Mối quan hệ sâu sắc giữa Hoàng gia Nhật và Hoàng gia Anh

    Mối quan hệ sâu sắc giữa Hoàng gia Nhật Bản và Hoàng gia Anh đã có từ 150 năm trước, cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai khiến họ trở thành kẻ thù của nhau. Thời hậu chiến, các thành viên Hoàng gia đã nỗ lực và góp công quan trọng trong việc nối lại Liên minh Anh – Nhật kéo dài đến ngày nay.

    Kể từ khi rời Liên minh châu Âu, Anh đã thể hiện sự tập trung chưa từng có vào mối quan hệ với Nhật Bản. Anh và Nhật đều là các quốc đảo được cai trị theo chế độ quân chủ lập hiến, và các gia đình hoàng gia của hai bên đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao trong khoảng 150 năm.

    Hoàng gia Anh- Nhật

    Từ trái sang, Công tước xứ Edinburgh, Hoàng thái hậu Elizabeth, Hoàng hậu Nagako, Nhật hoàng Hirohito và Nữ hoàng Elizabeth tại một bữa tiệc cấp nhà nước tại Cung điện Buckingham, London, vào ngày 5 tháng 10 năm 1971. Ảnh: Nippon

    Tại phòng lưu trữ bên trong lâu đài Windsor nước Anh vẫn còn lưu giữ những kỷ vật thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Hoàng gia hai nước:

    - Bản thảo bức điện từ Vua George gửi Thiên hoàng Hirohito chúc mừng  kỷ niệm 2.600 năm Quốc khánh Nhật Bản vào ngày 11/02/1940, và thư hồi đáp của Thiên hoàng gửi Nhà vua vào ngày 12/02/1940.

    - Bản thảo bức điện từ Vua George gửi đến Thiên hoàng Hirohito chia buồn về cái chết của Công chúa Masako, con gái thứ sáu của Thiên hoàng Minh Trị và là vợ của Hoàng tử Takeda Tsunehisa, vào ngày 09/03/1940, và lời đáp lại với lòng biết ơn của Thiên hoàng vào 03/11/1940.

    - Bản thảo bức điện từ Vua George chúc mừng Thiên hoàng về lễ cưới của Hoàng tử Mikasa Takahito vào ngày 22/10/1941, và thư trả lời của hoàng đế cùng ngày.

    Thư hoàng gia

    Bản thảo bức điện chúc mừng của Vua George về hôn lễ của Hoàng tử Mikasa Takahito vào ngày 22 tháng 10 năm 1941. Ảnh: Nippon

    Đáng chú ý là bức điện chúc mừng hôn lễ của Hoàng tử Mikasa được gửi chỉ hai tháng trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và bắt đầu chiến dịch Mã Lai, mở đầu cho Chiến tranh Thái Bình Dương. Có thể thấy, Hoàng gia của cả hai nước vẫn giữ mối quan hệ thân thiết cho đến khi chiến tranh khiến họ ở hai đầu chiến tuyến. 

    Tình bạn kéo dài hơn 150 năm giữa Hoàng gia Anh và Hoàng gia Nhật

    Kể từ sau cuộc Duy Tân Minh Trị năm 1868, chính phủ Nhật Bản và Anh đã nhận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoàng gia hai nước. Chính vì thế, đôi bên đã tận dụng mọi cơ hội để củng cố mối quan hệ vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sự thấu hiểu giữa Nhật Bản và Anh.

    Bước đi đầu tiên được thực hiện vào năm 1869, khi Hoàng tử Alfred, con trai thứ hai của Nữ hoàng Victoria, đến thăm Nhật Bản và được Hoàng đế Minh Trị tiếp đãi tại cung điện Hama no Rikyu ở Tokyo.

    thuyền chở vua George V

    Con tàu HMS Bacchante từng được Hoàng tử Arthur và Hoàng tử George dùng để sang Nhật.

