Bói toán: Ngành nghề hái ra tiền ở Nhật Bản
Bói toán đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Nhật khi mỗi năm, họ chi khoảng 1,2 tỷ yên (xấp xỉ 256 tỷ đồng) dành cho việc xem bói (theo thống kê từ TV Tokyo) và con số này vẫn đang có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Bói toán hay “占い – Uranai” trong tiếng Nhật rất đa dạng với nhiều hình thức từ “おみくじ – Omikuji”, quẻ gieo vận mệnh trong năm mới tại đền chùa đến các lá số tử vi, cung hoàng đạo. Khác với nhiều quốc gia xem đây là hình thức mê tín dị đoan, bói toán tại Nhật lại trở thành một nét văn hoá độc đáo và đi sâu vào đời sống của người dân khi chúng được phát sóng mỗi ngày trên chương trình TV buổi sáng và nhiều người còn chọn trang phục hợp phong thủy theo từng ngày.
Sự ra đời của bói toán tại Nhật Bản
Bói toán đóng một vai trò quan trọng trong việc trị quốc của các quốc gia cổ đại như Ai Cập, Trung Quốc, Lưỡng Hà, Ấn Độ và cả Nhật Bản. Họ thông qua việc quan sát sự chuyển động của các vì sao để dự đoán mùa màng bội thu cũng như các chiến lược trong chiến tranh.
Himiko (卑弥呼) - nữ hoàng kiêm pháp sư đầu tiên của vương quốc Yamatai, thuộc nước Yamato cổ đại, ở thế kỷ thứ 3 sau công nguyên đã sử dụng thuật bói toán để cai trị đất nước. Bà được miêu tả là người sở hữu phép thuật kỳ bí và nổi tiếng với chiếc gương ma thuật “三角縁神獣鏡- Sankakubuchi Shinjuukyou” – một loại gương hội tụ ánh sáng bằng đồng, phía sau khắc các hoa văn và họa tiết thần bí, được nữ hoàng Himiko dùng cho mục đích tâm linh, thần học. Hiện tại, chiếc gương đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto.
Đến thời Asuka (550 – 715), các hình thức bói toán như “亀卜 – Kiboku – Bói mai rùa” và “式占 – Shikisen” (bói toán sử dụng các công cụ đơn giản như bàn Shikiban) đã ra đời. Cùng với đó, thuyết Ngũ hành Ying-Yang của Trung Quốc cũng được du nhập vào Nhật Bản và được sử dụng trong việc đưa ra các chính sách của quốc gia.
Vào thời kỳ Nara (710 – 794), thời Heian (794 – 1185), các âm dương sư (陰陽師 – Onmyouji) sử dụng thuật âm dương, phong thuỷ và có khả năng tiên tri đã xuất hiện, tham gia vào chính trị với tư cách là những pháp sư quốc gia rất được trọng vọng.
Đến thời Kamakura (1185 – 1333), bói quả cầu pha lê và chiêm tinh quen thuộc với chúng ta ngày nay đã ra đời. Đặc biệt, vào thời Muromachi (1333 – 1573), bói toán trở nên phổ biến trong dân chúng, thậm chí còn có một trường chuyên dạy về bói toán mang tên “足刈学校 – Ashikaga gakkou” đã được thành lập. Đến thời Edo (1603 – 1868), rất nhiều thầy bói hoạt động tại các thành phố và việc xem bói cũng trở nên quen thuộc trong cuộc sống của người dân.
Vì sao người Nhật lại chuộng bói toán?
Bói toán được ví như một liều thuốc an thần vì không chỉ đưa ra những lời khuyên hướng tới một cuộc sống tốt đẹp mà còn giúp tư vấn cách giải quyết những lo âu trong cuộc sống để người xem bói cảm thấy thanh thản hơn. Chính vì lẽ đó, bói toán được nhiều người Nhật ưa chuộng, và tuỳ vào từng thời đại lại có các hình thức bói toán phù hợp.
Theo lý giải từ Kazunori Kawai - chủ biên của Koiunreki, một trong ba tạp chí chuyên về bói toán hàng đầu tại Nhật, đất nước Mặt trời mọc nổi tiếng với nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó đóng vai trò chủ đạo là Thần đạo và Phật giáo nên người Nhật dễ dàng chấp nhận bói toán. Thêm vào đó, hầu hết mọi người không tin chỉ có một Chúa Giê-su mà Đức Chúa Trời có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, chính tâm lý này khiến người Nhật tin vào sự hiện diện của vị thần theo dõi và quyết định vận mệnh của mỗi người. Quan niệm về thần thánh khác biệt này của người Nhật giúp ngành bói toán trở nên phát đạt hơn.
Bói toán là ngành nghề hái ra tiền ở Nhật
Trên con phố Takeshita ở Harajuku, quận Shibuya, Tokyo, Tarim là một khu vực dành riêng cho thầy bói, trở thành thánh địa cho bói toán và mỗi tối, rất nhiều thầy bói dựng sạp để hành nghề tại đây. Theo chia sẻ từ thầy bói Misono đang hoạt động tại Tarim, mỗi buổi xem kéo dài 30 phút, bà tính phí là 5.000 yên (khoảng 1.000.000 VND). Misono thường làm việc 3 ngày/tuần và mỗi ngày xem cho tầm 8 khách. Mặc dù một phần lớn thu nhập từ việc xem bói phải nộp lại cho người quản lý, nhưng bà nhấn mạnh rằng mình vẫn kiếm đủ tiền để nuôi hai con cùng với chồng. Tuy vậy, bà cũng cho biết đây là công việc thiếu an toàn, không có tiền thưởng và bảo hiểm. Ở một số khu vực, các thầy bói có thể bị Yakuza – băng đảng xã hội đen ở Nhật đòi tiền định kỳ.
Hiroshi Takeshita, một thầy bói khác tự mở sạp bói riêng tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa chia sẻ ông tiếp 10 khách/ngày và tính phí 5.000 yên cho một lượt xem 45 phút. Khác với bà Misono, ông không phải nộp bất kỳ khoản phí nào mà toàn bộ thu nhập vẫn về túi riêng. Hiroshi bật mí thêm công việc kinh doanh này phát triển nhanh chóng và lịch trình xem bói của ông đã được khách đặt trước hàng tháng trời.
Terutsugu Eguma, 78 tuổi là một thầy bói hoạt động tại đường phố của khu phố mua sắm sầm uất Ginza, Tokyo chia sẻ: “Người Nhật rất thích xem bói. Tôi từng là một nha sĩ và bây giờ đã nghỉ hưu. Tôi học về bói toán từ sách vở, nhưng cũng đã tham gia một số lớp học”. Mức phí cơ bản cho một buổi xem của ông có giá 3.000 yên (khoảng 600.000 VND) từ 5-10 phút. Ông nói rằng 98% khách hàng của mình là những phụ nữ trẻ có nhiều lo lắng về đời sống tình cảm. Họ thường xuyên tìm đến ông, thường là cách khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn để xin các lời khuyên giúp mối quan hệ tình cảm bền lâu. “Lý do khiến tôi làm nghề bói toán là vì muốn lắng nghe những câu chuyện về cuộc sống của mọi người. Điều này thật sự rất hấp dẫn”, ông Eguma cười và chia sẻ. Một nữ thầy bói khác tên Hinoki, 60 tuổi đã hành nghề 9 năm tại Ginza cũng lấy phí cho một lần xem là khoảng 3.000 yên.
Ngoài việc xem bói trực tiếp 1-1, các thầy bói tại Nhật còn có thể tham gia viết các bài báo về bói toán cho nhiều tạp chí, hoặc xem bói qua điện thoại với mức phí từ 5.000 yên đến 8.000 yên cho 20 phút tại Tokyo. Thêm vào đó, một số thầy bói còn có thể giảng dạy tại nhiều trường lớp ở xứ sở Phù Tang. Theo daydaynews, thu nhập hằng năm của một số thầy bói có thể lên đến 10 triệu yên, có sự dao động lớn phụ thuộc vào kỹ năng và sự nổi tiếng của họ. Thậm chí, từng có những thầy bói đã tính phí lên đến 30.000 yên cho việc xem bói trực tiếp.
Thầy bói chuyên nghiệp tại Nhật phải thành thạo 3 loại bói toán
Masakatsu Hayashi, Chủ tịch của Starmark Co., một công ty quản lý các thầy bói chuyên nghiệp, sản xuất các chương trình bói toán trên điện thoại di động và website cho biết, có 3 loại bói toán cần phải thành thạo trước khi có thể được xem là một thầy bói chuyên nghiệp.
Đầu tiên là hình thức xem bói “命占 - Meisen” gồm các phương pháp đọc vận mệnh dựa trên ngày tháng năm sinh của cả chiêm tinh học phương Đông và phương Tây. Loại thứ hai là “卜占- Bokusen”, sử dụng đồ vật để đưa ra các lời tiên đoán cho người tìm kiếm lời khuyên trước một quyết định nào đó trong cuộc sống của họ. Kinh Dịch, bài Tarot và xem cầu pha lê được xếp vào nhóm Bokusen. Cuối cùng là “相占 - Sousen”, liên quan đến việc bói toán dựa trên quan sát trực quan gồm xem tướng số, diện mạo, phong thuỷ và giải đoán giấc mơ.
