Vì sao người Nhật không mang thức ăn thừa về nhà?
Nổi tiếng với triết lí “mottainai – không lãng phí”, tuy nhiên không phải lúc nào Người Nhật cũng thực hành “mottainai”. Trên thực tế, khi dùng bữa ở bên ngoài, họ thường không có thói quen đóng gói thức ăn thừa mang về và hầu hết các nhà hàng, quán ăn cũng không chấp nhận việc làm này.
Không phải là thông lệ ở Nhật Bản
Các nhà hàng tại Nhật Bản thường phục vụ các bữa ăn với khẩu phần phù hợp để thực khách có thể thoải mái thưởng thức hết trong một lần, nhờ đó hạn chế việc dư thừa. Tuy nhiên, trong trường hợp thực khách lỡ gọi quá nhiều thức ăn thì việc cung cấp túi đựng đồ ăn thừa cũng là điều hiếm thấy tại các hàng quán trên đất nước này.
Dịch vụ mua mang đi hoặc giao hàng tận nơi vẫn được cung cấp tại một số nhà hàng, quán ăn. Khi này, các hàng quán sẽ có cách đóng gói đúng quy chuẩn để đảm bảo món ăn đến tay khách hàng vẫn giữ nguyên chất lượng. Nhưng nếu thực khách đã dùng bữa tại chỗ và ngỏ ý muốn đóng gói thức ăn thừa để mang về, thông thường phục vụ sẽ từ chối yêu cầu.

Có một số lí do khiến cho việc mang thức ăn thừa từ các hàng quán về nhà không phải là thông lệ ở Nhật Bản. Trước hết là mối quan ngại về sức khỏe của thực khách.
Các cơ sở ăn uống ở Nhật Bản rất chú trọng đến vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm. Khi khách hàng mang thức ăn thừa về nhà nhưng bảo quản và xử lí không đúng cách, thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn, biến chất và gây ra ngộ độc.
Mặt khác, ẩm thực truyền thống của xứ sở Phù Tang thường sử dụng các nguyên liệu tươi sống và được bài trí công phu, đẹp mắt. Do đó, thức ăn thừa đóng gói mang về khó giữ được tính thẩm mĩ, hương vị cũng như kết cấu.
Lẽ dĩ nhiên, các hàng quán muốn tránh hết sức có thể những điều sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của cơ sở hoặc khiến họ dính líu đến trách nhiệm pháp lí.
Khuyến khích mang thức ăn thừa về nhà để giảm lãng phí thực phẩm
Tại Nhật, lượng rác thải thực phẩm ước tính là 6,21 triệu tấn mỗi năm, trong đó khoảng 3,39 triệu tấn phát sinh từ các doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm và 35% trong số đó (khoảng 1,19 triệu tấn) phát sinh từ ngành công nghiệp nhà hàng.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 06/2024, Nhật Bản có khoảng 4.720.000 tấn thực phẩm lãng phí trong năm tài chính 2022, trong đó có gần một nửa đến từ các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm.

Cuối năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng và Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn về việc mang thức ăn thừa về nhà như một nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm.
Nội dung chính bao gồm hướng dẫn dành cho các nhà hàng, izakaya (quán rượu kiểu Nhật), khách sạn và các cơ sở ăn uống khác cách phân loại thực phẩm an toàn và không an toàn đối với việc đóng gói mang về, phương pháp đóng gói thức ăn thừa, cùng với một khung pháp lý trong trường hợp có người bị ngộ độc thực phẩm sau khi tiêu thụ đồ ăn thừa mang về.
Chẳng hạn, ngay cả khi khách hàng muốn đóng gói mang về thì một số loại thực phẩm như đồ sống hoặc thực phẩm chưa được nấu chín kỹ sẽ không được chấp nhận. Việc chuyển phần thức ăn chưa ăn hết vào hộp đựng sẽ do khách hàng tự thực hiện, và hộp đựng sẽ do nhà hàng cung cấp.
Ngoài ra, có một điểm quan trọng được nhấn mạnh, đó là cần thiết phải truyền đạt rằng ngay cả đối với những loại thực phẩm được phép đóng gói mang về theo hướng dẫn, thì trách nhiệm cuối cùng trong việc xác định thức ăn thừa có an toàn để ăn hay không là thuộc về khách hàng chứ không phải cơ sở ăn uống. Mặc dù vậy, nhà hàng vẫn có thể bị điều tra nếu xảy ra sự cố về sức khỏe.
Một cuộc khảo sát vào tháng 01/2025 do Kuradashi tiến hành trên 2.010 người trong độ tuổi 20 trở lên cho thấy có trên 80% số người được hỏi muốn mang thức ăn thừa về nhà.
Cụ thể hơn, 52,0% cho biết họ muốn sử dụng hộp đựng để mang thức ăn thừa về nhà nếu chúng được cung cấp miễn phí và 28,8% cho biết họ sẵn sàng sử dụng hộp đựng thức ăn mang về bất kể chúng có miễn phí hay không. Ngoài ra, 14,5% trả lời rằng họ chưa bao giờ để thừa thức ăn tại nhà hàng.

Vẫn còn những lo ngại
Trái với nguyện vọng của khách hàng, hiện nay phần lớn các nhà hàng, quán ăn ở Nhật Bản vẫn còn ngần ngại trong việc cho phép khách hàng mang thức ăn thừa về nhà, một mặt vì lo ngại vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm, mặt khác là vì vấn đề hình ảnh và quản lí hoạt động.
Có vẻ như khá rõ ràng rằng nếu muốn, các nhà hàng đã có thể triển khai việc cung cấp túi đóng gói thức ăn thừa cho khách hàng từ lâu, vì các cửa hàng bán thức ăn mang đi và đồ ăn nhanh cũng đã phát triển mạnh tại Nhật.
Có thể đặt ra nghi vấn rằng bên cạnh lo ngại vấn đề vệ sinh và sức khỏe, các cơ sở ăn uống từ chối yêu cầu đóng gói thức ăn thừa mang về còn vì không muốn biến một nhà hàng phục vụ tại chỗ trông giống như một quán ăn mang về bình dân. Hoặc cũng có thể, họ không muốn nhân viên của mình phải gián đoạn công việc chính - chuẩn bị và phục vụ các đơn hàng mới - để đóng gói thứ gì đó không còn mang lại thêm doanh thu cho nhà hàng.

Tạm kết
Việc đóng gói thức ăn thừa mang về không phải là thông lệ ở Nhật Bản, nhưng hiện được chính phủ khuyến khích do nhận thức ngày càng tăng về việc giảm lãng phí thực phẩm và các vấn đề môi trường. Điều quan trọng là các cơ sở ăn uống phải thực hiện đầy đủ biện pháp vệ sinh và tuân theo các hướng dẫn của bộ, còn người tiêu dùng phải tự ý thức về việc đảm bảo an toàn cho bản thân.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận