Hành trình giải cứu ngựa đua khỏi lò mổ

    Sau khi cống hiến hết mình cho các giải đấu, rất hiếm ngựa đua được trở về cuộc sống bình yên và "nghỉ hưu" trên các đồng cỏ, mà thay vào đó, chúng thường xuyên phải chịu đựng các cơn đau rồi bị đem đến lò mổ, kết thúc cuộc đời bằng một dấu chấm buồn. 

    Là Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Retired Horse Association (RHA - Hiệp hội ngựa về hưu) có trụ sở tại Katori, tỉnh Chiba, bà Kyoko Numata (69 tuổi) chính là người tiên phong trong công cuộc giải cứu ngựa đua khỏi lò mổ. Điều bất ngờ là phong trào này còn được thúc đẩy nhờ vào sự phổ biến của trò chơi điện tử “Uma Musume: Pretty Derby” được phát hành bởi Cygames.

    bà Kyoko Nutama
    Bà Kyoko Nutama, Chủ tịch Hiệp hội ngựa về hưu Nhật Bản. Ảnh: mainichi.jp

    Người tiên phong trong công cuộc bảo vệ ngựa đua về hưu

    Mỗi năm, tại Nhật Bản có khoảng 7.000 ngựa đua ra mắt và tất cả chúng đều phải đối mặt với tương lai buộc phải giải nghệ khi không còn đủ năng lực thi đấu. Sau đó, chỉ một vài chú ngựa có thể tận hưởng cuộc sống thanh bình giữa thiên nhiên.

    Ngựa đua khi đã về hưu thì rất khó để huấn luyện phục vụ các chuyến cưỡi ngựa. Ngựa già cũng thường gặp phải các chấn thương dai dẳng, do vậy mà nhiều chú đã bị giết lấy thịt hoặc cho các mục đích khác. 

    Cách đây 25 năm, bà Nutama thành lập một câu lạc bộ cưỡi ngựa ở Katori và thỏa thuận để mua một chú ngựa đua về hưu có tính cách khá nóng nảy. Bà cho biết: “Khi đó tôi cảm thấy khó chịu khi biết chú ngựa có thể sẽ bị đưa đến lò mổ.” Nutama và những người ủng hộ bà đã quyết định nuôi dưỡng chú.

    bà Kyoko Nutama cho ngựa ăn
    Bà Kyoko Nutama dành nhiều nỗ lực để bảo vệ ngựa đua về hưu khỏi lò mổ. Ảnh: withnews.jp

    Mặc dù liên tục chịu đựng những lời chỉ trích rằng bà sẽ không thể nào cứu hết toàn bộ ngựa đua từ các lò mổ, nhưng bà Nutama không hề từ bỏ. Nỗ lực của bà đã nhận được sự ủng hộ từ những người không phải là fan hâm mộ của ngựa đua. Chính những cố gắng không ngừng nghỉ ấy đã khiến cho Hiệp hội ngựa đua Nhật Bản (Japan Racing Association – JRA) thực hiện các biện pháp hỗ trợ ngựa đua về hưu. 

    Xem thêm: Ngựa: loài vật linh thiêng trong tôn giáo Thần đạo

    Điều thú vị là phong trào giải cứu ngựa đua về hưu tại Nhật còn được thúc đẩy một phần bởi sự nổi tiếng của trò chơi điện tử “Uma Musume Pretty Derby”.

    "Uma Musume" có nghĩa là “cô gái ngựa”. Trong game, những con ngựa đua nổi tiếng được tái sinh thành những cô gái ngựa có tai và đuôi, còn người chơi sẽ đóng vai người huấn luyện để giành chiến thắng ở các cuộc đua.

    Uma-Musume-Pretty-Derby
    Game Uma Musume: Pretty Derby. Ảnh: famitsu.com

    Cách đây 5 năm, tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội ngựa về hưu (RHA) nơi bà Numata là Chủ tịch bắt đầu vận động quyên góp vào ngày sinh nhật của Nice Nature, chú ngựa nhận được nhiều sự chú ý sau khi xếp ở vị trí thứ 3 trong cuộc đua Arima Kinen trong ba năm liền.

    Ở lần đầu tiên này, chỉ có 48 cá nhân tham gia với tổng số tiền quyên góp vỏn vẹn 200.000 yên. Nhưng trong năm nay, ở lần sinh nhật thứ 34 của Nice Nature, con số này đã lên đến 54 triệu yên, từ 17.000 mạnh thường quân. Đồng thời, RHA cũng nhận được lời nhắn động viên từ những người biết về Nice Nature và vấn đề của những chú ngựa đua về hưu thông qua trò chơi điện tử Uma Musume.

    tình yêu sâu đậm của bà Kyoko Nutama dành cho ngựa
    Ảnh: news.netkeiba.com

    Các khoản quyên góp được sử dụng để đào tạo các chú ngựa đua về hưu theo dự án tái tuyển dụng. Hiện tại, tổ chức RHA đang nuôi dưỡng 103 chú ngựa về hưu và có khoảng 3.300 người từ trong lẫn ngoài nước hiện là thành viên. Tham gia vào tổ chức còn có 40 trang trại hợp tác và các trường học ở Hokkaido, Yamanashi, Hyogo, Okayama. 

