Tai nạn gia tăng, vì sao một số ga tàu điện tại Nhật lại chưa có cửa an toàn?
Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đã có xu hướng giảm trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, một loạt tai nạn liên quan đến tàu điện bất ngờ gia tăng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự chậm trễ của việc áp dụng các biện pháp an toàn, đơn giản nhất là lắp đặt cửa chắn.
Thực trạng tự tử tại các ga tàu gia tăng
Thời gian gần đây, thuật ngữ "人身事故 - Jinshin Jiko" đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội X. Thuật ngữ này ám chỉ "một tai nạn liên quan gây thương tích về thể xác hoặc tử vong".
Khi được sử dụng trong bối cảnh tàu, nó có nghĩa là tình huống mà một toa tàu đâm vào một con người. Ví dụ, một nhân viên văn phòng say rượu ngã xuống đường ray ngay vào lúc đoàn tàu đang đến. Tuy nhiên, nó cũng có thể đề cập đến trường hợp người nào đó đang cố gắng tự tử bằng cách nhảy xuống đoàn tàu.
Dù lý do là gì thì việc xảy ra tai nạn cũng ảnh hưởng đến sự chậm trễ của tàu – một điều tối kị tại quốc gia mà những chuyến tàu luôn luôn chính xác về giờ giấc. Chính vì thế những nhà ga ở Nhật luôn có bảng cập nhật nguyên nhân chậm tàu cho hành khách theo dõi. Do đó hành khách sẽ thấy khi nguyên nhân là jinshin jiko – thường được dịch sang tiếng Anh trên màn hình tàu là “injury” hoặc “human-related incident”.
Tuyến Chuo được xem là tuyến nguy hiểm nhất khi có 17 vụ tai nạn jinshin jiko trong năm nay, chỉ kém 1 vụ so với năm 2023. Tuyến Sobu có 12 vụ, chỉ kém 2 vụ so với năm ngoái. Nhưng năm 2022, tuyến này chỉ có 04 vụ.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy 4 trên 5 tuần của tháng 6/2024, toàn Nhật Bản đã chứng kiến hơn 20 vụ việc tương tự mỗi tuần. Tuần tồi tệ nhất là tuần ngày 23/06, với tổng cộng 31 vụ việc.
Biện pháp an toàn
Để hạn chế tình trạng này, ngày càng nhiều tuyến tàu ở Nhật Bản có cổng đóng phía bên ngoài, ngăn cách khu vực đứng chờ với bên trong đường ray và chỉ mở ra khi tàu dừng hẳn. Những cánh cửa này cao khoảng ngang ngực một người đàn ông trưởng thành, hoặc trong một số trường hợp, kéo dài đến tận trần nhà ga.
Tuy vậy theo trang Ensen Chat, trong số 36 tuyến ở khu vực Đại Tokyo, chỉ có 15 tuyến được lắp đặt loại cửa này ở mọi điểm dừng. Ngay cả tuyến Yamanote đông đúc cũng chỉ có 93% phạm vi nhà ga được lắp đặt. Trong khi đó, các tuyến Chuo và Sobu chỉ có 13 trong số 39 sân ga có cửa an toàn.
Việc đẩy nhanh tiến độ hướng đến các ga đều có cửa an toàn đang được thực hiện. Các chuyến tàu ở khu vực trung tâm Tokyo dự kiến sẽ lắp đặt hết vào năm 2031. Tuyến Toei đã công bố vào tháng 2 rằng họ đã đạt được mục tiêu này trước thời hạn, lắp đặt cửa sân ga tại tất cả 106 nhà ga nơi các chuyến tàu của họ dừng lại.
Tuy nhiên, JR East cho biết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang diễn ra cộng với tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản đã làm chậm tiến độ tại tuyến Chuo.
Dù vậy, JR vẫn khẳng định rằng, mặc dù cửa giúp ngăn ngừa người ta rơi xuống đường ray, nhưng họ không coi đó là biện pháp phòng ngừa tự tử. Tuy nhiên một bài viết năm 2016 của Toyo Keizai lưu ý rằng, sau khi lắp đặt cửa tại 23 trong số 29 điểm dừng trên Tuyến JR Yamanote đông đúc, các vụ tai nạn thương tích tại các nhà ga đó đã giảm từ 74 xuống gần bằng 0.
Bên cạnh cửa ra vào, các công ty đường sắt Nhật Bản vẫn tiếp tục tìm cách ngăn chặn mọi người cố gắng tự tử tại các nhà ga. Dựa trên nghiên cứu sơ bộ, một số công ty đã lắp đèn LED màu xanh lam với lý thuyết rằng nó làm giảm trầm cảm và ngăn chặn tự tử. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được hiệu quả của chúng.
Xem thêm: Phân tích lí do tự tử - "quốc nạn" của văn hoá Nhật
kilala.vn
Nguồn: Unseen Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận