Phân biệt Sento và Onsen như thế nào?
Đều là nhà tắm truyền thống nhưng Sento và Onsen mang lại những trải nghiệm khác nhau.
Nhắc đến tắm nước nóng ở đất nước mặt trời mọc, ta thường nghĩ ngay đến Sento và Onsen – hai mô hình nhà tắm công cộng truyền thống quen thuộc. Mặc dù có vẻ tương tự nhau nhưng Sento và Onsen lại có những khác biệt rõ rệt. Nếu muốn trải nghiệm văn hóa tắm của Nhật Bản, dưới đây là một số thông tin cơ bản bạn nên biết trước.
Nguồn nước khác nhau
Để được gọi là Onsen một cách hợp pháp, các cơ sở phải đáp ứng được những quy định được nêu trong Đạo luật Suối nước nóng, chẳng hạn như nước nóng phải đạt 25 độ C và chứa các khoáng chất cụ thể.
Nếu đáp ứng các điều kiện này một cách tự nhiên, cơ sở đó sẽ được gọi là “tennen onsen” (天然温泉), nghĩa là suối nước nóng tự nhiên; còn nếu đáp ứng các điều kiện một cách nhân tạo - ví dụ một con suối có thể chứa đủ khoáng chất nhưng phải được đun nóng đến 25 độ, gọi là “jinko onsen” (人工温泉) – suối nước nóng nhân tạo. Trong khi đó, Sento chỉ cần nước máy nóng để đổ vào bồn tắm.
Mục đích khác nhau
Kể từ thời Heian (794-1185), Sento đã trở thành không gian tắm công cộng và giao lưu cộng đồng. Truyền thống này vẫn tồn tại sau Thế chiến thứ hai do nhiều gia đình thời bấy giờ không có điều kiện tắm rửa tại nhà.
Tuy nhiên, khi phòng tắm riêng tại nhà trở nên phổ biến, số lượng Sento ở Nhật Bản giảm dần. Mặc dù vậy, các luật như Đạo luật Nhà tắm Công cộng đã chính thức công nhận Sento có ý nghĩa thiết yếu với sức khỏe và vệ sinh cộng đồng. Ngược lại, Onsen chủ yếu là điểm đến giải trí và thư giãn. Du khách thường đến các khu suối nước nóng nằm ở ngoại ô thành phố để tắm khoáng, thưởng thức đồ ăn ngon và nghỉ lại qua đêm.
Đạo luật Nhà tắm Công cộng không quản lý các cơ sở bao gồm chỗ ở và nước suối nóng có thành phần nước đặc biệt này. Hơn nữa, “Sento” thường đề cập đến một cơ sở cụ thể, trong khi “Onsen” có thể chỉ một cơ sở duy nhất hoặc toàn bộ khu vực. Ví dụ, ở thị trấn Tamayu ở quận Yatsuka, tỉnh Shimane có một khu phố với nhiều khu nghỉ dưỡng liền kề, mỗi khu nghỉ dưỡng có một cơ sở tắm suối nước nóng đều lấy nước từ cùng một con suối, và vì vậy được gọi chung là Tamatsukuri Onsen (Khu suối nước nóng Tamatsukuri).
Giá cả khác nhau
Thông thường, Onsen sẽ đắt hơn so với Sento. Onsen là doanh nghiệp tư nhân và do chủ sở hữu quyết định giá cả. Trong khi đó, giá Sento được chính phủ quy định, tính đến năm 2020, phí vào cửa tối đa cho người lớn là 520 yên (khoảng 90.000 đồng) – một mức giá hợp lý để bất kỳ ai cũng có thể lui tới và sử dụng mỗi ngày.
Tuy nhiên, quy tắc này cũng tồn tại những trường hợp ngoại lệ. Trong đó, có những cơ sở gọi là “Super Sento”, được phân loại là cơ sở giải trí theo Đạo luật Nhà tắm Công cộng và không bị điều chỉnh về giá. Một ví dụ là Spa World ở Osaka, một trung tâm cung cấp các phòng tắm, hồ bơi theo chủ đề và các hoạt động như hát karaoke. Một ngoại lệ khác đối với quy định về giá là loại hình bồn ngâm chân “Ashiyu” (足湯). Có thể tìm thấy ở bên ngoài các khu vực suối nước nóng, Ashiyu thường được sử dụng miễn phí.
Quy định về hình xăm
Năm 2016, Tổng cục Du lịch Nhật Bản chính thức khuyến khích các cơ sở tắm nước nóng công cộng làm mọi cách để du khách có hình xăm được tận hưởng văn hóa này. Kể từ đó, nhiều cơ sở đã đưa ra các biện pháp để thực thi đề xuất này, chẳng hạn như cung cấp cho khách miếng dán chống thấm nước để che đi những hình xăm nhỏ.
Đạo luật Nhà tắm Công cộng không cấm rõ ràng những du khách có hình xăm tới Sento mà chỉ hạn chế những người có thể mang đến nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như người mắc bệnh truyền nhiễm. Luật quản lý khách sạn và nhà trọ, thường áp dụng cho Onsen, cho phép các cơ sở từ chối tiếp nhận những khách hàng tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp hoặc làm băng hoại đạo đức xã hội, nhưng không đề cập cụ thể đến hình xăm.
Ở Nhật Bản, hình xăm thường gắn liền với hình ảnh các yakuza (thành viên của các tổ chức tội phạm). Vì vậy, hình xăm thường được coi là lý do để cấm du khách tới các cơ sở giải trí như Onsen và Super Sento, nhằm tránh làm cho các khách hàng khác khó chịu.
Tuy nhiên, Sento với tư cách là cơ sở công cộng, nhiều khả năng sẽ ít nghiêm ngặt hơn về hình xăm so với Onsen. Nếu bạn có hình xăm và dự định đi tắm suối nước nóng, hãy kiểm tra trước quy định cụ thể của cơ sở đó. Để lên kế hoạch trước, đừng quên tham khảo những suối nước nóng ở Nhật Bản thân thiện với người xăm hình.
Xem thêm: Khám phá nét Nhật xưa tại những nhà tắm Sento lâu đời
kilala.vn
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận