Nhật Bản cân nhắc bỏ bảng tên đồng phục để bảo vệ học sinh
Những lo ngại về an ninh đã khiến ngày càng nhiều trường THCS ở Nhật Bản ngừng thêu tên hoặc may thẻ tên trên đồng phục để bảo vệ danh tính học sinh.
việc họ tên được đính kèm trên đồng phục học sinh mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như giúp giáo viên và bạn học có thể dễ dàng ghi nhớ tên của từng cá nhân. Tuy nhiên việc lộ thông tin cá nhân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể khiến các em trở thành mục tiêu bị tấn công.
Do đó, nhiều trường học vẫn đang cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, chính sách về thẻ tên và tên thêu trên đồng phục học sinh là do từng trường quyết định chứ không do chính quyền địa phương hay hội đồng giáo dục.
Phó hiệu trưởng Yohei Morikawa của trường THCS Kadoma, thành phố Daiyon, tỉnh Osaka, cho biết: "Câu hỏi đặt ra là liệu có nên loại bỏ bảng tên thêu hay không. Cùng với đó, chúng tôi cũng phải xem xét những bất lợi khi loại bỏ chúng".
Hiện nay, các trường trung THCS ở Nhật Bản thêu tên học sinh trên áo khoác và áo sơ mi đồng phục, nhưng đã bắt đầu xem xét bỏ quy định này khi tham gia tái cơ cấu các trường tiểu học và THCS thành hệ thống trường học bắt buộc 9 năm từ năm học 2026.
Các trường học trên khắp nước Nhật cũng đang có những động thái tương tự sau một loạt vụ việc trẻ em là mục tiêu bị nhắm đến hoặc quấy rối.
Ở tỉnh Saga từng xảy ra việc một người đàn ông lạ mặt chụp ảnh rồi đăng lên mạng khuôn mặt và tên của một nữ sinh đang trên đường đến trường. Vụ việc này đã khiến cảnh sát vào năm 2021 yêu cầu các hội đồng giáo dục và trường học trong tỉnh xem xét các quy định về thẻ tên và tên thêu cũng như các vật dụng khác hiển thị thông tin cá nhân của học sinh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty sản xuất đồng phục học sinh Takimoto Co. có trụ sở tại thành phố Higashiosaka, tỉnh Osaka, số lượng các trường học thêu tên học sinh trên đồng phục đang giảm dần do nhận thức về nguy cơ tên của các em có thể bị lộ với những người bên ngoài trường học.
Trong vài năm qua, một số trường THCS ở tỉnh Osaka dường như cũng đã thay đổi quy định này. Phó hiệu trưởng Morikawa của trường Kadoma cho biết, bằng cách ngừng sử dụng bảng tên thêu, nhà trường có thể tăng cường an toàn và bảo vệ quyền riêng tư cho các em học sinh. Vấn đề được xem xét dựa trên ý kiến của phụ huynh và học sinh, cũng như xu hướng xã hội.
Ngoài vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, một số góp ý khác liên quan đến bảng tên vì những sự bất tiện như việc phải loại bỏ những đường chỉ thêu tên khi đưa lại đồng phục cho đàn em, phải tháo ra rồi khâu lại thẻ tên nhựa mỗi lần mang đồng phục đi giặt. cũng được nhắc đến.
Sở dĩ ở các trường THCS, tên thường được khâu hoặc thêu vì học sinh có xu hướng làm mất thẻ tên tháo rời hoặc quên đeo chúng.
Một trường THCS ở thành phố Shijonawate, tỉnh Osaka vào năm 2015 đã chuyển từ thẻ tên tháo rời sang tên thêu. Việc chuyển đổi phần lớn là do học sinh làm mất thẻ, lẫn lộn đồng phục khi quên thẻ. Nhà trường có kế hoạch từ năm học 2024 sẽ thêu tên học sinh trên nắp túi trên ngực áo khoác, để khi ở ngoài trường, các em có thể giấu tên vào vạt túi. Giải pháp này giúp bảo vệ danh tính của trẻ mà vẫn tận dụng được điểm cộng của bảng tên thêu.
Những thay đổi tương tự đang được thực hiện tại các trường khác. Trường THCS Takatsuki ở thành phố Nagahama, tỉnh Shiga, đã thiết kế lại túi áo đồng phục để học sinh có thể lật thẻ tên ra hoặc giấu vào tùy tình huống.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường học yêu cầu học sinh chỉ đeo bảng tên có thể tháo rời khi ở lớp để các em không phải mang về nhà hoặc đang bãi bỏ hoàn toàn việc đeo bảng tên.
Tại trường THCS Hakozaki Seisho ở thành phố Fukuoka, học sinh trả lại bảng tên của mình tại một khu vực cụ thể được thiết lập trong lớp học trước khi rời trường. Nhiều trường tiểu học Ở Nhật Bản cũng đang áp dụng việc treo bảng tên trong lớp học.
Xem thêm: Nỗ lực bảo vệ trẻ em Nhật khỏi nạn bắt cóc và xâm hại
kilala.vn
29/03/2023
Bài: Happy
Nguồn: The Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận