NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Văn hóa ẩm thực thời Taisho

    Văn hóa ẩm thực thời Taisho

    Chỉ kéo dài trong 15 năm từ 1912 đến 1926, nhưng thời Taisho là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, chứng kiến nhiều biến động về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong thời kì này, văn hóa phương Tây tiếp tục có những ảnh hưởng đáng kể đến Nhật Bản, đặc biệt, “洋食 – Yoshoku” (ẩm thực phương Tây được Nhật hóa) ngày càng phát triển và phổ biến.

    Tổng quan

    Mặc dù văn hóa ẩm thực phương Tây đã du nhập vào Nhật Bản từ thời Meiji nhưng phải đến thời Taisho, các nhà hàng, quán cà phê và cơ sở kinh doanh kiểu Âu mới bắt đầu xuất hiện rộng khắp.

    Chúng phổ biến đến mức vào năm 1923, đã có hơn 30.000 nhà hàng mọc lên ở Tokyo. Cần biết rằng, vào thời điểm này, dân số Tokyo khoảng 2 triệu người, tức là gần như cứ 66 người thì có 1 nhà hàng.

    nha-hang-au
    Các nhà hàng kiểu Âu mọc lên như nấm trong thời Taisho. Ảnh: japanbox.com

    Sự phát triển nhanh chóng của các nhà hàng kiểu Âu đã mang đến cho người dân Nhật Bản cơ hội trải nghiệm ẩm thực phương Tây với giá cả phải chăng. Chính vì vậy, các món ăn theo phong cách Yoshoku như Omurice, Korokke, Tonkatsu và cơm cà ri... cũng ngày càng đến gần hơn với đại chúng.

    Thời Taisho cũng chứng kiến sự bùng nổ trong kinh doanh của nhiều công ty với hàng loạt sản phẩm mang tính biểu tượng đã ra đời.

    Những món ăn theo phong cách Yoshoku

    Omurice

    Omurice (オムライス/omu-raisu) là món cơm cuộn trứng khuấy chiên mỏng với xốt cà chua được rưới bên trên. Hai từ “omu” và “raisu” bắt nguồn từ cách phát âm các từ tiếng Anh “omelet” (trứng tráng, trứng chiên) và “rice” (cơm) của người Nhật.

    omurice
    Ảnh: justonecookbook.com

    Món ăn này được cho là ra đời vào khoảng đầu thế kỉ 20, tại “Rengatei”, một nhà hàng kiểu Âu ở quận Ginza, Tokyo. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cách làm của Rengatei hơi khác một chút - ở đây, trứng đã đánh được trộn vào với cơm rồi chiên lên cùng nhau.

    Trong khi đó, phiên bản gần với Omurice mà chúng ta thường biết có nguồn gốc từ nhà hàng “Panya no Shokudo” mở cửa năm 1922 ở Osaka (ngày nay là nhà hàng Hokkyokusei Shinsaibashi).

    Người ta kể rằng, vào khoảng năm 1925, có một thực khách của nhà hàng thường gọi món trứng chiên và cơm vì mắc chứng đau dạ dày. Để thực khách không thấy nhàm chán, ông Shigeo Kitahashi – chủ nhà hàng đã quyết định làm món ăn trở nên đặc biệt bằng cách trộn cơm với nấm và hành, thêm xốt cà chua vào rồi cuộn trong một miếng trứng mỏng. Khi được hỏi về món ăn, ông đã trả lời rằng, hãy gọi nó là “Omurice”.

    Korokke

    Korokke là món bánh được làm từ hỗn hợp khoai tây nghiền trộn với thịt băm, phủ vụn bánh mì Panko rồi chiên giòn lên, có nguồn gốc từ bánh croquette của Pháp du nhập vào Nhật Bản năm 1887.

    korokke
    Ảnh: livejapan.com

    Vào thời đại Taisho, bánh khoai tây Korokke cùng với Tonkatsu và cơm cà ri là 3 món Yoshoku nổi tiếng hàng đầu ở xứ sở Phù Tang.

    Tonkatsu  

    Nơi khai sinh ra món thịt heo cốt lết chiên xù Tonkatsu là nhà hàng Âu Rengatei mở cửa ở Ginza, Tokyo vào năm 1895 và vẫn còn kinh doanh đến hiện tại. Dựa trên món thịt cốt lết kiểu châu Âu nhưng Tonkatsu được chiên theo kĩ thuật Tempura của Nhật Bản để đỡ ngấy hơn đồng thời đổi từ thịt bê sang thịt lợn cho phù hợp với túi tiền của nhiều người.

    tonkatsu
    Ảnh: otafuku.co.jp

    Ra đời vào khoảng năm 1899 dưới thời Meiji, Tonkatsu tiếp tục được biến tấu và phát triển, rồi trở thành một trong những món Yoshoku được yêu thích trong thời Taisho khi các nhà hàng Âu ở Nhật Bản mọc lên như nấm.

    Cơm cà ri

    Mặc dù cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng cơm cà ri của Nhật Bản (tiếng Nhật: カレーライス) lại chịu ảnh hưởng của phong cách Anh do du nhập bột cà ri của xứ sở sương mù.

    Người Nhật bắt đầu biết đến món ăn này vào khoảng cuối thời Edo tuy nhiên phải đến năm 1913 (năm Taisho thứ 2), bột cà ri tẩm gia vị kiểu Nhật mới lần đầu tiên được bán ở Nhật Bản bởi Seisuke Urakami, người sáng lập “Urakami Shoten”, một cửa hàng bán nguyên liệu hóa dược và là tiền thân của House Foods Group.

    com-ca-ri
    Ảnh: housefoods.jp

    Đến năm 1926, Urakami Shoten cho ra mắt loại cà ri bột đóng hộp có tên “Home Curry”. Nhiều nhà sản xuất khác cũng bắt đầu tung ra thị trường bột cà ri dùng chế biến tại nhà.

    Nhờ đó, món cơm cà ri ngày càng phổ biến, không chỉ có thể tìm thấy ở các nhà hàng kiểu Âu mà còn xuất hiện trong căn bếp của mỗi gia đình Nhật Bản, trở thành một trong những món Yoshoku nổi tiếng nhất thời Taisho.

    Sự ra đời của các sản phẩm biểu tượng

    Nước giải khát vị sữa chua Calpis

    Calpis là một loại đồ uống từ sữa của Nhật Bản, được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1919 dưới thời Taisho. Thức uống này bao gồm nước, sữa gầy, khuẩn lactobacilli hoặc axit lactic, được sản xuất bằng quá trình lên men axit lactic. Calpis có vị hơi chua, tương tự như sữa chua hoặc Yakult.

    calpis
    Ảnh: jpnlifestyle.com

    Ngày nay, Calpis kết hợp cùng đá bào kakigori là món giải khát rất được trẻ em Nhật Bản yêu thích vào những ngày hè oi ả.

    Kewpie Mayonnaise

    Kewpie Mayonaise là xốt mayonnaise đầu tiên của Nhật Bản, ra đời vào năm 1925. Để tạo nên loại xốt mayonnaise thơm ngon, bổ dưỡng, phục vụ cho nhu cầu cải thiện sức khỏe người dân Nhật Bản, người sáng lập tập đoàn Kewpie, ông Toichiro Nakashima đã tăng số lượng lòng đỏ trứng trong sản phẩm lên gấp đôi so với các nhãn hiệu nhập khẩu lúc bấy giờ.

    kewpie-mayonnaise
    Xốt mayonnaise quốc dân Kewpie Mayonnaise ra đời trong thời Taisho. Ảnh: tastingtable.com

    Kể từ khi ra mắt cho đến nay, Kewpie Mayonnaise vẫn luôn là nhãn hiệu xốt mayonnaise bán chạy nhất ở Nhật Bản.

    Meiji chocolate

    Vào những năm 1920, Meiji được xem là nhà sản xuất tiên phong giới thiệu chocolate đến người Nhật. Thanh chocolate sữa được thương hiệu này tung ra vào năm 1926 đã trở thành một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của Nhật Bản.

    meiji-chocolate
    Ảnh: monomax.jp

    Mời bạn đọc thêm những bài viết về thời kỳ Taisho tại đây.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!