NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Lịch sử của LGBT tại Nhật Bản: Bất ngờ và nhiều biến động

    Lịch sử của LGBT tại Nhật Bản: Bất ngờ và nhiều biến động

    Mặc dù bị đánh giá là khá bảo thủ khi nhắc đến vấn đề LGBT, tình yêu đồng giới nam lại không hề lạ lẫm trong xã hội Nhật Bản thời phong kiến. Để chào mừng Tháng Tự Hào, hãy cùng Kilala tìm hiểu về những giai đoạn quan trọng của lịch sử LGBT và những nỗ lực cho phong trào bình đẳng giới tại Nhật Bản cho đến hiện tại.

    Đến thời Edo: cởi mở với tình yêu đồng giới 

    Nhật Bản thường được xem là đi sau các quốc gia phát triển khác trong việc chấp nhận cộng đồng LGBT, nhưng trong quá khứ, nước Nhật lại có một lịch sử lâu dài và bất ngờ liên quan đến quan hệ đồng tính nam trong xã hội.

    Giống với Hy Lạp cổ đại, nơi các chàng trai trẻ “học việc” với những người đàn ông lớn tuổi, Nhật Bản thời phong kiến ​​có một hệ thống gọi là “男色” (đọc là nanshoku hoặc danshoku).

    Trong thời Nara (710-794), nhiều thiếu niên nam là con cái trong các gia đình quý tộc, samurai được gửi đến các ngôi chùa để lo việc cá nhân của các nhà sư. Được gọi là chigo, những cậu bé này sẽ học hỏi và thường tham gia vào mối quan hệ tình dục với nenja – người mà họ làm phụ tá. Mối quan hệ này sẽ kết thúc khi cậu bé đến tuổi trưởng thành hoặc rời chùa, khi này nenja sẽ được tự do tìm kiếm một chigo khác.

    Khi các samurai mở rộng ảnh hưởng của mình trong xã hội, họ đã đưa nanshoku ra khỏi các ngôi chùa. Trong phiên bản của samurai, nanshoku được gọi là “wakashudo - 若衆道”, nghĩa đen là “đạo của những chàng trai trẻ”.

    nanshoku
    Quan hệ đồng tính nam giữa hai người có chênh lệch tuổi tác lớn từng phổ biến cho đến thời Edo.

    Những cậu bé trước tuổi dậy thì sẽ đi theo một người đàn ông lớn tuổi hơn để học võ thuật, những nguyên tắc về đạo đức, phẩm hạnh, ứng xử... để trở thành một samurai, và nếu chàng trai đồng ý, cậu sẽ trở thành người tình của người đàn ông đó cho đến khi trưởng thành.

    Mối quan hệ giữa Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu và Zeami (người sáng lập kịch Noh) hay lãnh chúa Oda Nobunaga và thuộc hạ trẻ tuổi của ông là Mori Ranmaru là những ví dụ nổi tiếng về Wakashudo.

    Thời Minh Trị: loại trừ sự đa dạng

    Cho đến khoảng cuối thế kỷ 19, xã hội Nhật Bản vẫn rất cởi mở với tình yêu đồng giới nam. Điều này hoàn toàn khác biệt với tình hình ở châu Âu, nơi Cơ Đốc giáo xem đồng tính luyến ái là một tội lỗi và từ khoảng nửa sau thế kỷ 19 thì trở thành đối tượng bị trừng phạt theo luật hình sự ở Đức và Anh.

    Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản vào cuối thời Minh Trị (1868-1912) với nhiều tư tưởng được du nhập từ phương Tây đã dẫn đến việc chấp nhận quan niệm y học cho rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh. Kết quả là hành vi tình dục nam - nam trở thành bất thường, xã hội chuyển sang xu hướng áp đặt sự đồng nhất hơn là đa dạng, và có thể nói điều này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. 

    Vào năm 1873, Bộ Tư pháp thông qua Luật Kê gian (Keikan - 鶏姦) trong đó hình sự hóa các hành vi đồng tính luyến ái. Tuy nhiên luật này đã bị bãi bỏ trong Bộ luật Hình sự ban hành năm 1880 và cũng không xuất hiện trong các bộ luật sau này.

    meiji
    Thời Minh Trị du nhập nhiều tư tưởng tiến bộ từ phương Tây nhưng lại khiến Nhật Bản đi lùi trong quan niệm về sự đa dạng giới.

    Ngoài ra, tình dục học, một lĩnh vực đang phát triển ở Nhật Bản lúc bấy giờ, cũng chỉ trích mạnh mẽ đồng tính luyến ái. Bắt nguồn từ tư tưởng phương Tây, ngành tình dục học đã được du nhập vào Nhật Bản thông qua các học giả thời Minh Trị, những người muốn tạo ra một nước Nhật “Tây” hơn.

    Họ tuyên bố rằng người đàn ông tham gia vào một mối quan hệ đồng giới sẽ có những đặc điểm nữ tính và tính cách của một người phụ nữ. Họ cũng khẳng định đồng tính luyến ái sẽ khiến một người biến thành lưỡng tính, trong đó cơ thể sẽ giống phụ nữ về các đặc điểm như: âm sắc giọng nói, lông mọc trên cơ thể, kết cấu tóc và da, cấu trúc cơ và xương, sự phân bố mô mỡ, mùi cơ thể, sự phát triển của vú.

    Hậu Minh Trị, từ thời Taisho (1912 – 1926) đến đầu thời Showa (1926 – 1989), có rất nhiều quan điểm phân biệt đối xử với người đồng tính khiến họ khó có thể công khai xu hướng tính dục của bản thân.

    Bước ngoặt cho phong trào LGBT tại Nhật Bản

    Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945, quan niệm của xã hội về đồng tính luyến ái dần có những thay đổi. Những năm 50, các thị trấn dành cho người đồng tính nam cùng với nhiều gay bar được thành lập, như ở khu vực Shinjuku 2-chome và Ikebukuro của Tokyo. Vào những năm 60, các quán bar đồng tính nữ với phụ nữ mặc đồ nam làm nhân viên đã thu hút sự chú ý.

    tokyo-shinjuku-ni-chome
    Shinjuku 2-chome đến nay vẫn là khu vực nổi tiếng dành cho cộng đồng LGBT. Ảnh: Openly

    Đến cuối thời Showa, khi phong trào đấu tranh cho quyền LGBT phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới thì những phong trào tương tự cũng bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản, đánh dấu bước chuyển mình sang một kỷ nguyên mới.

    Chẳng hạn vào năm 1971, một nhóm có tên là “Wakakusa no Kai” (Young Grass Club) được thành lập ở Tokyo. Nhóm là nơi gặp gỡ của những người phụ nữ đồng tính, họ tổ chức các cuộc họp thường xuyên và xuất bản một bản tin dành cho người đồng tính nữ. Đây là một trong những bước ngoặt quan trọng hướng đến sự thay đổi về mặt chính trị.

    Những năm 80, một sự kiện có tác động vô cùng to lớn trên toàn thế giới đã xảy ra, đó là sự xuất hiện của HIV/AIDS. Một kết quả không lường trước là các phương tiện truyền thông chính thống vốn phớt lờ vấn đề đồng tính đã bắt đầu đưa tin về tình hình xã hội và lối sống của những người đồng tính ở Hoa Kỳ. Một thời gian sau, khi HIV lây lan sang Nhật Bản, giới truyền thông cũng hướng sự chú ý đến những người đồng tính ở Nhật.

    Thời điểm đó, một số nhóm giải phóng người đồng tính của Nhật Bản đang nổi lên, bao gồm ILGA (Hiệp hội đồng tính nữ và đồng tính nam quốc tế) chi nhánh Nhật Bản, thành lập năm 1984, và Hiệp hội vì người đồng tính nữ và đồng tính nam (còn được gọi là OCCUR), thành lập năm 1986.

    Các nhóm này ngay lập tức bắt tay vào giải quyết các vấn đề liên quan đến người đồng tính nam và bệnh AIDS, cũng như khởi động chiến dịch chống lại Luật phòng chống bệnh AIDS (yêu cầu các bác sĩ phải đăng ký tên và địa chỉ của những người nhiễm HIV với chính quyền địa phương)...

    Đây là sự khởi đầu của một thời kỳ mới trong đó tiếng nói của những người đồng tính nam bắt đầu được cất lên bên ngoài cộng đồng của họ.

    Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 1990, sự tồn tại của người đồng tính trong xã hội mới thực sự được chú ý sau vụ việc được gọi là "Sự cố Nhà Thanh niên Fuchu".

