Sự thật người Nhật không thích cười?

    Một vài người khi đi Nhật về luôn có cảm giác người Nhật chỉ có một kiểu cười. Chẳng hạn như khi mua sắm, mặc cho bạn lựa chọn, trả giá bao nhiêu, mua hay không mua thì người bán hàng vẫn luôn mỉm cười tiêu chuẩn với bạn, thậm chí khi bạn đi rồi vẫn còn cúi chào thật sâu. Bạn sẽ cảm nhận được rằng đây là "nụ cười dịch vụ", thiếu đi chút chân thành. Và khi ở cạnh người Nhật một khoảng thời gian, bạn sẽ càng khó nhận ra câu nào là nói thật câu nào là xã giao bởi vì đối phương luôn lịch sự tặng cho bạn một nụ cười đủ chuẩn.

    Trong một cuộc khảo sát "Người Nhật và nụ cười", 71% người Nhật cho rằng xã hội Nhật thiếu những nụ cười. Người Nhật không thích cười, đôi khi mỉm cười cũng không biết là xã giao hay là vì thực sự vui vẻ. Và sau đây là 1 vài nguyên nhân chủ yếu.

    người Nhật không thích cười
    Người Nhật thường thiếu bóng những nụ cười 

    Tính cách độc lập: Giữ khoảng cách an toàn

    Thông qua phim ảnh có thể thấy rõ sự lễ phép của người Nhật. Nếu như họ lỡ nói hoặc cư xử không nên thì sẽ cúi đầu xin lỗi ngay, không chỉ với người lạ mà với bạn bè thân quen và cả người thân trong gia đình cũng thế, khách khí đến ngạc nhiên. Thực ra, từ nhỏ người Nhật đã nhận sự giáo dục như vậy, buộc phải lễ phép, sợ gây phiền toái cho người khác nên luôn che giấu mọi cảm xúc hỉ nộ ái lạc. Mỗi lời nói ra đều cẩn thận vì sợ bị cô lập, sợ khác người nên đôi khi nụ cười lễ phép không xuất phát từ nội tâm mà là áp lực từ bên ngoài.

    Văn hóa "đồng cảm với sự vật"

    văn hóa đồng cảm với sự vật
    Văn hoá "mono no aware" được biết là đồng cảm sự vật 

    Nhật Bản có một loại văn hóa tên là mono no aware, chính là nét văn hóa chỉ những cảm xúc sâu lắng về sự vô thường của vạn vật, về một nỗi buồn đẹp khi suy nghĩ về cuộc đời và sự vật đã hoặc sẽ qua đi.

    Chẳng hạn như khi bán xe lại cho người khác, người Nhật sẽ cúi đầu thật sâu với chiếc xe, nói với nó rằng: "Vất vả nhiều rồi!" Bởi người Nhật tin rằng vạn vật đều có linh tính.

    Trong trà đạo có một thành ngữ là "Ichi go Ichi e" (Nhất kỳ nhất hội), có thể hiểu là "chỉ tại thời điểm này". Thành ngữ này ban đầu vốn được dùng cho Trà đạo. Bởi vì dẫu có thể thưởng trà cùng chính một người nào đó bao lần đi chăng nữa, thì hương vị này, cách uống này, cảm giác này,... cũng sẽ là độc nhất. Và thời điểm đó cũng không thể trở lại được. Vậy nên người với người cần phải quý trọng hơn, chân thành hơn.

    thói quen không thích cười
    Văn hoá uống trà "Ichi go Ichi e" khiến con người sống thật với cảm xúc hơn

    Có lẽ vì nét văn hóa này mà người Nhật đối với nhiều thứ xung quanh đều mang cái nhìn đó, tạo nên một thói quen không thích cười.

    Nguyên nhân xã hội: Áp lực lớn

    Nhật Bản là một quốc gia phát triển, các phương diện về phúc lợi xã hội đều rất tốt tuy nhiên tỉ lệ tự sát của người Nhật vẫn luôn cao. Nguyên nhân căn bản bởi vì người Nhật phải gánh chịu áp lực xã hội tương đối lớn. 

    Người Nhật khi đi làm chịu áp lực từ nhiều phía: đi làm đầy đủ mỗi ngày, tăng ca là chuyện thường, tuổi về hưu lên đến tận 70 tuổi, tiền lương hưu cũng khó lấy đúng hạn. Vậy nên rất nhiều người đến tận 70 tuổi vẫn tiếp tục làm việc để tự nuôi sống bản thân. 

    Tiêu cực hơn có người già không tìm được việc buộc phải cố ý phạm tội để vào tù, bởi vì nơi đây có thể cho họ ngày ba bữa cơm. Nghe ra thật hoang đường, nhưng đã có trường hợp như vậy. Dưới trạng thái cuộc sống đầy áp lực đè nặng như thế, làm sao có thể cười chân thành vui vẻ được?!

    người Nhật gánh chịu áp lực xã hội tương đối lớn
    Áp lực từ xã hội cũng khiến cho người Nhật ít mỉm cười hơn

    Nguyên nhân lịch sử: cười là hổ thẹn

    Đây là quan niệm từ rất lâu rằng: nụ cười được xem là cấm kỵ.

    Cách đây hơn 100 năm, vào thời Edo Nhật Bản thịnh hành tinh thần võ sĩ đạo. Võ sĩ không thể tùy tiện cười, không thể tùy tiện thể hiện cảm xúc mà phải che giấu mọi hỉ nộ ái lạc trong lòng. Sau đó đến thời Minh Trị, thời kỳ này Nhật Bản thi hành chế độ nghĩa vụ phổ thông, cười được cho là một loại hời hợt, lơi lỏng vậy nên tất cả mọi người không thể cười cũng không thích cười. Cho đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, mọi người mới dám cười. Tuy nhiên do nhận sự giáo dục từ nhỏ rằng không thể làm phiền người khác nên dù trong lòng không vui cũng sẽ mỉm cười. Điều này xuất phát từ lễ nghi.

    Cho nên, việc người Nhật không thích cười cũng có nguyên nhân lịch sử, mà bây giờ cười thì có lúc cũng là một loại ngụy trang.

    kilala.vn

    20/09/2019

    Bài: Aki Kanou / Nguồn tham khảo: Sohu / Ảnh: unsplash

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!