Mối quan hệ giữa hoa anh đào và nghề trồng lúa
Hoa anh đào và nghề trồng lúa - hai hoạt động quen thuộc ở Nhật Bản vào mùa xuân, bất ngờ thay lại có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thấy hoa anh đào nở, người nông dân biết rằng thần "Sa" đã giáng lâm, tức là đã đến lúc bắt đầu trồng lúa.

Ngày nay, có nhiều giống hoa anh đào khác nhau nhưng giống hoa được xem là chỉ báo cho việc trồng lúa của người xưa là hoa anh đào núi "yama-zakura", nở vào tháng 5.
Vào ngày bắt đầu cấy lúa, mọi người mặc trang phục trang trọng và sự kiện này rất náo nhiệt. Việc cấy lúa được thực hiện bởi những phụ nữ trẻ gọi là “saotome – 早乙女” (những cô gái "sa"). Trước đó, họ đã thanh lọc bản thân khỏi tạp chất bằng cách ẩn mình trong các đền thờ hoặc túp lều.

Những cây mạ được trồng gọi là "sanae – 早苗". Và sau khi cấy lúa xong, một buổi lễ gọi là "sanaburi – さなぶり" được tổ chức để cảm tạ vị thần. Nghi thức này ngày nay vẫn còn được thực hiện ở một số vùng.

Người ta nói rằng "sanaburi" là cách đọc chệch đi của "sanobori – さのぼり", có nghĩa là "thần Sa bay lên trời". Mặt khác, khi vị thần từ trên núi xuống nơi có hoa anh đào, thì lễ này được gọi là "saori" (サ降り), và một nhánh hoa anh đào sẽ được cắm trên cánh đồng. Cũng có giả thuyết cho rằng đây chính là nguồn gốc của phong tục ngắm hoa anh đào.
Ngoài ra, liên quan đến "Sa" còn có từ “satsuki – 皐月” là tháng 5 trong âm lịch, gắn liền với thần lúa, hay “samidare – 五月雨” là mưa rơi vào tháng 5.
Ngày nay, dẫu việc ngắm hoa anh đào được tổ chức ở những nơi không liên quan đến việc trồng lúa nhưng mối liên hệ giữa sakura và nông nghiệp khiến cho việc thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa này với người Nhật càng thêm ý nghĩa.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận