Vấn nạn quay lén ở Nhật Bản dưới góc nhìn chuyên gia
Một nhân viên xã hội phụ trách tham vấn sức khỏe tinh thần và trị liệu cho các tội phạm tình dục tại Nhật Bản đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Những người đàn ông không thể ngừng quay lén”, vén bức màn về động cơ của hành vi quay lén từ một bộ phận nam giới Nhật, vốn khiến cho phụ nữ và cả xã hội lo lắng, cảnh giác cao độ.
Quay phim, chụp hình lén là một trong những kiểu quấy rối gây nhức nhối tại Nhật Bản và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Theo Sở Cảnh sát Kyoto, tỉ lệ người phạm tội quay lén đã tăng đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến cảnh sát phải chạy quảng cáo Youtube để cảnh báo những ai có ý định phạm tội. Vậy đâu là động cơ khiến một bộ phận không nhỏ đàn ông Nhật Bản bất chấp tất cả để thực hiện hành vi quay lén này?
Akiyoshi Saito, 42 tuổi, tác giả của cuốn sách “Những người đàn ông không thể ngừng quay lén” đã phân tích động cơ của 521 người thực hiện hành vi quay lén bất hợp pháp và thu được kết quả bất ngờ. Nghiên cứu cho thấy họ bị ảnh hưởng bởi một xã hội đề cao mối gắn kết giữa nam giới (homosocial society*) ở Nhật Bản. Saito đang làm việc tại Phòng khám Ofuna Enomoto ở thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa và phụ trách công việc hỗ trợ cho những người nghiện rượu phục hồi sức khỏe với 20 năm kinh nghiệm.
Vào một ngày nọ, một bệnh nhân nam khoảng 50 tuổi, người được Saito hỗ trợ trong 3 năm, bất ngờ bị bắt vì tình nghi xâm hại tình dục một đứa trẻ. Saito rất sốc khi biết được bệnh nhân này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần tội ác trên trong quá khứ. Từ đó, ông Saito nhận ra tội phạm liên quan đến tình dục cũng giống như việc uống rượu, có thể trở nên bị nghiện và cần được điều trị để ngăn ngừa việc tái phạm.
Nhưng vào thời điểm đó, tại Nhật Bản vẫn chưa có bất kỳ cơ sở giáo dục chuyên biệt nào cung cấp các liệu pháp cho những đối tượng này. Do vậy, sau khi tham khảo ý kiến từ người đứng đầu phòng khám, vào tháng 5/2006, Saito đã thành lập một nhóm điều trị nhằm ngăn chặn tái phạm liên quan đến tình dục tại phòng khám Ofuna Enomoto. Đến tháng 03/2020, phòng khám đã trị liệu cho hơn 2.000 bệnh nhân, những người phạm tội quay lén, theo dõi người khác hoặc xâm hại tình dục trẻ em. Từ kinh nghiệm nhiều năm, ông Saito cho biết tội quay lén là vấn đề chỉ xảy ra ở nam giới trong tất cả các trường hợp.
Xem thêm: Chikan: Phải làm gì khi bị quấy rối tại nơi công cộng?
Trong số 521 người đàn ông đã thực hiện việc quay lén, 70% bắt đầu phạm tội ở độ tuổi teen và 20. Một số người nói rằng việc làm này được các bạn nam khác chấp nhận khi họ còn nhỏ. Đặc biệt, theo lời kể của một bệnh nhân, anh ta đã chụp lén một bạn nữ cùng lớp và được các bạn nam khác khen là “tuyệt vời”, “dũng cảm”. Do vậy, người này đã chuyển sang chụp ảnh bên dưới váy của các nữ sinh. Saito cho rằng đây là một ví dụ điển hình cho “cuộc thử lửa đầu tiên để gia nhập vào xã hội do nam giới thống trị”.