Mẹ của Hayashi cũng là một bậc thầy về bói toán và ông cảm thấy rằng nghề nghiệp này giống như công việc của một nhà tư vấn tâm lý. “Ở Nhật Bản, khi một ai đó bị trầm cảm hoặc bị bủa vây bởi nhiều rắc rối, họ thường muốn tìm đến thầy bói hơn là bác sĩ tâm lý”, ông Hayashi chia sẻ.
Những bậc thầy bói toán tại Nhật Bản
Ngoài Nữ hoàng pháp sư Himiko, hai pháp sư thời xưa nổi tiếng tại Nhật Bản là En-no-Gyoja và Abe no Seimei. Sống vào thế kỷ thứ 7, En no gyoja được xem là một pháp sư vĩ đại, sở hữu sức mạnh ma thuật bí ẩn, cũng là một hiền triết ẩn dật trong núi, sáng tạo ra Shugendo (修験道 - Tu nghiệm đạo), một giáo phái kết hợp giữa tín ngưỡng Thần đạo bản địa và tín ngưỡng Phật giáo của Ấn Độ. Còn Abe no Seimei (安倍 晴明) sống ở thời Heian cũng rất nổi danh với tài bói toán, được Thiên hoàng tin tưởng nhờ đưa ra lời khuyên cho nhiều vấn đề chính trị.
Vào đầu năm 2000, Kazuko Hosoki (細木 数子) sinh ngày 04/04/1938 trở thành nữ thầy bói nổi danh tại Nhật Bản khi dẫn chương trình về bói toán “ズバリ言うはよ – Zubari Iu Wa Yo!” của đài TBS cùng với thần tượng thời bấy giờ là Takizawa Hideaki – diễn viên kiêm thành viên nhóm nhạc Tackey & Tsubasa. Chương trình nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng và có lượng người hâm mộ đông đảo. Trong thời kỳ hoàng kim của nó, cả diễn viên Thành Long cũng tham gia. Không dừng lại ở đây, Hosoki còn xuất bản 100 cuốn sách về bói toán và doanh số rất khả quan.
Xu hướng mới trong bói toán tại Nhật Bản
Vào đầu những năm 2000, tại Nhật Bản còn phát triển một loại hình bói toán mới là “Aura” trên chương trình truyền hình “オーラの泉 – Oora no Izumi – The Foutain of Aura" của đài Asahi TV, được phát sóng hàng tuần từ giữa năm 2005 đến năm 2009, dẫn dắt bởi bởi Hiroyuki Ehara.
Trong các số phát sóng, Ehara kể lại kiếp sống trước của khách mời, cũng như nhận xét về màu sắc hào quang toả ra quanh họ. Kể từ đó, loại hình này trở nên ngày càng phổ biến tại Nhật. Emi Inoue, 28 tuổi đang làm việc tại một công ty dịch thuật ở Tokyo chia sẻ trong một lần đi xem bói ở một thầy bói nổi tiếng tại thành phố Fukuoka cùng bạn của mình, cô được cho biết kiếp trước từng là một nữ tu ở vùng núi của Thụy Sĩ, dành cả tuổi già để bảo vệ tro cốt của người mình yêu đã qua đời. Mặc dù phương pháp xem Aura và tiền kiếp ngày càng được phổ biến, nhưng theo Masakatsu Hayashi, Chủ tịch của Starmark Co., nó không đáng tin cậy vì không sử dụng nhiều kỹ thuật, mà phần lớn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của thầy bói.
Hiện nay, với sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh, ngày càng có nhiều trang trực tuyến chuyên về bói toán ra đời. Theo Kumiko Wada làm việc tại Zappallas Inc., công ty đang điều hành mạng lưới các website, ứng dụng điện thoại về bói toán lớn nhất tại Nhật Bản, cho biết số lượng thành viên trên các trang bói toán của họ tăng đều trong những năm qua và đạt 1,47 triệu người vào tháng 1/2008. Chi phí đăng ký vào bất kỳ trong số 220 trang website bói toán mà Zappallas điều hành đều thu phí 300 yên/tháng. Wada chia sẻ khách hàng mục tiêu của họ là những phụ nữ trẻ tuổi từ 20 đến 30 và vấn đề xem bói chủ yếu liên quan đến tình cảm. Theo số liệu từ Diễn đàn nội dung di động (Mobile Content Forum) được tờ Japan Times đưa tin, thị trường xem bói trên thiết bị điện thoại đã tăng từ 10,3 tỷ yên năm 2004 lên 18,2 tỷ yên vào năm 2007 và dự kiến tiếp tục tăng.
Ngoài ra, tại Nhật Bản cũng xuất hiện hình thức bói toán bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, khi công nghệ quá phát triển, ngành nghề bói toán tại Nhật có sự thay đổi rất lớn và những thầy bói truyền thống rất dễ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
kilala.vn
12/08/2021
Bài: Rin
Nguồn: japantimes
Đăng nhập tài khoản để bình luận