    Trong khi tổ chức một cuộc họp tại Nhà Thanh niên Fuchu (府中青年の家), một cơ sở lưu trú công cộng do Chính quyền Thủ đô Tokyo điều hành, các thành viên của hiệp hội OCCUR đã bị các nhóm khác cũng sử dụng nơi này tỏ thái độ kỳ thị, quấy rối.

    OCCUR sau đó đã bị ban quản lý từ chối cho phép sử dụng ký túc xá, với lý do các phòng này được phân chia theo giới tính và lo ngại khả năng những người đồng tính quan hệ tình dục trong phòng sẽ tạo ra một môi trường không lành mạnh cho giới trẻ. OCCUR đã đáp trả bằng cách nộp đơn kiện lên Tòa án Tokyo vào năm 1991, tố cáo hành vi phân biệt đối xử của Chính quyền Thủ đô Tokyo.

    Cuối cùng, vào năm 1997, Tòa án không chỉ đưa ra phán quyết hoàn toàn có lợi cho nguyên đơn mà còn tuyên bố rằng: “Các cơ quan chính phủ cần phải thể hiện sự quan tâm tỉ mỉ đối với người đồng tính, với tư cách là thiểu số, và đảm bảo rằng quyền và lợi ích của họ được tôn trọng. Việc một cơ quan công quyền thờ ơ hoặc thiếu hiểu biết về những điểm này là không thể chấp nhận được vào thời điểm đó và cả hiện nay.”

    Tiếp đó vào giữa những năm 90, việc hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển giới đã diễn ra ở Nhật Bản, với việc quan chức Kamikawa Aya trở thành người chuyển giới công khai đầu tiên tranh cử và giành được một ghế trong Quốc hội.

    kamikawa-aya
    Kamikawa Aya trở thành người chuyển giới đầu tiên tranh cử và giành được ghế trong Quốc hội. Ảnh: wikidata

    Sự kiện trên đã thiết lập đại diện pháp lý cho những người đồng tính trong chính phủ, dẫn đến việc những người công khai thuộc cộng đồng LGBT như Ishikawa Taiga, Ishizaka Wataru và Otsuji Kanako đảm nhận các vị trí trong chính quyền. Sự củng cố hơn nữa của LGBT trong xã hội tiếp tục diễn ra trong suốt những năm 2000.

    Một biểu tượng của phong trào LGBT ở Nhật Bản trong giai đoạn này (và cả hiện tại) là cuộc diễu hành tự hào “Pride Parade” được tổ chức lần đầu tiên bởi Minami Teishiro (thuộc ILGA) tại Tokyo vào năm 1994, bấy giờ có tên là “Tokyo Lesbian & Gay Parade (TL&GP)”.

    tokyo-pride-parade-1994
    Tokyo Lesbian & Gay Parade (TL&GP) năm 1994. Ảnh: trponline.trparchives.com

    Sự kiện đã đưa tiếng nói của những người đồng tính tiếp cận rộng rãi hơn đến mọi người trong xã hội, đồng thời giúp sự hiện diện của cộng đồng LGBT trở nên rõ nét hơn. Cuộc diễu hành tiếp tục được các nhà tổ chức khác tiến hành vào thế kỷ 21 và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Tokyo Rainbow Pride, mỗi năm thu hút hơn 70.000 người tham dự.

    Cũng trong năm 1994, tạp chí đồng tính Badi ra đời, lần đầu tiên đăng tải khuôn mặt của những người đồng tính “bình thường” trong xã hội, mang lại ấn tượng tích cực về cuộc sống đồng tính cũng như in tin tức và thông tin về người đồng tính.

    tap-chi-badi
    Tạp chí Badi được phát hành từ năm 1994 đến năm 2019.

    LGBTQ+ ở Nhật Bản hiện nay

    Theo kết quả một cuộc khảo sát do Dentsu Diversity Lab thực hiện được công bố vào tháng 12/2020, 8,9% người Nhật được hỏi tự nhận mình thuộc cộng đồng LGBTQ+. Cuộc khảo sát này được thực hiện trực tuyến trên tổng số 60.000 người trong độ tuổi từ 20 đến 59 trên toàn quốc.

    Dù đã có những bước tiến so với quan niệm bảo thủ thời Minh Trị, Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài để đạt được sự bình đẳng hoàn toàn cho cộng đồng LGBTQ+. Quốc gia này vẫn bị đánh giá là tụt hậu so với các nước G7 khác khi nói đến vấn đề bảo vệ pháp lý cho nhóm thiểu số tính dục.