Hơn nữa, trong 521 người nam quay lén thì có 20% từng bị bắt nạt khi còn nhỏ. Một người đàn ông trong số 20% này chia sẻ với Saito rằng: “Để trả đũa việc tôi đã tổn thương nhiều bao nhiêu, tôi nghĩ đã đến lượt mình đối xử tệ với người khác." Ông Saito giải thích: “Những người đàn ông bị trục xuất khỏi “xã hội do nam giới thống trị” vì bị bắt nạt hoặc bằng các cách khác, đã trải qua việc bị đối xử như một đồ vật. Vì vậy, họ cố gắng khôi phục lại lòng tự tôn của mình bằng cách chống đối phụ nữ”. Như vậy, đặc điểm của việc quay lén chính là chống đối và sở hữu phụ nữ, một tội ác liên quan đến ham muốn kiểm soát và cảm giác vượt lên trên người khác.
Thông qua việc khám và phân tích, ông Saito cho rằng sự méo mó về nhận thức ở tội phạm tình dục thường gắn liền với xã hội do nam giới thống trị cũng như ý thức giá trị từ quyền lực tối cao của nam giới. Sự méo mó trong tâm lý đã khiến cho họ nhận thức không chính xác các tình huống thực tế, chẳng hạn như họ sẽ nghĩ rằng phụ nữ mặc váy vì muốn "được" sờ mó hoặc chụp lén.
Tại phòng khám, ông Saito đã thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức với các bệnh nhân để những kẻ phạm tội liên quan đến tình dục, bao gồm cả những người thực hiện hành vi quay lén hiểu rõ được sự sai lệch trong nhận thức của họ, cùng suy nghĩ về những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tái phạm, cũng như thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi.
Ông Saito nói thêm: “Sự méo mó trong nhận thức là thứ có sẵn trong xã hội. Không ai sinh ra đã có cái nhìn méo mó cả. Khi sống trong một xã hội do nam giới thống trị, tất cả nam giới đều có khả năng trở thành tội phạm liên quan đến tình dục”. Ông nhấn mạnh: “Hầu hết những người thực hiện hành vi quay lén đều không đủ điều kiện tham gia chương trình điều trị tại phòng khám mà để có thể được điều trị, họ phải bị cảnh sát bắt ít nhất 1 lần”.
Kể từ năm 2006, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp như phát động “chương trình trị liệu cho tội phạm tình dục” tại một số nhà tù để ngăn chặn việc tái phạm. Chương trình hướng tới đối tượng là những người đã bị kết tội cưỡng hiếp và các tội phạm tình dục khác đã bị quản chế hoặc ngồi tù.
Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2020, tỷ lệ tái phạm tội tình dục trong vòng 3 năm sau khi được thả ở những người đã tham gia chương trình trên là 15%, thấp hơn 22,5% so với người không tham gia. Còn đối với tội quay lén, mặc dù đã có điều khoản hình sự cấm quấy rối nơi công cộng và cấm hành vi nhìn trộm theo Đạo luật Tội nhẹ, không hiếm những người phạm tội quay lén lần đầu tránh được việc bị truy tố và chỉ phải đóng phạt. Theo một cuộc điều tra đặc biệt về tội phạm quay lén ở Nhật năm 2015, tỷ lệ tái phạm tội trong vòng 5 năm sau khi được thả lên đến 36,4%.
Những nỗ lực của Akiyoshi Saito trong việc thấu hiểu động cơ phía sau của nhóm tội phạm này cùng chương trình điều trị tái phạm liên quan đến tình dục được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tỷ lệ tội phạm tình dục nói chung và tội quay lén nói riêng, vốn đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản.
*Homosocial/ Homosociality: Trong xã hội học, homosociality nghĩa là các mối quan hệ đồng giới không mang tính chất lãng mạn hoặc tình dục, chẳng hạn như tình bạn, người cố vấn. Các nhà nghiên cứu sử dụng khái niệm này chủ yếu để giải thích cách nam giới duy trì sự thống trị của mình trong xã hội. (Theo Wikipedia)
kilala.vn
29/11/2021
Bài: Rin
Ảnh bìa: jp.sputniknews.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận