Xe buýt hồng với sứ mệnh hỗ trợ những người phụ nữ bị bỏ rơi
Chiếc xe buýt màu hồng đậu trên đường là “phao cứu sinh” cho nhiều người phụ nữ bao gồm hỗ trợ họ tìm chỗ ở, đi khám tại bệnh viện và nộp đơn xin trợ cấp phúc lợi công cộng. bất cứ khi nào họ cần.
Vào một đêm đầu tháng Hai, một chiếc xe buýt màu hồng đậu trước Văn phòng phường Shinjuku. Bên cạnh đó là một cái lều được làm bằng tấm bạt màu hồng. Các phụ nữ trẻ lần lượt đi vào trong, sau đó ra về với tay đầy túi giấy lớn đựng thực phẩm, quần áo và các vật dụng khác.
Nơi an toàn cho những cô gái bị lạm dụng
"Tạm biệt! Nhắn tin cho tôi trên LINE nhé!", Yumeno Nito, 32 tuổi, người đứng đầu tổ chức Colabo tươi cười nói với những phụ nữ trẻ đang rời đi. Gần 5 năm trước, tại Tsubomi Cafe ở phường Shinjuku và Shibuya của Tokyo, cô bắt gặp những cô gái ở độ tuổi từ 10 – 19 dường như không có nơi nào để trú ngụ.Trên thực tế, Tsubomi là một chiếc xe buýt màu hồng, với những bông hoa được vẽ bên ngoài, hoạt động như một quán cà phê với mục đích cung cấp các bữa ăn và đồ uống miễn phí cũng như không gian trò chuyện dành riêng cho các cô gái tuổi teen ở Shinjuku và Shibuya. Trong đó có nhiều trẻ em gái đã bị cha mẹ bỏ rơi vì nghèo khó hoặc là nạn nhân của lạm dụng.
Xe buýt xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 17/10/2018 tại khu đèn đỏ Kabukicho ở phường Shinjuku. Một nhân viên Colabo tươi cười hỏi hai cô gái đang tò mò nhìn xe buýt và mời họ vào trong. Đến 10h đêm hôm đó, 15 cô gái đã đến xe buýt để ăn uống, nói chuyện và thổ lộ những lo lắng của mình với nhân viên.
“Chúng tôi muốn thiết lập một mối quan hệ mà ở đó, những cô gái trẻ có thể đến thư giãn, trò chuyện và cảm thấy thoải mái như những người bạn”, đại diện Colabo - Yumeno Nito, 28 tuổi, người cũng từng có vấn đề với gia đình và lang thang quanh các khu đèn đỏ vào ban đêm khi còn trong độ tuổi thiếu niên, chia sẻ.
Colabo cung cấp cho các cô gái đến với quán cà phê xe buýt các hình thức hỗ trợ khác nhau theo yêu cầu, bao gồm tìm chỗ ở, khám tại bệnh viện và giúp họ nộp đơn xin trợ cấp phúc lợi công cộng. Colabo cũng đưa ra lời khuyên qua mạng xã hội.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều phụ nữ trẻ đã liên hệ với Colabo để được giúp đỡ vì họ bị mất việc làm bán thời gian. Con số này đã tăng khoảng 2,5 lần trong năm 2020 (1.494 người) so với 2019.
Trong số đó có những phụ nữ bị các thành viên trong gia đình ngược đãi. Thay vì ở nhà, họ đi từ quán cà phê internet đến nhà người quen; một số thậm chí bị lôi kéo vào con đường mại dâm.
Seiko Kitazawa, người đứng đầu bộ phận thúc đẩy bình đẳng giới của phường Shinjuku, cho biết bà đã thấy các cô gái đến Shinjuku sau khi không còn cảm thấy yên tâm trong ngôi nhà của họ do nghèo đói hoặc bị lạm dụng.
Kitazawa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ: "Nếu chúng tôi nói rằng 'Chúng tôi đến từ văn phòng phường và chúng tôi sẽ giúp bạn', tôi chắc chắn sẽ không ai chấp nhận sự trợ giúp. Nhưng các cô gái sẽ cảm thấy dễ mở lòng hơn với những người cùng độ tuổi”.