    Bà Nutama đang lên kế hoạch tạo ra một môi trường mà ở đó ngựa trở nên cần thiết với con người. Bà mong muốn xây dựng một cơ chế riêng, trong đó ngựa có thể tạo ra lợi nhuận ở nơi làm việc mới của chúng mà không cần sự hỗ trợ từ tình nguyện viên.

    Tuy mục đích cuối cùng của bà là bảo vệ tất cả các chú ngựa đã về hưu, nhưng bà vẫn giữ tâm thế tập trung hoàn toàn vào những chú ngựa đang nuôi ở RHA. Bà Nutama bày tỏ: “Tôi sẽ xây dựng mối quan hệ để khiến cho cả ngựa và người đều hạnh phúc”. 

    Trang trại dành cho những chú ngựa đua

    Được mệnh danh là “quê hương của ngựa đua”, trang trại “Northern Lake” tại Niikappu, Hokkaido hút mắt với cánh đồng cỏ rộng lớn trải dài, là ngôi nhà của nhiều chú ngựa thuần chủng đã nghỉ hưu và cả những chú ngựa con. 

    Khu đất rộng 7 hecta từng là một trang trại này đã được thuê và mở cửa trở lại vào năm 2020 bởi ông Yasuyuki Kawagoe, 57 tuổi, người chăm ngựa lâu năm cho Hiệp hội ngựa đua Nhật Bản và vợ Sachie Sasaki, 56 tuổi, một cây bút chuyên về ngựa đua. 

    trang trại Northern Lake
    Trang trại Northern Lake. Ảnh: Asahi 

    Hiện tại, trang trại đang nuôi dưỡng 6 chú ngựa, bao gồm hai chú ngựa được gửi đến bởi RHA, tổ chức phi lợi nhuận do bà Numata sáng lập. 

    chú ngựa Taiki Shuttle
    Thiện mã Taiki Shuttle nổi danh trong giới ngựa đua Nhật Bản. Ảnh: Asahi 

    Một trong đó là Taiki Shuttle, năm lần vô địch giải Grade One, đã tham gia nhiều cuộc đua trong và ngoài nước Nhật. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Taiki Shuttle nghịch ngợm thường cố tình giẫm lên chân người chăm nuôi, nhưng bây giờ, ở tuổi 28, chú dường như đã mất đi nét hồn nhiên thuở nào. 

    Chú ngựa còn lại khá hiền lành tên là Meisho Doto, 26 tuổi, đã từng chiến thắng trong cuộc thi đấu Takarazuka Kinen danh tiếng.

    chú ngựa Meisho Doto
    Meisho trầm tĩnh, chẳng để tâm và tỏ ra giận dữ khi chú mèo cưng Meto của trang trại chễm chệ ngồi trên lưng mình. Ảnh: Asahi 

    Mọi việc bắt đầu khi ông Kawagoe, sau khi nghỉ công việc chăm sóc ngựa đua, đã chứng kiến có người mua lại ngựa đua để về nuôi tại trang trại và điều đó đã làm ông thức tỉnh. Kawagoe nhớ lại: “Dù những chú ngựa mang đến cho tôi nhiều lợi ích, chúng cho tôi công ăn việc làm, nhưng bản thân tôi lại hầu như chưa làm được gì cho chúng”.

    Ban đầu khi mở trang trại Northern Lake, vợ chồng ông hướng đến bảo vệ những chú ngựa ít người biết đến.

    Trước kia ông Kawagoe từng phụ trách chăm sóc chú ngựa có thân hình nhỏ bé Kirishimano Hoshi đến từ vùng Kyushu, đã tham gia 188 giải đấu nhưng chưa hề giành chiến thắng. Tuy vậy chú ngựa vẫn kiên trì biểu diễn tại trường đua Sonoda ở Amagasaki, tỉnh Hyogo mãi cho đến khi lên 10 - độ tuổi khá lớn để tiếp tục được biểu diễn nên đã về hưu sau đó.

    Với hy vọng trả ơn cho loài ngựa, Kawagoe đã ra sức tìm kiếm Kirishimano Hoshi và phát hiện ra cô ngựa đang được nuôi ở một trang trại. Ngay lập tức, ông đã mua lại Kirishimano dù chi phí nuôi là khá cao, từ 500.000 yên đến 1 triệu yên/năm, bao gồm nơi ở và các phí nuôi dưỡng khác.

    Hiện nay, vợ chồng ông bà Kawagoe và Sasaki vẫn đang tiến bước hoàn thành sứ mệnh trả ơn loài ngựa thông qua việc mua lại ngựa đua giải nghệ về nuôi dưỡng.

    Xem thêm: Cuộc sống của chú ngựa thiêng Kirara ở đền Gohozan Kumano

    Yasuyuki Kawagoe và Sachie Sasaki
    Yasuyuki Kawagoe và Sachie Sasaki đứng cùng chú ngựa Kirishimano Hoshi trong cảnh phim "Kyo mo Dokokade Uma wa Umareru” tại tỉnh Ibaraki năm 2019. Ảnh: Asahi

    kilala.vn

    13/09/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!