầu vẽ bức tranh cô gái đang ngồi làm việc thì Juan đã thành công tạo nên một Lofi Girl mà chúng ta trông thấy như ngày nay. Hình ảnh dần trở thành “linh vật”, biểu tượng cho dòng nhạc Lofi trên mạng xã hội.
Lofi Girl rất nổi tiếng nhưng cũng nhiều lần bị “đánh gậy” rồi biến mất và tái xuất vì lý do bản quyền. Những sự kiện này đều khiến cư dân mạng “dậy sóng”.
Như vào tháng 02/2020, YouTube đã xóa kênh Chilled Cow mà không có lời giải thích cụ thể gì về hành động mang tính đột ngột khiến cộng đồng mạng rất phẫn nộ. Sau đó nguyên nhân được đưa ra do lỗi hệ thống, và kênh đã được khôi phục lại. Sau 13.000 giờ liên tục, Lofi Girl đã phải tạm ngừng sự học của mình, và video học bài của cô cũng trở thành một trong những video dài nhất trên Youtube.
Vào ngày 18/03/2021, 6 năm sau khi thành lập kênh, Chilled Cow đã đổi tên thành Lofi Girl và tiếp tục phát triển với những video nhạc Lofi chất lượng. Tuy nhiên vào ngày 10/07/2022 vừa qua, kênh này lại tiếp tục bị YouTube “hành hạ” khi chương trình livestream của cô gái học bài đã bị tạm dừng vì liên quan đến vi phạm bản quyền.
Hãng thu âm FMC Music của Malaysia đã khiếu nại bản quyền âm nhạc trong video này. Sự việc khiến cư dân mạng phẫn nộ và bày tỏ nỗi thất vọng, đồng loạt trên Twitter, hashtag #BringBackLofiGirl (đưa Lofi Girl trở lại) đã xâm chiếm và gây chú ý.
Theo thông báo của FMC Music, các khiếu nại về bản quyền do những tin tặc báo cáo khi chiếm quyền truy cập vào tài khoản YouTube của công ty. Sau vụ việc này, Lofi Girl đã chỉ trích YouTube khi không điều tra kỹ lưỡng mà đã vội vàng gây khó khăn và không tạo cơ hội để người dùng sáng tạo nội dung được “thanh minh”.
“Meme bất hủ” trên internet
Hình ảnh cô gái học bài nhanh chóng phủ sóng toàn cầu và ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng, song song với trào lưu nghe nhạc Lofi của giới trẻ. Lofi Girl trở thành một biểu tượng, “meme” kinh điển, xâm chiếm khắp mạng xã hội. Ban đầu những video nhạc sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình ngồi học hay làm việc được lấy từ các bộ phim anime của Nhật, được ưa chuộng nhất là phim của Studio Ghibli. Đây là một xu hướng rất thịnh hành trên YouTube.
Tuy nhiên có nhiều video đã bị cấm vì bản quyền hình ảnh nên các chủ kênh đã tự phát triển ảnh nền riêng và phỏng theo Lofi Girl của Juan Pablo Machado. Nhân vật này dần được đón nhận rộng rãi và xuất hiện rất nhiều phiên bản khác nhau ở từng quốc gia.
Không chỉ vậy Lofi Girl còn ảnh hưởng đến điện ảnh, trò chơi điện tử, và được mô tả với nhiều hình ảnh phong phú, đa dạng nhưng có điểm chung là nhân vật trung tâm luôn ngồi vào bàn vừa làm việc vừa nghe nhạc.
Các phiên bản nổi tiếng “ăn theo” Lofi Girl là: quái vật khổng lồ Godzilla của @gagehdesigns, Darth Vader cùng với Yoda ngồi bên cạnh đến từ Star Wars của @venamis. Trong trò điện tử thì điển hình có Genshin Impact với nhân vật Klee, tác phẩm này của @torasshuu.
Lofi Girl của mỗi quốc gia cũng có đặc trưng khác biệt về tạo hình và bối cảnh xung quanh nhằm làm nổi bật nét văn hóa đặc sắc của mỗi nước. Như Hàn Quốc thì diễn tả cô gái đang mặc Hanbok trong thời đại Joseon được vẽ theo phong cách sumukhwa (tranh thủy mặc). Bức họa này là của @sujeongsshi.
Trong đại dịch COVID-19, Sophia Atkinson của Dazed Digital miêu tả Lofi Girl như một "hình mẫu giãn cách xã hội", tuyên truyền mọi người làm việc và học tập tại nhà. Giờ đây, Lofi Girl dần trở thành một nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật hội họa liên kết với âm nhạc và thể hiện vẻ đẹp, tinh hoa của văn hóa hiện đại trong thời kỳ công nghệ số “bùng nổ”, chiếm lĩnh cuộc sống loài người.
kilala.vn
07/10/2022
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận