“Người Việt Nam mới” gốc Nhật
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, đã có nhiều lính Nhật bại trận chọn ở lại Việt Nam, quyết tâm trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.
Những “người Việt Nam mới”
Thế chiến II kết thúc cũng là lúc bên bại trận rút khỏi nơi họ đã xâm lược. Quân đội Nhật dần rời khỏi Việt Nam nhưng vẫn có nhiều người lựa chọn ở lại và gia nhập lực lượng Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp.
Ước tính có khoảng 800 người lính Nhật đã tự nguyện xin gia nhập vào hàng ngũ quân đội Việt Nam. Trong đó có nhiều sĩ quan cấp cao như Đại tá Ikawa, Trung tá Ishii, Đại tá Mukayama.
Họ được cho là chịu ảnh hưởng bởi thuyết “Đại Đông Á” với phong trào ủng hộ Đông Á và Đông Nam Á là của người da vàng, không phải của người da trắng châu Âu.
Những người lính Nhật không muốn quay về tổ quốc bại trận đang chịu sự chiếm đóng của người Mỹ. Họ ở lại Việt Nam chống Pháp và hỗ trợ chiến sĩ Việt Minh vẫn còn non trẻ trong việc tác chiến, huấn luyện binh lính, đào tạo ngoại ngữ, tuyên truyền, sản xuất vũ khí, cứu chữa bệnh binh...
Lúc ấy không chỉ có lính Nhật mà những người nước ngoài khác cũng gia nhập quân đội Việt Nam, như binh đoàn Lê dương và Bắc Phi trong Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông. Đội ngũ này có khoảng 1.300-1.500 người, chủ yếu là binh sĩ và hạ sĩ quan Lê dương người Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ý, Tiệp Khắc, Ukraine, Tunisia, Morocco, Algérie... Tất cả họ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho danh xưng là "người Việt Nam mới".
Số phận những người lính Nhật ở lại
Có rất nhiều lý do khiến các binh lính Nhật ở lại đất Việt. Người thì sợ hãi trở về sẽ bị xử tội chiến tranh, người lại ghét mảnh đất quê hương bị Mỹ chiếm đóng, hoặc họ được kêu gọi ủng hộ Việt Minh hay vì đã lỡ yêu con gái Việt... Tất cả đều có lý do riêng để ở lại, tham gia chiến đấu vì hòa bình Việt Nam.
Những “người Việt Nam mới” được phân công nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ quân đội Việt Minh thuở mới thành lập. Họ đã vượt qua nhiều rào cản từ ngôn ngữ, văn hóa đến hoàn cảnh khốn khó trong chiến tranh để hòa nhập với các đồng chí người Việt Nam.
Các chiến sĩ Nhật được phân vào các đơn vị chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, nhiều người đã được giao trọng trách lớn, lập nhiều chiến công và được phong hàm sĩ quan cấp cao.
Như Thiếu tá Ishii Takuo đã trở thành Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng là lãnh đạo của Học viện Quân sự Quảng Ngãi và giữ chức cố vấn trưởng lực lượng vũ trang Việt Minh ở miền Nam Việt Nam. Hay Đại tá Mukayama từng thuộc Ban tham mưu Tập đoàn quân số 38 Quân đội Hoàng gia Nhật Bản đã trở thành cố vấn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cũng có những người lính đã anh dũng xông pha vào chiến trận rồi ngã xuống, hy sinh vì hòa bình cho đất nước Việt Nam.
Đó là chiến sĩ Ikawa Sei được biết đến với cái tên Lê Chí Ngọ. Vào ngày 06/20/1946, ông đã hy sinh cùng với một số binh sĩ Nhật khác trong trận ném bom của quân Pháp gần Pleiku. Thiếu tá Ikawa Sei sau này đã được thờ tại Đền Yasukuni.