Nito đồng thuận với quan điểm này, cô nói thêm: “Một số bé gái có vẻ cảm thấy không thoải mái khi nhận viện trợ công cộng vì chúng không tin tưởng vào người lớn, vì vậy chúng tôi là những người nên cố gắng ra ngoài để gặp và nói chuyện với chúng”.
Yukiko Sakamoto, người đứng đầu một nhóm địa phương hỗ trợ cải tạo phạm nhân, đã tham gia dự án xe buýt của Colabo vào ngày đầu tiên, cho biết: "Tôi chắc chắn rằng các cô gái không lang thang vào ban đêm vì họ thích như vậy. Họ phải có một số lý do để không thể trở về nhà". "Một số người trong số họ phải chịu đựng bạo lực tình dục do cha hoặc mẹ kế gây ra và những người khác bị bạn trai của mẹ họ bỏ rơi", Sakamoto nói.
Sakamoto cho biết cô rất ngạc nhiên khi nghe nói màu xe buýt sẽ là màu hồng. "Nhưng điều quan trọng là phải nổi bật để thu hút hành khách. Nito thực sự muốn 'cứu' những cô gái đó”, cô tâm sự.
Khái niệm xe buýt ban đêm dành cho những cô gái trẻ dễ bị tổn thương ban đầu xuất phát từ Seoul. Khi Nito đến thăm thủ đô của Hàn Quốc và nhìn thấy những cô gái gặp khó khăn tương tự vừa trò chuyện vừa ăn bánh kếp trên xe buýt, cô đã quyết định giới thiệu ý tưởng này ở Tokyo.
Xe buýt sẽ đậu mỗi tuần một lần ở Shinjuku hoặc Shibuya. Dự án đã được chính quyền trung ương và chính quyền thủ đô Tokyo chọn làm mô hình hỗ trợ phụ nữ trẻ dễ bị tổn thương.
Những người lặng thầm trong bóng tối
Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều có thể thấy Yumeno Nito, người sáng lập Colabo, và cộng sự của cô ấy là Inaba đang lặng lẽ làm công việc mà ít người muốn làm ở Nhật Bản.
Vào đêm khuya, họ đi dọc trên các đường phố của Shibuya, tìm kiếm những cô gái đã trốn chạy khỏi việc bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi để giúp đỡ. Ban ngày, họ dạy các cô gái cách nấu ăn và chăm sóc bản thân, khuyến khích họ ở lại trường để có thể kiếm được việc làm tốt, hoặc tư vấn vượt qua nhiều vết thương lòng.
Trên hết, Nito dành nhiều thời gian phát biểu tại nhiều sự kiện và địa điểm khác nhau trên khắp Nhật Bản, truyền đi thông điệp rằng các vấn đề của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái đang phải đối mặt là có thật và ngày càng nhiều, nhưng lại có rất ít sự trợ giúp từ chính phủ hoặc thậm chí các tổ chức khác.
Nito dành vô số thời gian để quyên góp tiền nhằm mua hoặc thuê căn hộ cho các cô gái được giải cứu; mua thực phẩm và nhu yếu phẩm; chi cho các buổi tư vấn và giáo dục.
Một tình nguyện viên từng tham gia một số dự án của Colabo chia sẻ về những câu chuyện đau lòng khi họ tham gia vào sự kiện lớn hoặc lễ hội mùa hè để giúp các cô gái mặc Kimono, Yukata và chụp ảnh kỷ niệm.
Nhiều người trong số những cô gái ấy không biết cảm giác được đối xử đặc biệt, được ăn mặc như công chúa là thế nào. Chính vì thế, họ đều né tránh máy ảnh, một số quay đi chỗ khác hoặc giấu khuôn mặt sau mái tóc.
Nhưng các tình nguyện viên của Colabo cố gắng làm cho những cô gái cảm thấy thoải mái nhất để tạo ra bức ảnh kỷ niệm hạnh phúc trong cuộc sống vốn thường chỉ chứa đựng những đau buồn hoặc tổn thương của họ.
Xem thêm: Bức màn tối của ngành công nghiệp thần tượng Nhật Bản
kilala.vn
25/02/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận