NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những Yokai gợi nhớ đến mùa thu Nhật Bản

    Mùa thu là một mùa đặc biệt, là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa thời điểm nóng nhất trong năm với cái lạnh cực độ của mùa đông. Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, mùa thu còn gắn liền với những câu chuyện của nhiều loài Yokai kỳ quái.  

    Sunamura no Onryo: Quả bí ngô ma ám

    Theo truyền thuyết cổ xưa, Sunamura (vùng đất mà ngày nay là thành phố Koto, Tokyo), từng là một ngôi làng yên tĩnh nổi tiếng với nghề sản xuất bí ngô trong thời Edo (1603-1868). Tuy nhiên, vào mùa thu, khu vực này lại bị ám bởi “Sunamura no Onryo” (砂村の怨霊) quái vật bí ngô biết đi.

    Cơ thể và tứ chi của nó được tạo thành từ một mớ dây leo và lá rối rắm, còn phần đầu là một quả bí ngô nặng, màu cam sáng mà nó phải vật lộn để xách theo trên tay. Hình ảnh rùng rợn này gợi lên không khí của lễ hội ma Halloween.

    sunamura-no-onryo
    Ảnh: yokai.com

    Bake Icho no Sei: Linh hồn cây bạch quả

    Là linh hồn của cây bạch quả - loài cây biểu tượng của mùa thu Nhật Bản, Bake Icho no Sei (化け銀杏の精) có thân cao, màu vàng tươi giống như màu sắc của lá bạch quả khi vào thu. Loài Yokai này khoác lên mình một bộ kimono đen rách nát, mang theo chiếc chiêng nhỏ và thường xuất hiện gần những cây bạch quả già cỗi.

    bake-icho-no-sei
    Ảnh: yokai.com

    Azuki baba: Phù thủy đậu đỏ

    Azuki baba (小豆婆) có hình dạng của một mụ phù thủy già nua đáng sợ, toàn thân mặc đồ trắng, giọng hát khàn khàn. Mụ ta chỉ xuất hiện vào lúc chạng vạng, đặc biệt vào những đêm mưa thu hoặc sương mù. Truyền thuyết kể rằng, Azuki baba vừa ngồi rửa đậu đỏ (azuki) ở bờ sông, ao hồ vừa cất tiếng hát đầy ghê rợn. Trong lời hát nói rằng, bà ta sẽ ăn tối bằng đậu hoặc một kẻ xấu số đi ngang qua.

    Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xác định Yokai này được tạo ra như một cách để răn dạy trẻ em tránh xa các vùng nước vào những giờ chạng vạng mùa thu, khi sương mù có thể che khuất tầm nhìn và dẫn đến chết đuối ngoài ý muốn.

    azuki-baba
    Ảnh: yokai.com

    Byakko: Bạch Hổ

    Byakko (白虎) hay Bạch Hổ là một trong tứ tượng (cùng với Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ) của Thiên văn học Trung Quốc. Trong tứ tượng, Bạch Hổ đại diện cho hướng Tây, yếu tố Kim và mùa thu.

    Nghiên cứu lịch sử cho thấy, niềm tin vào Byakko có thể đã du nhập đến nước Nhật vào đầu thế kỉ III, trong thời kỳ tôn giáo Nhật Bản vẫn là sự pha trộn giữa ảnh hưởng của lục địa châu Á và tín ngưỡng bản địa của người Nhật.

    byakko
    Ảnh: yokai.com

    Aosagibi: Diệc lửa xanh

    Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, có câu chuyện kể về loài diệc đêm đầu đen (ở Việt Nam gọi là vạc) khi già đi đã biến thành yokai. Lông của nó hợp nhất thành vảy, phát ra ánh sáng xanh trong đêm tối. Hơi thở của nó còn giải phóng bột vàng vào không khí, thứ bột đó tích tụ lại tạo thành những quả cầu lửa màu xanh lam phát sáng không tỏa nhiệt và cuối cùng bốc hơi trong gió. Hiện tượng chim diệc phát sáng nói trên được gọi là “Aosagibi” (青鷺火), hầu như chỉ xảy ra vào những đêm mùa thu.

    ao-sagi-bi
    Ảnh: yokai.com

    kilala.vn

    Nguồn: Tokyo Weekender

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!