Khi người trẻ Nhật tìm kiếm cơ hội tại nông thôn

    Nhiều chuyên gia nhận định, đang có một cuộc dịch chuyển thú vị khi nhiều người trẻ chọn nông thôn làm nơi an cư, lạc nghiệp.

    Kana Hashimoto, từng du học tại Canada và được kì vọng tương lai sẽ tiếp quản công việc của cha cô, giám đốc điều hành một công ty bảo hiểm toàn cầu. Tuy nhiên, Hashimoto lại quyết định rời bỏ vị trí mơ ước của bao người để làm bạn với ruộng lúa, cánh đồng. Và Hashimoto là một trong số nhiều người trẻ tại Nhật Bản hiện nay có lựa chọn như vậy.

    nông thôn
    Vùng nông thôn luôn bị gắn mác buồn tẻ, không có nhiều cơ hội, nay lại được nhiều người trẻ lựa chọn để sinh sống và khởi nghiệp. Ảnh: gaijinpot

    Liệu đô thị có dành cho tất cả mọi người?

    Với nhiều người, những đô thị lớn là "miền đất hứa" với sự tiện nghi, công việc đa dạng cùng sự năng động, có thể giúp họ tiến thân trong công việc và dễ dàng đạt được thành công. Tuy nhiên, việc dân cư đổ dồn về những thành phố lớn đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, buộc nhiều người phải làm việc “bán mạng” để có thể tồn tại.
    nông thôn
    Ảnh: Nippon

    Môi trường công sở khắc nghiệt

    Tại Nhật, thuật ngữ “Karoshi” dùng để chỉ những người tử vong do làm việc quá sức đã dần trở nên quen thuộc từ cuối thập niên 70 cho đến nay. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong năm 2021, tại 24.042 doanh nghiệp được khảo sát có 37% buộc nhân viên làm thêm giờ 45 tiếng/tháng hoặc hơn*. Bộ cũng cho biết từ tháng 04/2020 - 05/2021, trong số 8.904 công ty tăng ca có 2.982 nơi làm việc đã phá vỡ giới hạn làm thêm giờ 80 tiếng mỗi tháng. Đồng thời 1.878 nơi làm việc xảy ra tình trạng làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng.

    * Nhật Bản chính thức áp dụng quy định yêu cầu thời gian làm việc trong một tuần là 40 giờ vào năm 1987 và coi bất cứ điều gì vượt quá thời gian đó là thời gian làm thêm giờ. Luật cũng quy định giới hạn làm thêm giờ mỗi tháng tối đa là 45 tiếng.

    nông thôn

    Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi phải tham gia những bữa tiệc sau giờ làm.

    Bên cạnh đó, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy chán nản cuộc sống mưu sinh hàng ngày xoay quanh những ga tàu điện chật chội, Nomikai - những cuộc gặp gỡ sau giờ làm để gia tăng mối quan hệ trong công việc hay hệ thống phân cấp công ty nghiêm ngặt và cứng nhắc. Người Nhật còn có bộ thuật ngữ “3K – 5K – 6K” để nói lên những khó khăn trong ngành nghề của mình. 

    Đặc biệt, sự xuất hiện của COVID-19 khiến nền kinh tế trở nên ảm đạm, mối lo lây nhiễm xuất hiện ở mọi nơi, doanh nghiệp phá sản đã đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp.

    Chi phí đắt đỏ

    Sự phát triển của các đô thị đi kèm với vật giá leo thang nhanh chóng. Theo cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt hằng năm của công ty tư vấn Mercer (Mỹ), Tokyo xếp hạng 3 trong top các thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài. Năm 2019, Tokyo đạt hạng 2 trong bảng xếp hạng này. Đến năm 2021, dù không còn nằm trong Top 10 quốc gia có mức sống đắt đỏ, tuy nhiên, 2 thành phố lớn của Nhật vẫn nằm trong Top 20 với Osaka (hạng 10) và Tokyo (hạng 13). 
    nông thôn
    Những tòa nhà chọc trời, thương hiệu xa xỉ ở khắp nơi, dân số tập trung đông. đã khiến chi phí tại những đô thị Nhật Bản tăng cao. Ảnh: za.opera.news

    Với mức chi phí sinh hoạt cao thì dù có cố gắng làm việc hết sức, nhiều nhân viên văn phòng cũng khá chật vật để có thể duy trì cuộc sống vừa đủ, chứ đừng nghĩ đến việc dư dả để mua nhà tại những thành phố này. Vì thế, một số người trẻ bắt đầu suy nghĩ về tương lai của chính mình và tìm đến những cơ hội mới.

    Làng quê vẫy gọi

    Theo khảo sát, khoảng 1/3 người trong độ tuổi 20 – 30 sống ở Tokyo cho biết họ đang lên kế hoạch để chuyển đến vùng nông thôn, 44,9% trong độ tuổi 20 nói rằng họ quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù con số trên chỉ là một phần nhỏ trong xã hội Nhật Bản, nhưng chúng nêu lên một xu hướng đang diễn ra thực tế hiện nay.

    Theo Susanne Klien - Phó giáo sư tại Chương trình Nghiên cứu Nhật Bản hiện đại (MJSP) của Đại học Hokkaido, nông thôn nói chung vốn gắn liền với những hình ảnh mộc mạc, ảm đạm và có số lượng người cao tuổi cao. Do đó, kỳ vọng chung của những người trẻ tuổi là cố gắng thoát khỏi nông thôn và tìm kiếm cơ hội lớn hơn ở thành thị và các khu vực công nghiệp.

    nông thôn

    Phó giáo sư Susanne Klien. Ảnh: Đại học Hokkaido

    Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cho một viện nghiên cứu ở Tokyo, được hỗ trợ từ Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS), Klien thấy rằng đang có một sự thay đổi theo hướng ngược lại. Cô quan sát và nhận thấy một mô hình di cư độc đáo đang diễn ra ở Nhật Bản: ngày càng có nhiều người trẻ di cư từ các thành phố lớn về các vùng nông thôn, ví dụ như đến khu vực Tohoku, đảo Honshu. “Lần đầu tiên tôi nhận thấy xu hướng này là trong quá trình nghiên cứu về các tình nguyện viên trong thảm họa động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Có một số lượng đáng kể tình nguyện viên từ các khu vực thành thị đã định cư lâu dài tại khu vực Tohoku và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng họ. Gần đây xu hướng này đã quay trở lại”.

    nông thôn

    Cuộc sống ở nông thôn khiến nhiều người cảm thấy thoải mái. Ảnh: The Washington Post

    Về thực trạng này, Klien đã thực hiện một loạt các dự án nghiên cứu, về sau được chuyển thành cuốn sách có tựa đề “Urban Migrants in Rural Japan: Between Agency and Anomie in a Post-growth Society”, xuất bản vào năm 2020.

    Nắm bắt được xu hướng vận động mới trong xã hội, những năm gần đây, chính quyền địa phương tại các vùng quê bắt đầu nỗ lực đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút cư dân trẻ, bao gồm chào bán những ngôi nhà với mức giá thấp nhất là 455 đô la.

    nông thôn

    Thủ tướng Kishida thông báo kế hoạch “Digital Garden City Nation” tại cuộc họp báo vào ngày 14/10 vừa qua. Ảnh: Twitter PM's Office of Japan

    Thủ tướng Fumio Kishida cũng đưa ra sáng kiến đầu tư vào các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, kế hoạch được ông đặt tên là “Digital Garden City Nation”. “Chính khu vực vùng ven và nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu”, ông Kishida nói trong một cuộc họp báo ngày 14/10 và nhấn mạnh rằng công nghệ và “chuyển đổi kỹ thuật số” sẽ giải quyết các vấn đề như suy giảm dân số ở các vùng nông thôn.

    Nắm bắt những cơ hội đang bị bỏ lỡ

    Đảo Shikoku là nơi tọa lạc của 4 tỉnh và cũng là một trong những điểm đến giàu văn hóa nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nơi đây chỉ đón 1,9% trong số 32 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm Nhật Bản vào năm 2019, năm cuối cùng mà khách quốc tế có thể đến Nhật Bản do ảnh hưởng của COVID-19. Trong khi đó, 47%, 39% và 28% du khách đã đến thăm Tokyo, Osaka và Kyoto. Lý do cho sự chênh lệch đó là gì? Một phần trong số đó là việc khan hiếm các dịch vụ và cơ sở lưu trú cung cấp cho khách du lịch, điều mà du khách được trải nghiệm tại các thành phố lớn. 
    Hiroumi Wada chủ của Ichi the Hostel ở Hiwasa, một thị trấn ven biển thuộc tỉnh Tokushima của Shikoku chia sẻ rằng anh đã mở nơi này sau những trải nghiệm của bản thân khi đi du lịch ở Đông Nam Á. Anh nhận ra những cơ hội bị bỏ lỡ ở vùng nông thôn Nhật Bản, do thiếu các cơ sở có thể thu hút khách du lịch cá nhân, điều này khiến anh nghĩ đến việc mở nhà trọ vào năm 2019.
    nông thôn
    Aso Base Backpackers Hostel. Ảnh: gaijinpot

