Chính quyền Nhật Bản sử dụng AI như thần Cupid thời đại mới
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người Nhật kết hôn muộn hoặc không kết hôn, trí tuệ nhân tạo (AI) được chính quyền Nhật Bản sử dụng như một “vũ khí” mới trong cuộc chiến đảo ngược xu hướng này.
Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3 năm 2023, 31 trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản đã cung cấp dịch vụ mai mối AI để tìm bạn đời, và chính quyền Tokyo cũng tham gia vào tháng 12.
Lo lắng về tỷ lệ sinh giảm và dân số già, tỉnh Ehime ở miền Tây Nhật Bản đã sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (big data) để kết nối mọi người với đối tác tiềm năng. Hệ thống của tỉnh đề xuất bạn đời dựa trên thông tin cá nhân đã đăng ký với trung tâm hỗ trợ kết hôn và lịch sử duyệt web của người đang tìm bạn đời.
Hirotake Iwamaru, cố vấn tại trung tâm cho biết, mục đích của chương trình là mở rộng quan niệm của mọi người để họ không bị bó buộc trong suy nghĩ về trường đại học hoặc tuổi tác (khi tìm kiếm bạn đời). Được biết, mỗi năm có khoảng 90 cặp vợ chồng kết hôn với sự hỗ trợ của trung tâm.
Tỉnh Tochigi, phía bắc Tokyo, cũng sử dụng hệ thống tương tự. Theo Katsuji Katayanagi thuộc Trung tâm hỗ trợ hôn nhân của tỉnh, người trẻ tuổi có xu hướng giao việc cho người khác làm, vì vậy đôi khi cần ứng dụng dữ liệu để giới thiệu bạn đời.
Trong một hệ thống khác, người dùng trả lời hơn 100 câu hỏi, dựa trên đó AI sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở đối tác tiềm năng và ngược lại trước khi giới thiệu họ.
Tại tỉnh Saitama, gần Tokyo, nơi hệ thống này được giới thiệu vào năm 2018, 139 cặp đôi đã kết hôn vào cuối tháng 11 năm ngoái. Trong đó, một số thừa nhận đã gặp một người mà họ có thể không tự mình chọn.
Tỉnh Shiga đã thành lập một trung tâm hỗ trợ hôn nhân trực tuyến vào năm 2022 và sử dụng hệ thống tương tự ở Saitama. Tính đến cuối tháng 1, đã có 13 cặp đôi quyết định kết hôn thông qua trung tâm hỗ trợ, 6 người trong số họ kết đôi với các đối tác do AI giới thiệu.
Một phụ nữ ở độ tuổi 30 sắp kết hôn với người bạn đời mà cô gặp thông qua dịch vụ AI cho biết: "Lúc đầu, tôi có chút phản kháng và lo lắng khi sử dụng hệ thống, nhưng tôi rất vui vì đã có đủ can đảm để đăng ký".
Mayu Komori, giám đốc Văn phòng Trẻ em và Thanh thiếu niên tỉnh Shiga khuyến nghị rằng những người sử dụng dịch vụ nên nghiêm túc trong việc kết hôn vì phí đăng ký không quá rẻ, với 15.000 yên (2,4 triệu đồng) trong hai năm.
Takeaki Uno, Giáo sư Lý thuyết thuật toán tại Viện Tin học Quốc gia, người từng tham gia phát triển hệ thống của tỉnh Ehime, cho biết việc sử dụng AI trong các dịch vụ mai mối sẽ mở rộng phạm vi đối tác tiềm năng.
Ông nói: “Về mặt hiệu quả chi phí, nó dễ sử dụng hơn hệ thống tư nhân và mang lại lợi ích cho nhiều người”.
kilala.vn
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận