Không gian ảo hỗ trợ hikikomori hòa nhập xã hội
Không gian trực tuyến ảo mang đến cho hikikomori - những người sống ẩn dật ở Nhật Bản, một cách để duy trì kết nối với thế giới đồng thời cho phép họ tiến gần hơn đến việc quay trở lại xã hội hoàn toàn.
Hikikomori từ lâu đã được xem là “căn bệnh nhức nhối” của xã hội Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản có gần 1,5 triệu người thuộc độ tuổi lao động đang sống ẩn dật, tình trạng này buộc chính quyền không thể ngồi yên.
“Online place to be” – không gian ảo tìm sự tồn tại
Ngoài việc hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm tại nhà, chính quyền địa phương và các công ty tư nhân đang nỗ lực thiết lập các hoạt động câu lạc bộ độc đáo dựa trên sở thích cộng đồng khi vấn đề mất kết nối xã hội tiếp tục gia tăng.
Từ tháng 6 năm 2022, chính quyền Kyoto đã tổ chức các cuộc gặp ảo hai lần mỗi tuần cho những người sống ẩn dật. Hoạt động này được gọi một cách khéo léo là "online place to be” (tạm dịch: không gian ảo để tồn tại).
Khi mọi người truy cập không gian ảo, hình đại diện của họ - đôi khi là gấu trúc hoặc các nhân vật khác - tập trung tại một chiếc bàn có cây cối bao quanh. Các hình đại diện được thiết kế và vận hành bởi những người tham gia, họ xưng hô bằng biệt hiệu và trò chuyện với nhau mà không cần phải để lộ mặt thật.
Cộng đồng ảo được Kizuki, tổ chức điều hành các trường luyện thi dành cho trẻ em gặp khó khăn, thay mặt chính quyền quản lý.
Các nhân viên của công ty tạo nên “online place to be” cũng truy cập vào hệ thống, cùng những người tham gia (là người sống ẩn dật) xem video game trên YouTube, thảo luận về suy nghĩ của họ, đồng thời trò chuyện về những món ăn yêu thích, thời tiết trong khu vực và các chủ đề khác. Một quan chức cho biết, đôi khi những cuộc trò chuyện thông thường có thể tiết lộ những vấn đề sâu hơn mà họ không muốn nói với người khác.
Một cuộc khảo sát năm 2017 do ủy viên phúc lợi trẻ em ở tỉnh Kyoto và các cư dân khác thực hiện cho thấy, trong khoảng 1.100 người sống ẩn dật có đến 44% không nhận được hỗ trợ.
Cộng đồng ảo nói trên vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai, hiện có một nhóm nhỏ tham gia là những đối tượng từ 10-12 đến độ tuổi 40. Yoshimi Kimura, một quan chức trong bộ phận hỗ trợ gia đình của chính phủ cho biết, những người sống ẩn dật có thể dễ dàng tham gia dù cho đã do dự khi trực tiếp đến văn phòng chính quyền tỉnh.
Chính quyền tỉnh Kanagawa đang lên kế hoạch tổ chức một không gian ảo tương tự như vậy trong năm nay.
Comoly – dịch vụ hỗ trợ việc làm
Tokyoite Kunio Yamada (37 tuổi) người điều hành một công ty chuyên phát triển và cung cấp các bài kiểm tra năng khiếu nghề nghiệp vào năm 2020 đã cho ra mắt dịch vụ việc làm có tên “Comoly”.
Anh ấy nhận được đơn đặt hàng cho các công việc nhập dữ liệu, phiên mã, phát triển ứng dụng và cung cấp công việc cho những người sống ẩn dật dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm của họ. Nhiều người kiếm được tới 60.000 yên (10,5 triệu đồng) mỗi tháng.
Yamada đã tạo ra dịch vụ này vì một người bạn thời tiểu học của anh ấy không thể tìm được việc làm khi còn là sinh viên đại học và đã trở thành một hikikomori sau khi tốt nghiệp. Anh khuyên bạn mình nên học lập trình máy tính để có thể làm việc ở bất cứ đâu. Bây giờ cả hai cùng quản lý Comoly.
Comoly có khoảng 750 thành viên đăng ký trên toàn quốc. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm tại nhà, dịch vụ còn cung cấp nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm các buổi tiệc không gian ảo, các hoạt động câu lạc bộ trực tuyến...
Trong “CLB Nấu ăn” với các thành viên chủ yếu là phụ nữ, họ đăng ảnh và công thức nấu ăn sáng tạo, trong khi đó ở “CLB Cờ vây”, các thành viên được hướng dẫn những nguyên tắc cơ bản bởi một người sống khép kín, từng khao khát trở thành kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp.
Một số người từng đăng ký với Comoly đã mạo hiểm bước ra thế giới thực và tham gia vào các chương trình việc làm tình nguyện hàng năm. Ở Kamiyama, tỉnh Tokushima, miền tây Nhật Bản, quả yuzu đặc sản bị bỏ bê do thiếu nhân công nay đã được các hikikomori thu hoạch để sản xuất mứt.
Yamada gọi những dự án này và các dự án khác là "đồng sáng tạo" thay vì "hỗ trợ". Anh cho rằng, định kiến "độc lập đồng nghĩa với việc đi làm" là thứ đẩy những người sống khép kín ra xa xã hội hơn.
"Ở các vùng nông thôn, bằng cách tận dụng những ngôi nhà bỏ trống, các hikikomori có thể sinh sống và kiếm hàng chục nghìn yên mỗi tháng nhờ làm việc từ xa. Tôi muốn cùng họ tạo ra một kiểu sống mới như vậy", Yamada nói.
kilala.vn
24/04/2023
Bài: Ciro
Nguồn: The Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận