Sự tích chú thỏ giã bánh giầy trên cung trăng
Nếu trong văn hóa người Việt Nam, trung thu gắn liền với hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và Thỏ Ngọc cùng quây quần trên cung trăng, thì đối với người Nhật Bản, hình ảnh hiện lên khi nhìn vào mặt trăng mùa thu chính là một chú thỏ đang giã bánh giầy. Tại sao lại có sự liên tưởng đáng yêu như vậy? Hãy cùng Kilala tìm hiểu sự tích trung thu vô cùng thú vị này nhé.
Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng nọ có một chú khỉ, một chú cáo và một chú thỏ sinh sống hòa thuận với nhau. Hằng ngày, 3 người bạn này đều tâm sự về cùng một câu chuyện:
- Tại sao chúng ta lại ở trong lốt những con thú nhỉ?
- Hay do kiếp trước tụi mình làm điều gì gian ác chăng?
- Nếu vậy thì từ nay, chúng ta hãy cùng nhau làm việc có ích cho con người nhé.
Từ trên cao, Thượng Đế sau khi nghe thấy 3 con vật nói chuyện bèn nảy ra ý nghĩ: “Ta sẽ ban cho các ngươi cơ hội để làm việc thiện xem sao”. Thế là, Người hóa phép biến thành một ông cụ già nua và xuất hiện trước mặt khỉ, cáo và thỏ. Khi này, ông lão lên tiếng:
- Này các cháu ơi, ông đói bụng quá, tay chân không thể nhấc nổi nữa. Các cháu có thể cho ông xin một ít thức ăn được không?
3 người bạn nhận thấy cuối cùng mình cũng đã có cơ hội được làm việc tốt nên rất lấy làm phấn chấn, hồ hởi chia nhau đi tìm thức ăn cho ông lão. Chú khỉ nhanh nhẹn trèo lên cây và tìm được những trái cây chín mọng. Chú cáo chạy ra bờ suối và bắt về những con cá tươi roi rói. Trong khi đó, chú thỏ lại không tìm được bất kỳ thức ăn gì. Chú nói với 2 người bạn của mình:
- Tớ sẽ đi tìm thức ăn thêm một lần nữa. Các cậu ở nhà nhóm lửa sẵn giúp tớ nhé.
Nói rồi, chú thỏ lại chạy đi mất. Một lát sau, chú thỏ quay lại, và cũng giống như lần trước, chú không tìm được thức ăn nào cả. Chú thểu não nói với ông lão rằng:
- Con không giỏi trong việc tìm thức ăn nên con không có gì cho ông cả. Con chỉ có tấm thân này thôi, xin ông hãy nhận lấy nhé.
Nói rồi, chú liền lao vào ngọn lửa mà các bạn đã nhóm sẵn để tự biến mình thành thức ăn cho ông lão. Nhìn thấy vậy, Thượng đế liền biến thân trở lại và nhanh chóng can ngăn chú thỏ dũng cảm.
- Ta đã thấu hiểu lòng tốt của tất cả các con. Ở kiếp sau, ta sẽ cho các con được đầu thai làm người. Riêng thỏ, ta sẽ mang con lên cung trăng để hình ảnh của con được lưu giữ mãi mãi, xem như món quà cho lòng tốt và sự dũng cảm của con.
Và đó là lí do mà hằng năm, vào đêm trăng sáng nhất trong năm, người Nhật lại nhìn thấy hình ảnh của một chú thỏ ở trên cung trăng. Còn vì sao lại giã bánh giầy, thì có thể lí giải rằng, do trong tiếng Nhật, từ “trăng rằm” được gọi là “Mochiduki - 望月”, khá giống với chữ “Mochitsuki – 餅つき” tức là “giã bánh giầy”, nên mới có sự liên tưởng thú vị như vậy.
kilala.vn
26/09/2020
Bài: Khả Lạc
Đăng nhập tài khoản để bình luận