    Năm 1881, Hoàng tử Arthur và Hoàng tử George, cháu trai của Nữ hoàng, đến Nhật Bản với vai trò là Trung úy trên tàu HMS Bacchante. Sau này, Hoàng tử George kế vị ngai vàng lấy niên hiệu là Vua George V. Một sứ mệnh hoàng gia do Hoàng tử Arthur của Connaught dẫn đầu đã đến Nhật Bản vào năm 1906 để trao Huân chương Hiệp sĩ của nước Anh (Order of the Garter) cho Hoàng đế Minh Trị.

    Mối quan hệ thân thiết đạt đến đỉnh cao dưới thời trị vì của Thiên hoàng Showa. Năm 1921, khi vẫn còn là Thái tử Hirohito, ông trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên đến thăm nước Anh. Ông rời Yokohama vào ngày 03/03 trên tàu chiến Katori do Anh chế tạo để thực hiện chuyến công du 5 quốc gia châu Âu. Đón tiếp Hirohito là vua George V. 

    hoàng tử hirohito thăm xứ Wales

    Thái tử Hirohito với Thị trưởng London và Edward - Hoàng tử xứ Wales, năm 1921. Ảnh: oldtokyo

    Vào thời điểm đó, Vua George V, ông nội của Nữ hoàng Elizabeth, đã 55 tuổi, trong khi Thái tử chỉ vừa bước sang tuổi 20 trong chuyến đi của mình. Nhà vua rất thích Thái tử và dành cho ông lòng hiếu khách hào phóng khi cùng ngồi trên một cỗ xe trong buổi diễu hành chào mừng.

    Trong chuyến đi đó, Thái tử Hirohito đã học được tầm quan trọng và sự ấm áp của mối quan hệ gia đình giữa Hoàng gia Anh hiện đại với các thần dân của họ. 

    triển lãm cổ vật

    Một cặp đèn đốt hình con rùa, 1680 – 1700 (sứ Arita, tỉnh Hizen), được vua George IV mua lại. Ảnh: Royal Collection Trust

    Trong một cuộc họp báo vào năm 1961 nhân ngày sinh nhật 60 tuổi của mình, Thiên hoàng Showa đã kể lại rằng: “Khoảng thời gian thú vị nhất trong cuộc đời tôi là chuyến thăm đến Anh. Tôi đã dành ba ngày tại Cung điện Buckingham với Vua George V, và ông ấy đã dạy tôi cùng với con trai ông, hoàng tử xứ Wales và Vua Edward VIII, cách trở thành một nhà lãnh đạo của chế độ quân chủ lập hiến. Tôi nghĩ về Vua George V như người cha thứ hai của mình”.

    Năm 1979, tại Biệt thự Hoàng gia ở Nasu, Thiên hoàng nhớ lại rằng: "Những điều tôi nghe được từ Vua George V về bản chất của chế độ quân chủ lập hiến đã trở thành gốc rễ trong suy nghĩ suốt phần đời còn lại của tôi". 

    hoàng tử hirohito

    Ảnh: adamcathcart

    Về sau, để đáp lại, Vua Edward VIII (con trai cả của vua George V) cũng đã thực hiện một chuyến công du đến Nhật Bản.

    Năm 1929, Công tước xứ Gloucester của Hoàng thân Anh được cử đến Nhật Bản để trao Huân chương Garter (cấp cao nhất theo thứ tự tước hiệp sĩ trong hệ thống phong thưởng của Anh) cho Hoàng đế Showa.

    [subscribe]

    Năm 1925, Hoàng tử Chichibu, em trai của Hoàng đế Showa, đã theo học ngắn hạn tại Cao đẳng Magdalen, Oxford. Sau đó, ông kết hôn với Setsuko, con gái của Tsuneo Matsudaira, đại sứ Nhật Bản tại London. Hoàng tử và Công chúa Chichibu trở thành đại diện cho Nhật hoàng trong lễ đăng quang của Vua George VI (em trái Vua Edward VIII) vào năm 1937. 

    Sau chiến tranh và cái chết của chồng, Công chúa Chichibu, người bảo trợ của Hiệp hội Anh Quốc Nhật Bản ở Tokyo, là người được các thành viên của gia đình Hoàng gia Anh yêu quý và kính trọng.

    hoàng tử và công chúa Chichibu

    Hoàng tử và Công chúa Chichibu trên đường đến lễ đăng quang của Vua George VI. Ảnh: media storehouse

    Các thành viên của Hoàng gia Anh, bao gồm Thái tử Charles, Thái tử xứ Wales, đã đến Nhật Bản tham dự Hội chợ triển lãm năm 1970 tại Osaka. 

    Nữ hoàng Elizabeth đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào năm 1974 và được chào đón nồng nhiệt ở bất cứ nơi đâu bà đến. Nữ hoàng đã “lấy lòng” được công chúng Nhật Bản vì cho phép mở cửa xe khi đi ngang qua khu vực Ginza, điều hiếm thấy tại Nhật lúc bấy giờ. 

    Tác động tích cực trong việc trao đổi văn hóa 

    Từ năm 1923, không lâu sau chuyến công du đến Anh của Thiên hoàng Showa, ông bắt đầu đặt may những bộ quần áo từ một nhà may nổi tiếng trên phố Savile Row ở London, thay đổi trang phục của mình từ kiểu truyền thống của Nhật Bản sang trang phục trang trọng của phương Tây.
    Ông cũng chọn giăm bông, trứng và bánh mì nướng cho bữa sáng xen kẽ với súp miso và cơm thông thường. Sau chiến tranh, ông tiếp tục lựa chọn một số món ăn theo phong cách Anh - bột yến mạch, xà lách trộn và bánh mì nướng.
    bữa sáng kiểu Anh
    Một bữa sáng kiểu Anh cơ bản.

    Ông cũng bãi bỏ chế độ đa thê, một tập quán được áp dụng để tăng số lượng nam giới thừa kế, ủng hộ hôn nhân hoàng gia một vợ một chồng. Nhà vua thậm chí đã từ bỏ việc ngủ trên nệm Futon để đổi sang một chiếc giường.

    Những đứa trẻ trong gia đình không còn được nuôi dưỡng bởi những người chăm sóc toàn thời gian mà ở cùng với cha mẹ của chúng. Đây là cách gia đình hoàng gia dần được công nhận là một gia đình thực sự đối với người dân Nhật Bản.

    Mối quan hệ Hoàng gia mở ra con đường hòa giải

    Liên lạc giữa hai gia đình hoàng gia bị ngắt quãng và chỉ được nối lại sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Sự ngờ vực về Nhật Bản vẫn tồn tại ở Anh, đặc biệt là trong số những người lính cũ từng bị Nhật bắt giam, nhưng Hoàng gia Anh và Hoàng gia Nhật Bản đã tìm cách “phá lớp băng”.

    Năm 1953, một năm sau khi chủ quyền của Nhật Bản được khôi phục, Thái tử Akihito đã có chuyến thăm quốc tế đầu tiên để dự lễ trao vương miện cho Nữ hoàng Elizabeth. Thái tử, người đã tìm hiểu lịch sử đế chế Anh từ cuốn tiểu sử về George V của Harold Nicholson, được Thủ tướng Winston Churchill chiêu đãi như một vị khách danh dự. 

    Tại một bữa tiệc trưa chào mừng có sự góp mặt của chủ một tờ báo nổi tiếng từng đăng những bài báo chống Nhật, tính cách khiêm tốn của vị khách Nhật Bản đã tạo ấn tượng với những người Anh tham dự, và quan hệ giữa Anh - Nhật bắt đầu được cải thiện. 

    thái tử thăm lâu đài windsor

    Nữ hoàng và Công tước xứ Edinburgh chào đón Thiên hoàng Naruhito, khi ấy là Thái tử, đến Lâu đài Windsor vào năm 2001. Ảnh: royal.uk

    Năm 1971, khi Thiên hoàng Hirohito có chuyến thăm tới Anh 50 năm sau chuyến công du đầu tiên với tư cách là Thái tử, thành viên hoàng gia Lord Mountbatten đã từ chối tham dự bữa tiệc chính thức của nhà nước. Mountbatten từng là Tư lệnh Đồng minh tối cao tại Chiến trường Đông Nam Thái Bình Dương và đã mất nhiều binh lính trong trận chiến chống lại Nhật Bản. 

    Tuy nhiên, Nữ hoàng Elizabeth đã xoa dịu sự căng thẳng khi nói: “Chúng ta không thể giả vờ rằng quan hệ giữa hai dân tộc luôn luôn hòa bình và thân thiện. Tuy nhiên, chính trải nghiệm này sẽ khiến tất cả chúng tôi quyết tâm không bao giờ để điều đó xảy ra nữa".

    Có thể thấy, Nữ hoàng luôn cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Nhật, và điều này khiến bà được chào đón nồng nhiệt tại Nhật Bản trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách là thành viên Hoàng gia vào năm 1975.

    nữ hoàng Anh thăm Nhật Bản

    Nữ hoàng Anh trong chuyến thăm Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

    Năm 1998, cùng với chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito, Thủ tướng Hashimoto Ryutaro đã viết một bài báo trên tờ The Sun của Vương quốc Anh bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc và lời xin lỗi chân thành, và chính phủ Anh đã quyết định dành những quyền lợi đặc biệt cho các cựu tù binh Nhật Bản. Cựu Đại sứ Anh tại Nhật Bản David Warren đã chỉ ra rằng chuyến thăm năm 1998 đóng một vai trò quan trọng trong bước tiến tới hòa giải.

    Mối quan hệ bền chặt giữa Hoàng gia Nhật Bản và Hoàng gia Anh đã giúp tạo ra một bước tiến mới sau những ngờ vực do chiến tranh. Nhật hoàng Akihito đã đến thăm Anh một lần nữa, vào năm 2012, để kỷ niệm 60 năm ngày Nữ hoàng Elizabeth đăng quang. 

    Thiên hoàng đương nhiệm của Nhật Bản, Naruhito, cũng đã chọn đi du học ở Anh khi vẫn còn là Hoàng tử. Trước đó mẹ của ông, Hoàng hậu Michiko cũng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc với bằng cử nhân ngành Văn học Anh. Bà cũng theo học các khoá học tại Harvard và Oxford.

    Thiên hoàng Naruhito từng nghiên cứu lịch sử vận tải đường thủy trên sông Thames khi còn là sinh viên tại Oxford, nơi ông sống trong ký túc xá, uống bia tại các quán rượu và sống một lối sống sinh viên tự do. 

    Vào năm 2015, Thái tử Naruhito và Công chúa Masako đã gặp mặt Hoàng tử William trong chuyến thăm Nhật Bản của Hoàng tử, và vào năm 2018, con gái lớn của họ, Công chúa Aiko, theo học trường hè tại Eton College. Hoàng gia Nhật Bản và Anh đã chia sẻ hầu hết các mối quan hệ gia đình trong ba thế hệ.

    hoàng tử William thăm Nhật Bản

    Hoàng tử William, cùng Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong chuyến thăm Nhật Bản vào năm 2015. Ảnh: WPA Pool

    Mối quan hệ của hai gia đình hoàng gia rõ ràng đã đóng một vai trò trong việc hòa giải giữa cả hai quốc gia, một kênh ngoại giao thứ cấp giữa hai quốc gia, ngoài quan hệ liên chính phủ thông thường.

    Năm 2021 đánh dấu 100 năm ngày Thái tử Hirohito "hạ cánh" trên Đảo Wight. Nếu đại dịch COVID-19 lắng xuống, chuyến thăm quốc tế đầu tiên của Thiên hoàng và Hoàng hậu cùng nhau đến sẽ là Anh. Khi Nhật Bản và Anh, các quốc đảo của phương Đông và phương Tây, xây dựng liên minh mới này, một kỷ nguyên giao lưu mới giữa các hoàng tộc sẽ được thắt chặt hơn nữa.  

    Xem thêmChuyện tình hoàng gia đẹp tựa cổ tích ở thời kỳ Heisei

    kilala.vn

    12/01/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!