    Yoshihiro Ubukata và Miyoung Park, những người đã điều hành Aso Base Backpackers Hostel ở chân núi Aso, Kyushu từ năm 2009, nằm trong những người nắm bắt được văn hóa nhà trọ ở vùng nông thôn Nhật Bản, phục vụ chủ yếu cho khách du lịch quốc tế đi du lịch một mình. Nơi đây có ký túc xá và phòng riêng, rất phù hợp cho nhu cầu của khách du lịch đơn lẻ. Cà phê miễn phí có sẵn cả ngày, và một thư viện nhỏ có sách ngoại văn là một điều thú vị, hấp dẫn du khách.

    Hay như Aya, một phụ nữ ở độ tuổi cuối 30 đang làm việc chăm chỉ để thành lập một nhà hàng trải nghiệm ở tỉnh Miyagi. Người phụ nữ này từng là một trong những tình nguyện viên của trận động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Trong một nỗ lực để hồi sinh vùng đất, cô đã lập nên một nhà hàng có sự tham gia của người dân và cho phép khách tham gia vào việc tạo ra món ăn cho riêng họ. Nơi đây cũng góp phần tạo cơ hội việc làm cho các bà mẹ đơn thân tại địa phương.

    nông thôn

    Ayaka Suita, 30 tuổi, đã rời bỏ công việc nhân sự của mình ở Tokyo trong thời kỳ đại dịch để chuyển đến Tsuno-cho, Miyazaki, một thị trấn nhỏ với dân số 10.000 người, để tham gia một công ty khởi nghiệp. Ảnh: The Washington Post

    Kana Hashimoto, nhân vật được đề cập ở đầu bài, từng làm việc tại công ty bảo hiểm ở Tokyo. Vào tháng 4/2021, cô chuyển đến Minami-Aso, một ngôi làng có khoảng 11.000 người ở miền nam Nhật Bản và hiện cân bằng nhiều công việc mà cô yêu thích: làm nông, giúp phân phối nguyên liệu địa phương cho các nhà hàng gần đó, làm việc tại một cửa hàng súp miso và một spa suối nước nóng. “Cuộc sống của tôi bây giờ hoàn toàn khác,” cô nói. “Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ quay lại Tokyo. Tôi thích cách tôi được bao bọc bởi thiên nhiên, mang đến cảm giác khỏe mạnh và tràn đầy cảm xúc”.

    Bỏ phố về quê và những áp lực phải đối mặt

    Nhiều người nghĩ rằng việc người trẻ bỏ thành thị về nông thôn là cách họ chạy trốn khỏi áp lực. Tuy nhiên, mỗi nơi, mỗi công việc đều có những khó khăn riêng. Những người trẻ chuyển đến các vùng nông thôn thường chiếm thiểu số trong độ tuổi ở nơi đây, gây khó khăn cho việc xây dựng các mối quan hệ xã hội mới. Ở khu vực nông thôn, nơi còn bị chi phối bởi các giá trị bảo thủ, có xu hướng đánh giá thấp vai trò của phụ nữ trong xã hội và nhiều người cần phải tự mình vượt qua thử thách này. 
    nông thôn
    Kana Hashimoto hạnh phúc khi được sống cuộc sống cô mong ước, dù trước đó vấp phải nhiều sự phản đối từ cha mẹ. Ảnh: The Washington Post

    Bên cạnh đó, việc đi ngược với số đông khiến những người trẻ phải đối mặt với lời phản đối của gia đình, bạn bè, những người đã kì vọng họ đạt được những thành tựu trong các doanh nghiệp lớn. 

    Tuy nhiên, việc người trẻ xây dựng sự nghiệp ở nông thôn đã mang lại nguồn năng lượng hiện đại, sang trọng và trẻ trung cho các thị trấn nhỏ, và quan trọng nhất là mang lại cảm giác lạc quan cho vùng nông thôn Nhật Bản.

    kilala.vn

    11/12/2021

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!