Từ chối kết hôn, phụ nữ Nhật lựa chọn tự mình làm chủ cuộc đời
Một cuộc khảo sát do Nippon Foundation thực hiện cho thấy 52,3% phụ nữ trẻ trả lời rằng họ “cảm thấy thoải mái hơn khi độc thân”.
Những số liệu “biết nói”
Vào tháng 01/2023, trong một cuộc khảo sát của Nippon Foundation thực hiện với 1.000 thanh niên Nhật ở độ tuổi 17 – 19 tuổi, khi được hỏi “Bạn có muốn kết hôn trong tương lai không?” hơn 40% người trả lời (cả nam lẫn nữ) đều chọn: “Có”.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu họ có nghĩ rằng mình sẽ thực sự kết hôn hay không, chỉ có 19,2% nam và 13,7% nữ trả lời là “chắc chắn”.
Trong số nam giới trả lời “có lẽ sẽ không” hoặc “chắc chắn sẽ không” kết hôn, lý do chủ yếu (chiếm 47,3%) là họ “không có hoặc không tìm được bạn đời”. 52,3% phụ nữ trẻ trả lời rằng họ “cảm thấy thoải mái hơn khi độc thân”. Ngoài ra, nhiều phụ nữ trẻ khác nêu lý do là: không muốn nuôi con (36,9%); không muốn mất tự do (35,1%)…
Đối với một cuộc khảo sát khác vào năm 2022, 14,6% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 34 cho biết họ không có ý định kết hôn, đây là con số cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1982.
Các chuyên gia đã cho rằng xu hướng này đến từ một số yếu tố, bao gồm mong muốn ngày càng tăng của những phụ nữ trẻ đang đi làm muốn được hưởng các quyền tự do khi độc thân và có sự nghiệp.
Những cô gái tự kết hôn với chính mình
“Tôi muốn học cách sống một mình” - Sanae Hanaoka chia sẻ trong lễ cưới với chính bản thân khi đang mặc một bộ đầm cưới và ăn mừng cùng những người bạn thân thiết. Sanae Hanaoka không phải là trường hợp thiểu số.
Trước đó, những phụ nữ Nhật Bản vẫn chưa kết hôn sau 25 tuổi được gọi là “kurisumasu keki - bánh Giáng sinh”, một cách nói thô lỗ khi so sánh họ với chiếc bánh ngọt Giáng sinh không thể bán được sau ngày 25/12: hết giá trị, lỗi thời và không ai muốn mua. Đồng nghĩa với việc nói những người phụ nữ trên 25 chưa kết hôn là không có giá trị.
Tuy nhiên, ngày nay, những lời xúc phạm như vậy đã phai nhạt khi ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân, từ chối con đường truyền thống - điều mà nhiều người coi là cuộc sống “cực hình” trong gia đình.
Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản theo đuổi sự nghiệp lâu dài trong môi trường công ty và muốn từ bỏ việc kết hôn, trở thành người nội trợ toàn thời gian. Mặc dù một số phụ nữ hoàn toàn ổn với điều này, nhưng những người khác chắc chắn sẽ cảm thấy đôi khi hối tiếc khi chưa bao giờ có cơ hội để mặc đẹp và trở thành trung tâm của sự chú ý trong ngày trọng đại như nhiều bạn bè của họ.
Đó là lý do tại sao công ty Cerca Travel có trụ sở tại Kyoto đã thành lập một dịch vụ cung cấp tất cả sự hào nhoáng của một đám cưới mà không cần sự xuất hiện của chú rể. Họ gọi là “Đám cưới một mình – Solo Wedding”. Đúng vậy, giờ đây phụ nữ có thể có trải nghiệm trọn vẹn ngày cưới mà không cần phải kết hôn.
Đám cưới một mình là một chuyến du ngoạn kéo dài hai ngày, trong đó khách hàng nghỉ qua đêm tại khách sạn, được thử trang phục, cầm hoa cưới thiết kế riêng, làm tóc và trang điểm, thậm chí là chụp ảnh đầy đủ. Mỗi dịch vụ này đều được xử lý bởi một chuyên gia trong ngành, được thực hiện với chất lượng và sự chú ý đến từng chi tiết giống như một lễ cưới thực sự.
Vì sao phụ nữ Nhật sợ kết hôn?
Nhà xã hội học và nhà nghiên cứu giới tiên phong Meguro Yoriko cho biết, từ những năm 80 trở đi, thái độ về giới ở phụ nữ trẻ Nhật Bản đã phát triển nhanh hơn nhiều so với nam giới và phụ nữ lớn tuổi.
Càng ngày, phụ nữ trẻ càng cảm thấy bị mắc kẹt và ngột ngạt bởi cấu trúc giới tính truyền thống của xã hội Nhật Bản, vốn đòi hỏi phụ nữ phải toàn tâm toàn ý lo việc nhà trong khi chồng của họ thực hiện vai trò trụ cột gia đình. Sự không hài lòng đó đã chuyển thành sự từ chối “hôn nhân mặc định” và “bắt buộc phải sinh con”.
Họ bắt đầu đặt câu hỏi về lối sống tiêu chuẩn mà xã hội quy định cho họ: đầu tiên là kết hôn, sinh con, sau đó là nuôi dạy con cái, cuối cùng là chăm sóc người già.
Nhưng khi góc nhìn của phụ nữ đang thay đổi, thì suy nghĩ của nam giới Nhật Bản vẫn như cũ “một người chồng 'làm công ăn lương' chăm chỉ, một bà nội trợ toàn thời gian và lý tưởng nhất là có hai con”.
Trong khi phụ nữ tìm kiếm những người chồng có thể hỗ trợ tài chính cho họ và cũng đóng góp vào việc nhà, thì đàn ông tìm kiếm những người vợ sẽ chăm sóc gia đình (có thể đồng thời làm việc bên ngoài xã hội). Đối với một số phụ nữ, rủi ro và sự hy sinh của hôn nhân không công bằng với họ. Điều đó dẫn đến xu hướng trì hoãn hoặc bỏ qua việc kết hôn và sinh con ngày càng tăng của phụ nữ Nhật Bản, bởi khoảng cách lớn về quan niệm vai trò giới giữa nam và nữ.
Bên cạnh đó, rủi ro về việc ly hôn cũng ám ảnh phụ nữ Nhật. Phụ nữ Nhật Bản đã ly hôn và có con rất dễ bị tổn thương. Gần 90% bà mẹ đơn thân (đã ly hôn) tham gia lực lượng lao động, trong đó 61% sống trong cảnh nghèo đói.
Chính vì thế, thay vì lập gia đình và sống một cuộc sống với nhiều trách nhiệm trên vai thì phụ nữ Nhật chọn cách tập trung cố gắng làm việc để thăng tiến, dành thời gian cho bản thân và làm tất cả những gì mình muốn mà không phải chờ sự đồng ý của bất cứ ai.
Ngoài ra, một lý do mà ít ai đề cập nhưng cũng là sự lo ngại chung của rất nhiều phụ nữ Nhật đó là việc thay đổi họ sau hôn nhân. Theo Điều 750 của Bộ Luật Dân sự Nhật Bản quy định cặp đôi đã kết hôn phải dùng chung một họ, có thể là họ của người chồng hoặc họ của người vợ. Nhưng thường người vợ sẽ phải đổi theo họ chồng và nhiều cô gái trẻ không muốn thay đổi họ khi kết hôn hoặc làm các thủ tục liên quan đến việc này.
kilala.vn
24/06/2023
Bài: Natsume
Nguồn: Tổng hợp
Đăng nhập tài khoản để bình luận