    Hiện tại ở Nhật Bản, các cặp đôi đồng tính không thể thực hiện các quyền hợp pháp giống như những cặp đôi dị tính, chẳng hạn họ không thể kết hôn. Điều 24 Hiến pháp nước này quy định “Hôn nhân dựa trên sự đồng ý của cả hai giới và được duy trì thông qua sự hợp tác lấy quyền bình đẳng của vợ chồng làm cơ sở”.

    Bên cạnh đó, có một thực trạng là nhiều người Nhật cảm thấy khó khăn khi công khai về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Báo cáo năm 2019 của chính phủ về sự đa dạng tại nơi làm việc cho biết chỉ có 8,6% người đồng tính nữ, 5,9% người đồng tính nam, 7,3% người song tính và 15,3% người chuyển giới đã “công khai” với ít nhất một đồng nghiệp.

    Nó cũng cho thấy từ 60% đến 70% các cá nhân LGBTQ+ chưa tâm sự với bất kỳ ai bên ngoài nơi làm việc. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho nỗi lo bị phân biệt đối xử và ngược đãi của những người thuộc cộng đồng này tại Nhật.

    tokyo-rainbow-pride
    Ảnh: Reuters

    Tuy nhiên những hoạt động nâng cao nhận thức về LGBTQ+ từ những năm 2010 đến nay cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Bằng cách tận dụng tốt các phương tiện truyền thông và phổ biến thông tin rộng rãi đến xã hội, một cộng đồng đông đảo những người ủng hộ LGBTQ+ đã được thành lập.

    Phong trào đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBTQ+ đã thu hút nhiều sự chú ý và vào năm 2015, phường Shibuya của Tokyo đã trở thành nơi đầu tiên ở Nhật Bản thiết lập một hệ thống mới, theo đó các cặp đồng giới có thể nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quan hệ đối tác, cho phép họ có quyền cùng thuê căn hộ, quyền thăm khám tại bệnh viện với tư cách là thành viên gia đình...

    Hệ thống này đã lan rộng đến nhiều chính quyền địa phương khác trên cả nước. Tính đến ngày 13/05/2024, đã có 26 thành phố và 436 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh thiết lập "hệ thống chứng nhận quan hệ đối tác" (パートナーシップ証明制度).

    Hay gần đây, vào ngày 14/03/2024, Tòa án Tối cao Sapporo đã ra phán quyết rằng việc hệ thống hiện tại của Nhật Bản không cho phép kết hôn đồng giới là vi hiến, đánh dấu phán quyết đầu tiên thuộc loại này ở cấp tòa phúc thẩm. Phán quyết chỉ ra rằng việc một người có cuộc sống phù hợp với bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình là “quyền không thể thay thế” và các cặp đồng giới đang bị tước đoạt quyền này.

    Những tiến bộ về mặt pháp lý nói trên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao vị thế của cộng đồng LGBTQ+ trong xã hội Nhật Bản.

    Những chuyển biến tích cực cũng diễn ra trong xã hội, liên quan đến sự hiểu biết và chấp nhận đối với cộng đồng LGBTQ+. Sự hiện diện của các cá nhân là LGBTQ+, trong đó có người nổi tiếng, người ảnh hưởng (influencer) trên các phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến và cũng có nhiều tác phẩm làm sáng tỏ cuộc sống cũng như các vấn đề thực tế của cộng đồng.

    Và cũng như ở nhiều quốc gia khác, hy vọng nảy sinh cùng với thế hệ mới và tiếng nói của họ. Trong cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi Asahi Shimbun, nhóm tuổi trẻ nhất từ ​​18 đến 29 tuổi cho thấy mức độ chấp nhận hôn nhân đồng giới cao nhất (86%), so với mức trung bình của mọi lứa tuổi là 65%. Con số trung bình chỉ là 41% tại một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào năm 2015.

    Kết

    Với Nhật Bản, có thể nói rằng phản ứng đối với cộng đồng LGBTQ+ và việc xây dựng luật pháp có phần đi sau nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực của các cá nhân và tổ chức để giải quyết những vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBTQ+ đã và đang thúc đẩy tiến trình đạt được bình đẳng giới và sự đa dạng theo nghĩa chân thực nhất của từ này. 

    Mời bạn đón đọc những bài viết thuộc Chuyên đề Tháng Tự hào tại đây!

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!