Hay binh sĩ quả cảm Yasuda, tên Việt là Hồ Chí Tâm, đã sử dụng khẩu bazooka duy nhất của mặt trận Hà Nội tại khu vực Ô Cầu Dền năm 1946 để bắn hai xe địch rồi hy sinh giữa làn đạn của quân Pháp.
Là ông Matsui, vốn là một xạ thủ của vệ quốc đoàn bảo vệ trụ sở Bộ Tổng tham mưu, đã cầm súng lao vào quân địch, bắn cản đường cho đồng đội Việt Nam rút quân trước sự tấn công của quân Pháp. Ông Matsui đã ngã xuống nơi chiến trường vào ngày 23/12/1946.
Theo tài liệu “Bản danh sách những người chưa về nước từ Đông Dương thuộc Pháp” của Bộ Lao động và Y tế Nhật Bản ban hành tháng 7/1955 thông báo số quân nhân Nhật Bản đào ngũ và còn ở lại Việt Nam tính đến cuối năm 1946 là khoảng 800 người. Trong đó số người tham gia vào lực lượng Việt Minh khoảng 600 người và ước tính một nửa trong số đó đã hy sinh.
Những người lính Nhật lập chiến công cho hòa bình trên đất Việt luôn được Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam biết ơn, trao tặng huân huy chương. Theo thống kế có ít nhất 20 người Nhật đã được trao tặng huân chương kháng chiến.
Trong đó có bốn người được kết nạp vào Đảng là: Iwai Koshiro - Nguyễn Văn Sáu, Yutumi Suchio - Nguyễn Đức Hồng, Tsuchiyo Tuchitami - Nguyễn Văn Đông và Yoshida Tamio - Phan Tiến Bộ.
Cuộc sống sau khi chiến tranh kết thúc
Từ năm 1950, những “người Việt Nam mới" ở khu vực Bắc Bộ được cho giải ngũ về đảm nhận các công tác dân sự, còn ở vùng Trung và Nam Bộ thì vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, hỗ trợ tham gia chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Khoảng giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1960, lính Nhật được hồi hương theo thỏa thuận của Hội Chữ thập đỏ hai nước Việt - Nhật.
Theo nhà nghiên cứu Ikawa Kazuhisa, có 128 “người Việt Nam mới” gốc Nhật đã trở về theo bốn đợt. Trong đó 102 người từ miền Bắc Việt Nam và 26 người công tác tại miền Nam Việt Nam.
Cuộc sống của những người Nhật khi hồi hương khá khốn khó. Họ phải đối mặt với việc bị phân biệt đối xử, bị xét vào tội “phản quốc” khi theo phe xã hội chủ nghĩa.
Nhiều người không thể mang theo vợ con tại Việt Nam cùng sang Nhật, họ phải sống trong cảnh rời xa, mất liên lạc người thân trong nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm sau.
Được biết 71 người lính đầu tiên phải rời đi từ năm 1954 đều bỏ vợ con người Việt để trở về quê hương. Tình hình trở nên tốt hơn khi nhóm quân nhân cuối cùng rời miền Bắc năm 1960 được tạo điều kiện mang theo gia đình sang Nhật.
Tuy nhiên dẫu gặp khó khăn, thử thách, nhiều người lính vẫn tiếp tục công việc ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam ở thời bình. Họ giúp sức trong công cuộc giao lưu văn hóa, kinh tế, thúc đẩy phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt - Nhật.
Như ông Iwai Koshiro - Nguyễn Văn Sáu sau khi hồi hương đã tham gia và trở thành một trong những người thành lập Hội Thương mại Việt - Nhật.
Còn ông Fujita Isamu - Hoàng Đình Tùng về Nhật làm việc tại ngân hàng ở Yokohama và lấy kinh nghiệm của bản thân để đóng góp ý kiến trong việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra ông cũng là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Thương mại Việt - Nhật.
kilala.vn
Nguồn: Tổng hợp
Đăng nhập tài khoản để bình luận